Xoa bóp, bấm huyệt hỗ trợ điều trị đau dạ dày
Trong bệnh lý dạ dày tá tràng, xoa bóp bấm huyệt có vai trò hỗ trợ cho các phương pháp điều trị bằng thuốc của học hiện đại và/hoặc y học cổ truyền...
Thuốc nam điều trị đau dạ dày
Viêm loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý khá thường gặp trong cộng đồng, với các triệu chứng như đau vùng thượng vị, đầy chướng bụng, buồn nôn...
Bệnh xuất hiện do tổn thương viêm hoặc loét niêm mạc của dạ dày và/hoặc phần đầu của tá tràng, làm giảm khả năng sản xuất chất nhày, tạo điều kiện cho acid dạ dày tiếp xúc và gây tổn thương thêm lớp mô bên dưới.
Sự tổn thương này của niêm mạc chủ yếu là do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), hoặc do sử dụng không hợp lý thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), bên cạnh đó có vai trò của yếu tố nguy cơ là căng thẳng, stress trong cuộc sống, công việc...
Xoa bóp bấm huyệt là các kỹ thuật sử dụng tay (thủ thuật) để điều trị bệnh.
1. Các động tác có thể thực hiện để giảm đau dạ dày
Bước 1: Người bệnh nằm ngửa. Tiến hành xoa bụng theo vòng tròn quanh rốn, đặc biệt lưu ý vùng thượng vị, để làm ấm da cơ vùng bụng. Làm 5 - 7 vòng.
Bước 2: Day nhẹ nhàng cơ vùng bụng bằng gốc bàn tay hoặc ô mô cái (ô ngoài), ô mô út (ô trong) hoặc vân các ngón tay, di chuyển theo đường tròn để tác động vào các cơ thành bụng trong 3 – 5 phút.
Bước 3: Dùng các ngón tay và gốc bàn tay nhẹ nhàng bóp vào các cơ thành bụng trong 3 – 5 phút.
Bước 4: Day, ấn các huyệt vùng bụng và huyệt toàn thân. Sử dụng vân ngón tay cái tác động vào huyệt 1 góc 45 - 60 độ, ấn từ từ sâu dần đến khi có cảm giác tức nặng tại huyệt và giữ 10 - 15 giây cho mỗi huyệt, sau đó day tròn tại chỗ trong 10 - 15 giây.
2. Day ấn các huyệt làm giảm đau dạ dày
2.1. Huyệt trung quản
Huyệt trung quản là trung điểm đường nối từ mũi ức đến rốn (trên rốn 4 thốn). 1 thốn bằng chiều dài đốt giữa ngón thứ ba, theo đường trắng chính giữa thành bụng.
Tác dụng: Gỉam đau dạ dày, ợ chua, nôn, đầy chướng bụng, điều hòa chức năng bài tiết dịch vị và co bóp của dạ dày.
Ngoài ra, có thể day ấn thêm huyệt thượng quản (trên trung quản 1 thốn), cự khuyết (trên trung quản 2 thốn), hạ quản (dưới trung quản 2 thốn)... đều có tác dụng giảm cơn đau dạ dày.
2.2. Huyệt thiên khu (thiên xu)
Từ chính giữa rốn đo ngang sang 2 bên mỗi bên 2 thốn.
Tác dụng: Chữa cơn đau dạ dày, đầy bụng, nôn...
2.3. Huyệt lương khâu
Trong tư thế gối gấp vuông góc, từ chính giữa bờ trên xương bánh chè đo lên trên 2 thốn, ngang ra ngoài 1 thốn là huyệt.
Lương khâu là huyệt khích (nơi kinh khí hội tập đặc trị trong các bệnh cấp tính) của đường kinh Vị, có tác dụng cắt cơn đau dạ dày cấp.
2.4. Huyệt túc tam lý
Trong tư thế gối gấp vuông góc, từ chỗ lõm dưới ngoài xương bánh chè đo thẳng xuống 3 thốn (3 thốn = bề ngang của 4 ngón tay ở đường đi qua nếp liên đốt 1,2 của ngón trỏ), huyệt nằm cách mào chày 1 khoát (1 khoát = bề ngang của ngón trỏ). Túc tam lý là huyệt thuộc kinh Túc dương minh vị.
Tác dụng: Chữa cơn đau dạ dày, đầy chướng bụng, nôn; huyệt kiện tỳ vị, bổ khí, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
2.5. Huyệt nội quan
Từ chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên 2 thốn (huyệt nằm giữa hai đường gân) là huyệt.
Tác dụng: Chữa cơn đau dạ dày, mất ngủ, nôn.
2.6. Huyệt thái xung
Từ đỉnh kẽ ngón chân I, II đo lên 2 thốn về phía mu chân là huyệt.
Tác dụng: Giảm lo lắng, căng thẳng trong các trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng do stress.
Trên đây là các động tác xoa bóp bấm huyệt có thể sử dụng trong điều trị triệu chứng đau dạ dày ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, hỗ trợ cho các phương pháp điều trị bằng thuốc cũng như châm cứu.
Trong các trường hợp người bệnh có các triệu chứng nặng như xuất huyết tiêu hóa, bụng cứng như gỗ kèm đau dữ dội... cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.