Xóa bỏ những hạn chế pháp lý không cần thiết cản trở hoạt động thiện nguyện

Sau 6 tháng triển khai Dự án 'Cứu trợ nhân đạo và phục hồi sau lũ miền Trung Việt Nam', đã có gần 200.000 người dân được hưởng lợi. Tuy nhiên, một số khó khăn như chậm trễ trong khâu phê duyệt dự án cứu trợ và phục hồi gây ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động. Cần cải thiện môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động thiện nguyện là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý và địa phương nhấn mạnh.

Dự án “Cứu trợ nhân đạo và phục hồi sau lũ miền Trung Việt Nam” với kinh phí gần 1 triệu USD do Chính phủ Canada và Liên minh cứu trợ Hà Lan (thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan) và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tài trợ và triển khai. Đến tháng 4/2021, Oxfam và các đối tác đã triển khai 10 nhóm hoạt động tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai, bao gồm hỗ trợ tiền mặt không điều kiện, tiền mặt có điều kiện phục hồi sinh kế, cấp phát bộ dụng cụ vệ sinh ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái, cải thiện điều kiện tiếp cận nước sạch - vệ sinh, xử lý nước và trữ nước an toàn…

Ngoài các gói cứu trợ khẩn cấp, các đối tác dự án cũng hỗ trợ tiền mặt cho người dân địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động cải tạo các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hại sau bão, lũ.

Chương trình lao động đổi công của Oxfam tại thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình làm con đường đất phục vụ sản xuất ngày 24/3/2021

Chương trình lao động đổi công của Oxfam tại thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình làm con đường đất phục vụ sản xuất ngày 24/3/2021

Sau 6 tháng triển khai, hơn 183.000 người dân, bao gồm 91.250 phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương nhất do các đợt thiên tai liên tiếp tại 4 tỉnh vào cuối năm 2020 tại địa bàn 18 xã thuộc 5 huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Tuyên Hóa, Hải Lăng và Bắc Trà My tại 4 tỉnh miền Trung - Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam, đã được hưởng lợi từ Dự án “Cứu trợ nhân đạo và phục hồi sau lũ miền trung Việt Nam” để phục hồi sinh kế và dần ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Theo ông Vũ Xuân Việt - Quản lý Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Oxfam - kết quả lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là việc người dân tích cực tham gia vào hoạt động của dự án, các điều kiện về nước sạch và vệ sinh đã được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, những hỗ trợ tiền mặt của dự án giúp cho người dân không chỉ khắc phục được những khó khăn trước mắt mà còn giúp người dân chuyển dần sang giai đoạn phục hồi một cách bền vững hơn, kết nối vào giai đoạn phát triển.

Mùa mưa bão đang đến khiến người dân ở các khu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai lại nơm nớp lo lắng. Để những hỗ trợ nhân đạo được triển khai trên quy mô rộng hơn, hiệu quả hơn thì rất cần một hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích tất cả các cá nhân, các tổ chức, đặc biệt là các tổ chức quốc tế triển khai các gói cứu trợ phục hồi. “Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp chúng ta đã làm tốt rồi, nhưng đối với giai đoạn phục hồi, nếu như có sự vào cuộc, tạo điều kiện về mặt chính sách ở chính quyền cấp tỉnh thì các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Việt nói.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Để có thể huy động hiệu quả hơn nguồn lực thiện nguyện trong dân trong bối cảnh đất nước thường xuyên hứng chịu thiên tai ngày càng cực đoan. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Tổ chức Oxfam và ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam - cho rằng, quá trình sửa đổi Nghị định 64 cần đảm bảo một số nội dung như: Mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; các đối tượng tham gia hoạt động thiện nguyện cần tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn; thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ - từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả, kịp thời.

Đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai chính là chìa khóa kết nối giữa hỗ trợ khẩn cấp, phục hồi sớm và phát triển bền vững. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó khẩn cấp dựa trên các nhu cầu ưu tiên của người dân cần chú trọng một cách tiếp cận lâu dài. Bên cạnh đó, việc xây dựng, nâng cao năng lực cho các tổ chức đối tác địa phương là công việc quan trọng để giúp cộng đồng có thể chủ động ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai trong tương lai.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xoa-bo-nhung-han-che-phap-ly-khong-can-thiet-can-tro-hoat-dong-thien-nguyen-156204.html