Xóa đói giảm nghèo từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Sông Mã

Từ việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp mà người dân ở huyện biên giới Sông Mã (Sơn La) đã vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Nhờ sự hỗ trợ của huyện Sông Mã, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Nhờ sự hỗ trợ của huyện Sông Mã, nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập ổn định và thoát nghèo.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Thời gian qua, để hỗ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế vươn lên làm giàu, huyện Sông Mã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi giúp người dân nắm chắc kiến thức để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng.

Nhờ những việc làm thiết thực đó, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế và Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ cây ăn quả, chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tiêu biểu như tại xã Nà Nghịu, đến nay đã có 15 HTX và 1 Công ty hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, 530 cơ sở hoạt động kinh doanh cá thể, 134 cơ sở sản xuất, sơ chế, thu mua nông sản. Từ năm 2023 đến nay, xã này đã phối hợp với Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La triển khai mô hình trồng dứa Queen, quy mô hơn 5ha; dứa đã cho thu hoạch với sản lượng trung bình 17 tấn/ha. Xã cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình chăn nuôi dúi sinh sản tại bản Nà Hin và bản Nà Nghịu, quy mô 64 con.

 Người dân xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã hái nhãn bán cho thương lái.

Người dân xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã hái nhãn bán cho thương lái.

Anh Tòng Văn Hiên, bản Mung, xã Nà Nghịu cho biết: “Để tăng thu nhập cho gia đình, tôi đã đăng ký trồng 6.000 m2 dứa Queen, do huyện Sông Mã phối hợp với Trung tâm chế biến rau quả Doveco triển khai. So với trồng ngô, sắn thì trồng dứa Queen đơn giản, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng ở địa phương. Đến đầu tháng 6 vừa qua, tôi thu hơn 20 tấn quả và được Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La thu mua với giá từ 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg. Tôi lãi gần 100 triệu đồng, thu nhập của gia đình đã ổn định hơn trước”.

Bên cạnh đó, trong xã Nà Nghịu còn có các mô hình chăn nuôi và trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi bò chất lượng cao tại HTX Toàn Phát, bản Tây Hồ, quy mô 185 con; mô hình nho Hạ Đen của Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã, bản Quyết Tiến, quy mô hơn 1ha. Ngoài ra, bà con còn đưa các giống mới vào trồng thử nghiệm như: xoài Úc, xoài Đài Loan GL4, bưởi diễn, bưởi da xanh, na Thái, nhãn Ánh vàng...

 Huyện Sông Mã có 540 ha nhãn tại các xã như: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu.

Huyện Sông Mã có 540 ha nhãn tại các xã như: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Thời gian qua, huyện đã vận động người dân ở các xã mở rộng diện tích trồng nhãn: Chín sớm, nhãn chính vụ, xoài ghép. Đồng thời, tuyên truyền người dân nhân rộng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, nhằm tạo việc làm ổn định và giúp người dân yên tâm gắn bó với nông nghiệp. Đồng thời, huyện còn triển khai các hệ thống quản lý chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP để nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế.

Phát huy thế mạnh, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp

Theo ông Sinh, ngoài việc tuyên truyền người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã giải quyết bài toán cung - cầu cho các sản phẩm của người nông dân. Hiện nay, đối với xã Nà Nghịu duy trì chăm sóc 1.252 ha cây ăn quả các loại, trong đó hơn 870 ha nhãn, sản lượng gần 9.628 tấn quả. Toàn xã có 127 hộ thu nhập đạt 250 - 500 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 10,8% (giảm 9,8% so với năm 2022).

 Do phù hợp với khí hậu địa phương nên nhãn trồng ở Sông Mã cho quả to và mọng nước.

Do phù hợp với khí hậu địa phương nên nhãn trồng ở Sông Mã cho quả to và mọng nước.

Trong những năm gần đây, để phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, huyện Sông Mã đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhờ đó, nhận thức của người dân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức về sản xuất nông nghiệp được nâng lên.

Hiện nay, toàn huyện có 7.590 ha nhãn, trong đó có 910 ha nhãn sản xuất trái vụ, rải vụ, diện tích cho sản phẩm đạt 6.884 ha, sản lượng năm 2023 đạt trên 75 nghìn tấn. Có 1.820 ha xoài, trong đó có 1.580 ha cho sản phẩm, sản lượng năm 2023 đạt gần 12 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả khác của huyện là 1.380 ha, sản lượng 7,6 nghìn tấn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư huyện ủy Sông Mã cho biết, để giúp các nông hộ có nguồn thu nhập cao từ nông nghiệp và chăn nuôi, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện đầu tư nghiên cứu phát triển các giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực trên địa bàn.

 Huyện ủy Sông Mã luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, giúp người dân thoát nghèo.

Huyện ủy Sông Mã luôn quan tâm đến phát triển nông nghiệp, giúp người dân thoát nghèo.

"Huyện luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả; đưa vào trồng, lai ghép một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài ghép, nhãn ghép, xoài Đài Loan và một số cây có múi... để thay thế những diện tích cây ăn quả kém năng suất. Đồng thời, huyện tập trung triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp người dân tăng năng suất sản phẩm, từ đó nâng cao nguồn thu nhập, góp phần xóa nghèo tại địa phương", ông Hùng chia sẻ.

 Nhờ trồng nhãn phát triển kinh tế, gia đình chị Lò Thị Nhung đã có cuộc sống dư dả.

Nhờ trồng nhãn phát triển kinh tế, gia đình chị Lò Thị Nhung đã có cuộc sống dư dả.

Hiện nay, huyện Sông Mã có 540 ha nhãn tại các xã như: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu đã áp dụng công nghệ tưới phun sương; khoảng 1.000 ha nhãn, xoài, sản lượng trên 10.900 tấn tại 17 HTX trên địa bàn huyện sản xuất theo hướng hữu cơ. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của Huyện ủy, UBND huyện Sông Mã, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định từ chăn nuôi, trồng trọt góp phần xóa nghèo bền vững tại địa phương.

Trước đây, gia đình chị Lò Thị Nhung, xã Chiềng Khương cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà kinh tế gia đình đã có sự cải thiện đáng kể.

"Ngày trước, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, thu nhập thấp. Nhờ tuyên truyền, hỗ trợ của huyện, tôi đã trồng nhãn Miền Thiết trên đất dốc. Từ khi trồng nhãn, thu nhập của tôi cao hơn so với trồng ngô. Hiện, tôi có 2,2 ha nhãn miền thiết. Vụ nhãn năm 2023 vừa rồi, sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 240 triệu đồng”.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xoa-doi-giam-ngheo-tu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-o-song-ma-post693917.html