Xóa cầu phao - Lợi ích 'kép'
Vì nhiều lý do, một số cầu phao cũ kỹ bắc qua sông Đáy ở hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa vẫn đang tồn tại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Người dân nơi đây mong mỏi những cây cầu phao sẽ sớm được thay thế bởi những cây cầu vững chãi, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích 'kép' cho cộng đồng...
Nhiều nguy cơ rình rập
Kết cấu cầu thiếu chắc chắn, mặt cầu làm bằng những thanh sắt, gỗ ghép, buộc lại; lan can cầu hoen gỉ, xô lệch, không an toàn; phao nổi là những chiếc thuyền bê tông cốt thép nhỏ; đường xuống nhỏ, dốc… Đó là thực trạng tại hầu hết cầu phao dân sinh trên địa bàn hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Tuy nhiên, thay vì đi qua các cầu bê tông cốt thép sẵn có nhưng quá xa, để rút ngắn thời gian, mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt người lựa chọn lưu thông qua cầu phao.
Ngày 12-5, tại cầu phao Vạn Kim nối xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) với xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa), dù không phải giờ cao điểm, nhưng vẫn có nhiều người qua cầu. Mặt cầu chỉ rộng khoảng 1,5m, một số đoạn thủng lỗ chỗ, vật liệu cong vênh, khi có người, phương tiện đi qua, cầu tròng trành, lắc lư... Lan can cầu được hàn từ những thanh sắt nhỏ, cao 60-70cm nên không an toàn nếu xảy ra va chạm giữa các phương tiện. Đáng nói, cầu không được trang bị phao, dụng cụ nổi, đèn chiếu sáng… Chị Nguyễn Thị Hảo (ở xã Vạn Kim) chia sẻ: “Biết là không an toàn, nhưng nếu đi qua cầu Tế Tiêu hoặc cầu Hương Sơn để sang xã Phù Lưu thì rất xa, nên bà con vẫn chọn đi cầu phao”.
Tương tự, cầu phao nối chợ Sêu (thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức) với xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) cũng mất an toàn. Tuy mặt cầu được làm bằng những thanh sắt hàn lại với nhau, nhưng mỗi khi có người đi xe máy, cầu vẫn rung bần bật... Nội quy ghi rõ “xe máy, xe đạp phải dắt bộ qua cầu”, nhưng thực tế không ai chấp hành... Độ an toàn của 2 cầu phao nối xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức) với xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa), xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) với xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) cũng không khá hơn là bao.
Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) Lê Văn Hải cho biết, khi nước dâng cao hoặc khi có bão, mưa lớn..., xã đều yêu cầu chủ cầu ngăn không cho phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn. Địa phương rất mong khu vực này được xây dựng cầu kiên cố thay cho cầu phao để thuận tiện cho người dân.
Cầu kiên cố: Chờ đến bao giờ?
Trước đây, chỉ tính riêng đoạn sông Đáy chảy qua các huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức có hơn 20 cầu phao dân sinh. Thực hiện chủ trương xóa cầu phao, cầu tạm, thành phố Hà Nội đã xây dựng thêm nhiều cầu kiên cố như: Văn Phương, Hòa Viên, Hòa Mỹ, giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn... Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Nguyễn Hữu Hà, trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn còn 5 cầu phao, tại xã Vạn Kim (1 cầu), xã Đại Hưng (2 cầu), xã Lê Thanh và An Mỹ (mỗi xã còn 1 cầu). Các cầu này được UBND các xã giao người dân xây dựng từ đầu những năm 1990 và khai thác, thu phí.
Mong muốn các cầu phao còn lại trên sông Đáy đoạn qua địa phận huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức được thay thế bằng cầu kiên cố, năm 2020, UBND huyện Mỹ Đức đã có tờ trình gửi UBND thành phố về việc đầu tư xây dựng cầu Lê Thanh vượt sông Đáy và đường giao thông hai bên cầu. Cuối năm 2022, UBND thành phố cũng đã trình HĐND thành phố xin chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Lê Thanh, dài 241m, mặt cắt ngang 21m và đường dẫn hai đầu cầu; thực hiện trong giai đoạn 2023-2026, với tổng mức đầu tư hơn 460 tỷ đồng... Dự án xây cầu Vạn Kim nối xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) với xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa) hiện cũng đang chờ cấp có thẩm quyền cập nhật, bổ sung vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mỹ Đức và Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Ứng Hòa... “Cả hai cầu này đều đang chờ chủ trương của thành phố để giao các ngành và huyện thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Hà thông tin.
Đề cập đến việc hình thành cầu Lê Thanh, Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn nhận định, dự án triển khai sẽ tạo ra tuyến giao thông có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, kết nối các tuyến đường quy hoạch đã được đầu tư, tạo điều kiện phát triển cho cả vùng rộng lớn... Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn chưa biết đến bao giờ việc triển khai mới được tiến hành. Để làm rõ nội dung này, từ ngày 11-5, phóng viên Báo Hànôịmới đã đặt lịch làm việc với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm...
Mong mỏi của người dân nơi đây có được cây cầu kiên cố, thuận tiện và an toàn là chính đáng. Việc thay thế cầu phao tạm bợ bằng cầu kiên cố sẽ mang lại diện mạo khang trang cho đô thị nông thôn, bảo đảm an toàn giao thông phục vụ người dân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1064566/xoa-cau-phao---loi-ich-kep