Xóa 'cò bệnh'

'Anh ơi, để tôi đưa vào khám liền, khỏi phải bốc số'. 'Này cậu, đi theo tôi sẽ gặp được bác sĩ giỏi, kê đơn thuốc chuẩn, đỡ tốn tiền'. Vừa đến cổng Bệnh viện Ung Bướu nằm trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, anh bạn tôi đã bị mấy 'cò' vây quanh mời chào, lôi kéo.

“Cò” khám, chữa bệnh (KCB), hay gọi gọn lại là “cò bệnh” chủ yếu xuất hiện ở các bệnh viện, trung tâm y tế, hay các phòng khám tư nhân uy tín. Tại một số địa phương, "cò bệnh" còn đến tận nhà để giới thiệu, mời chào, chèo kéo người dân đến KCB ở nơi này, nơi kia. Nói tóm lại “cò bệnh” có thể hiểu là những người chuyên lôi kéo, mời chào, thậm chí hù dọa, hành hung người bệnh để bệnh nhân nghe hoặc phải nghe theo sự sắp đặt của họ khi đi KCB. “Cò bệnh” thường là nhóm người có tổ chức, được phân công từng việc cụ thể, không chỉ là những người không thuộc biên chế, hay hợp đồng của bệnh viện, mà còn có cả nhân viên bệnh viện cấu kết, móc nối với các đối tượng bên ngoài.

Người phụ nữ (bên trái) đang chèo kéo, mời bệnh nhân khám bệnh tại cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Báo Nhân Dân.

Người phụ nữ (bên trái) đang chèo kéo, mời bệnh nhân khám bệnh tại cổng Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Ảnh: Báo Nhân Dân.

Những cái lợi của “cò bệnh” thì chưa biết, nhưng những cái hại thì rất nhiều. Trước hết, “cò bệnh” làm mất an ninh trật tự tại các bệnh viện, cơ sở y tế, hay các nơi KCB. Đó là tình trạng chèo kéo, chen lấn, xô đẩy, đe dọa, chèn ép, thậm chí gây lộn giữa các “cò” và bệnh nhân, hay xô xát cả với nhân viên bảo vệ của bệnh viện. Tiếp đó, người bệnh sẽ bị mất phương hướng, có khi “tiền mất tật mang” vì nghe lời “cò bệnh”. Bệnh nhân bị các “cò” lôi kéo ra các phòng khám bên ngoài với lý do là có bác sĩ giỏi, nhưng lại bị lấy giá cao, kê đơn thuốc vô tội vạ. Không ít bệnh nhân vì nghe theo lời “cò bệnh” mà bệnh tật nặng thêm, gia đình điêu đứng.

Vừa qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế và những nơi KCB có phép phải rà soát, củng cố hoạt động của đội bảo vệ, tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương xử lý nghiêm tình trạng “cò bệnh”, nhất là ở chỗ đăng ký KCB. Sở cũng đề nghị ngành công an giúp đỡ, hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh ở các bệnh viện lớn.

Để xóa nạn “cò bệnh”, các bệnh viện, cơ sở KCB cũng cần triển khai làm thẻ cho bệnh nhân và ứng dụng công nghệ thông tin. Người bệnh tái khám chỉ việc quẹt thẻ là hiện ra thông tin bệnh án, không cần mất thời gian khai bệnh. Còn những người mới đến khám lần đầu sẽ được nhân viên bệnh viện tư vấn cẩn thận, tuyệt đối không nghe theo sự lôi kéo của các “cò bệnh”. Các bệnh viện cũng cần phối hợp với công an địa phương nhận diện, chụp ảnh các “cò bệnh” đã được phát hiện và dán trước cổng để người bệnh biết mà phòng tránh. Có như vậy, các loại “cò” bốc số, “cò” xe cứu thương... sẽ bị loại bỏ dần, trả lại sự bình yên, an toàn cho người bệnh.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/xoa-co-benh-718724