Xóa 'khoảng tối' thông tin đấu giá

Hơn 90% các cuộc đấu giá tài sản công là đấu giá quyền sử dụng đất, thế nhưng lâu nay vẫn tồn tại 'khoảng tối' lớn trong việc minh bạch thông tin đấu giá đất.

Việc công khai thông tin đấu giá đất chưa được tuân thủ nghiêm.

Việc công khai thông tin đấu giá đất chưa được tuân thủ nghiêm.

Công khai, minh bạch là chìa khóa

Quốc hội vừa chính thức thông qua đề xuất của Chính phủ về việc cho phép Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm trước 5 tháng kể từ ngày 1/8/2024. Sau thời điểm này, công tác xác định giá đất - điểm nghẽn lớn nhất đối với thị trường giao dịch đất đai - được kỳ vọng sẽ bước sang trang mới.

Theo các chuyên gia, Luật Đất đai 2024 đánh dấu nhiều bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách đất đai tại Việt Nam, trong đó quy định việc sử dụng giá trong bảng giá đất là giá khởi điểm để bán đấu giá đất đã hoàn thành đầu tư hạ tầng.

Việc đưa giá thị trường vào làm cơ sở để xác định giá đất đấu giá ban đầu là cần thiết nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, giảm thâm hụt ngân sách do tình trạng ghìm giá, xác định sai giá ban đầu khiến chênh lệch giá trúng đấu giá với giá giao dịch sau này lên tới vài lần.

Cũng trong kỳ họp vừa qua, ngoài việc đẩy nhanh tiến trình có hiệu lực của 3 luật nêu trên, Quốc hội còn thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2016, từ đó hoàn thiện và đồng bộ khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu giá tài sản nói chung, đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng, từ việc bổ sung các quy định về năng lực tài chính người đấu giá, quy định đặt cọc đấu giá tới việc kiểm soát hoạt động của người đấu giá, các quy định “cứng” ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá tài sản…

Đặc biệt, nhiều đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận đều đề cập tới vấn đề minh bạch, công khai thông tin liên quan đến các cuộc đấu giá nhằm hướng tới sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay, việc công khai thông tin không chỉ dừng ở thông báo đấu giá, mà còn cả kết quả của cuộc đấu giá, kết quả bán đấu giá của tài sản… trên trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản hiện có để thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng đấu giá.

Hơn nữa, đây cũng là cơ sở dữ liệu tập trung cung cấp thông tin về giá cả thị trường cho cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ ra quyết định chính sách, cung cấp thông tin cho các quan hệ giao dịch trên thị trường.

Hạn chế minh bạch “một nửa”

Từ ngày 10/4/2020, Bộ Tư pháp đã vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản tại địa chỉ https://dgts.moj.gov.vn, thể chế hóa quy định tại Khoản 1, Điều 57 - Luật Đấu giá tài sản 2016. Các thông tin được công khai trên cổng này bao gồm: Thông báo việc đấu giá (tên tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá, đơn vị tổ chức đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước, thời gian, địa điểm tổ chức đấu giá…), thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá và công khai kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản theo quy định…

Trong khi đó, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2016 được thông qua, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định và 7 thông tư hướng dẫn (trong đó chưa bao gồm Luật Giá năm 2023).

Đây được coi là bước tiến lớn trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá; khắc phục tình trạng bưng bít thông tin trong hoạt động đấu giá dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực.

Việc công khai, minh bạch thông tin đấu giá còn nhằm thu hút nhiều khách hàng tham gia đấu giá, tăng tính cạnh tranh, đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân có tài sản đấu giá.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều thông tin về các cuộc đấu giá trên cả nước vẫn chưa được công khai hoặc chưa được các địa phương thực hiện theo đúng quy định.

Đó là chưa kể, kết quả của các cuộc đấu giá hiện mới chỉ được công bố khi kết thúc cuộc đấu giá, với những khách hàng tham gia đấu giá, mà chưa thông tin rộng rãi để xã hội có thể theo dõi, giám sát.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2016 được thông qua cùng việc ban hành các văn bản hướng dẫn là bước tiến lớn, khắc phục tình trạng bưng bít thông tin trong hoạt động đấu giá dẫn đến phát sinh nhiều tiêu cực.

Đơn cử, tỉnh Thái Nguyên tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng Tòa nhà hỗn hợp ở, thương mại dịch vụ cao tầng tại phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên”.

Đây là một trong những dự án trọng điểm của địa phương này với kết quả người trúng đấu giá là Công ty cổ phần BV Invest (công ty con thuộc BV Group - một doanh nghiệp đang hoạt động mạnh trên địa bàn Thái Nguyên).

Ngoại trừ thông tin về thông báo đấu giá do đơn vị đấu giá đưa ra, các thông tin khác liên quan đến phê duyệt danh sách nhà đầu tư và các tài liệu liên quan đến việc đánh giá năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá tài sản, kết quả đấu giá và quyết định phê duyệt kết quả đấu giá đều không xuất hiện trên cổng thông tin đấu giá của Bộ Tư pháp.

Việc tiếp cận với thông tin nêu trên từ phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cũng khá hạn chế, cho dù phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán nhiều lần hẹn làm việc với Giám đốc Sở là ông Đặng Văn Huy.

Tương tự là trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dân cư tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hồi cuối tháng 5/2024.

Trong đơn phản ánh gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng công ty cổ phần Hợp Lực cho hay, doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ đấu giá đất từ phía đơn vị đấu giá, dẫn tới việc không thể mua được hồ sơ hoặc mua được nhưng không còn đủ thời gian chuẩn bị.

Đồng thời, các quy chế đấu giá đất bổ sung thêm không được công khai, dẫn tới tình trạng hồ sơ sau khi nộp bị từ chối bởi không phù hợp với các quy chế đấu giá bổ sung. Các thông tin công bố đấu giá đất liên quan đến dự án này cũng không được công bố đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng như quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Mặc dù sau đó cuộc đấu giá đất này bị dừng lại ngay trước thềm đấu giá chính thức, nhưng cũng để lại nhiều lấn cấn liên quan tới việc tạo tính cạnh tranh và công bằng trong hoạt động đấu giá đất.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tài sản đấu giá hầu hết là tài sản công (trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%). Việc đưa quyền sử dụng đất vào đấu giá và công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá đất được kỳ vọng tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia đấu giá, huy động tối đa nguồn lực từ đất đai cho ngân sách nhà nước.

Do đó, kỳ vọng việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá đất 2016 sẽ tạo thêm hành lang pháp lý, đồng bộ với hệ thống luật về đất đai mới, từ đó tạo dựng một thị trường phát triển bền vững.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý về những tác động ngược của quá trình công khai này. Trong trường hợp người có tài sản, tổ chức đấu giá nhận thấy có dấu hiệu bất thường thì cần kiểm tra, đánh giá và khi công khai kết quả đấu giá cần kèm theo những cảnh báo, khuyến nghị để tránh việc sử dụng kênh dữ liệu, thông tin này làm công cụ tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức có động cơ không minh bạch khi tham gia đấu giá tài sản.

Ninh Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xoa-khoang-toi-thong-tin-dau-gia-post348910.html