Xóa điểm đen ùn tắc giao thông ở Hà Nội - Bài cuối: Giải pháp tháo gỡ
Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ đất giao thông nội đô của Hà Nội hiện nay mới chỉ đạt dưới 9%, giao thông công cộng đạt 17%.
Trong khi đó tiêu chuẩn thông thường của các đô thị trên thế giới tỷ lệ đất dành cho giao thông chiếm 22 - 24%.
Không chỉ có tỷ lệ đất giao thông thấp mà mật độ dân số tại Hà Nội cũng rất cao. Với thực trạng đó việc ách tắc giao thông ở Hà Nội cũng là một điều tất yếu.
*Năm 2019 nỗ lực kéo giảm 10 điểm ùn tắc
Năm 2018, thành phố Hà Nội đã giảm được 12 điểm đen ùn tắc giao thông nhưng sang đầu năm 2019 lại phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc tại khu vực cầu Định Công (Quận Thanh Xuân); đường Phùng Chí Kiên – Hoàng Quốc Việt (Quận Cầu Giấy), điểm quay đầu Trung Văn – Tố Hữu (Quận Nam Từ Liêm); đường Âu Cơ – Nghi Tàm – Xuân Diệu (Quận Tây Hồ); đường Đào Tấn – Nguyễn Văn Ngọc (Quận Ba Đình); cầu Lạc Trung – Kim Ngưu (Quận Hai Bà Trưng); ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng (Quận Đống Đa); đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì (Huyện Gia Lâm).
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, trong năm 2019, thành phố sẽ nỗ lực kéo giảm 10 điểm ùn tắc giao thông.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, đến hết tháng 6/2019, các cơ quan, đơn vị của thành phố đã tập trung xử lý dứt điểm được 6/33 "điểm đen" ùn tắc gồm: Láng - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Khang - cầu 361; cầu Mọc; khu vực đường vành đai 3 trên cao - Pháp Vân - Giải Phóng; Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ; Ngõ 80,82,84 Chùa Láng. Để xóa các "điểm đen" ùn tắc này, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có tổ chức thực hiện bổ sung nhiều biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn đối với 15/21 điểm.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng triển khai lắp đặt thiết bị rada tại 2 nút giao thông Trung Kính - Mạc Thái Tổ và Phạm Văn Bạch - Dương Đình Nghệ phục vụ công tác thu thập thông tin tín hiệu tại các nút giao thông điển hình.
Đáng lưu ý, thời gian qua Hà Nội đã hoàn thành 23/30 công trình giao thông, góp phần giảm tải cho nhiều khu vực.
Cùng đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận tổ chức rà soát, đề xuất danh mục xén dải phân cách, cải tạo đảo giao thông, di chuyển cây xanh trên địa bàn 12 quận với tổng số 15 tuyến đường, 5 đảo giao thông, 7 hầm chui dân sinh, 3 nút giao thông để tổ chức giao thông.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tới đây sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp xử lý 27 điểm ùn tắc và chủ động phát hiện sớm, xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh.
Đồng thời, Hà Nội cũng triển khai xây dựng phương án thu hẹp dải phân cách, cải tạo đảo giao thông trên nhiều tuyến đường khác; xây dựng các cầu qua sông Tô Lịch, cầu đi bộ trên đường Láng để tiếp tục giảm áp lực giao thông, xóa sổ các "điểm đen" ùn tắc trên địa bàn.
*Kết hợp giải pháp cấp bách và lâu dài
Về phía ngành công an, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an thành phố cho biết, Công an thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn nghiên cứu sắp xếp hợp lý các điểm dừng đỗ phương tiện trong khuôn viên, đồng thời không cho các hãng taxi hoạt động độc quyền trong khuôn viên bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban Giám hiệu các trường chủ động nghiên cứu có phương án tổ chức đưa đón học sinh bằng phương tiện giao thông công cộng, xe đưa đón hoặc chính quyền các cấp phối hợp với nhà trường tổ chức các điểm để giáo viên tiếp nhận và đưa học sinh vào trường, tránh tập trung tại cổng trường gây phức tạp về trật tự, an toàn giao thông.
Tại khu vực các công trình đang thi công, Công an Hà Nội đề xuất lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý tại các tuyến đường, sau thời gian thi công đảm bảo đường êm thuận, an toàn cho người tham gia giao thông.
Đối với những bất cập trong việc kết nối đường nội bộ các khu đô thị với đường giao thông chung, Công an thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng khi tổ chức cấp phép xây dựng các khu đô thị, khu chung cư, nhà cao tầng phải kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư phải có phương án cụ thể, hợp lý trong việc đồng bộ, kết nối giao thông giữa khu đô thị, chung cư, nhà cao tầng và các tuyến phụ cận....
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung phát triển nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông để từng bước hoàn thiện theo quy hoạch như: Xây dựng các cầu vượt tại các nút giao, xây dựng các hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, Cầu Nhật Tân, đường vành đai 2, cầu vượt nút giao trung tâm quận Long Biên, tổ chức lại các nút giao cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đường vành đai 3,...
Các công trình này cũng đã phát huy được hiệu quả, góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông hiện nay trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông vẫn chưa được khép kín.
Việc di dời chủ sở các bộ ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng tiến độ di dời gần như vẫn dậm chân tại chỗ.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ngoài các giải pháp lâu dài, Sở Giao thông Vận tải đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông; kết hợp với đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Tổ chức giao thông kết hợp với quản lý, duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoa học, hợp lý; phát triển vận tải hành khách công cộng, tập trung hoàn thành hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn - đường sắt đô thị, đồng thời có biện pháp phù hợp để quản lý sự gia tăng của phương tiện cá nhân.
Với các giải pháp nêu trên, tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã được cải thiện, kết quả số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giảm hàng năm. Tuy nhiên, với thực tế giao thông như hiện nay, các nguy cơ ùn tắc giao thông vẫn luôn thường trực.
Để xử lý linh hoạt các tình huống xảy ra, Sở Giao thông Vận tải thường xuyên phối hợp với Công an Thành phố, chính quyền địa phương và tiếp thu ý kiến của người tham gia giao thông để điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế tối đa các điểm ùn tắc giao thông./.