Xóa mù chữ cho đồng bào nghèo ở Nà Nghịu
Nhờ lớp dạy xóa mù chữ (XMC), mà nhiều bà con ở bản Xum Pà, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La biết đọc và viết chữ.
Người dân kiên trì học chữ...
Hàng ngày, cứ vào lúc 17h, bất kể nắng, mưa hay giá rét, lúc bận rộn hay nhàn rỗi, 50 học viên lớp XMC ở điểm trường bản Sum Pàn, thuộc Trường Tiểu học Bản Mé, xã Nà nghịu có mặt đông đủ để tham gia lớp học. Trong thời gian học, bà con đều tập trung nghe hướng dẫn của thầy cô giáo, bởi họ có hy vọng sau khi biết chữ sẽ giao tiếp tốt hơn, đi chợ, mua bán ở ngoài xã, huyện cũng thuận lợi hơn. Vậy nên ai cũng háo hức và tập trung học tập.
Lớp học xóa mù đặc biệt ở huyện vùng biên giới này có nhiều hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau. Song tất cả đến với lớp học bằng khát vọng duy nhất là học “lấy con chữ”. Mục đích là để có kiến thức phát triển kinh tế, hướng đến cuộc sống khấm khá hơn. Những đôi tay khô ráp của bà con dân tộc thường ngày cầm cuốc, cầm dao, được cô giáo hướng dẫn tận tình, nay đã viết được tên của bản thân lên trang giấy trắng.
Bà Lường Thị Soan, (62 tuổi) bản Sum Pàn cho biết: “Tham gia lớp học này, tôi rất vui và thấy bổ ích. Dù tuổi tôi cao, nhưng chỉ cần chịu khó lắng nghe cô giáo hướng dẫn cách viết và đọc chữ là có thể nhớ được. Để không bị quên, sau giờ lên lớp về nhà, tôi nhờ cháu nội chỉ dạy thêm. Giờ tôi có thể viết được họ tên của mình rồi”.
Cô giáo Hà Thị Hoàn, giáo viên trường Tiểu học Bản Mé, người được phân công dạy lớp xóa mù cho hay: “Trong thời gian dạy, tôi thấy các chị, cô, bác đều rất chú tâm. Lớp học luôn được duy trì và bước vào giờ học nghiêm túc. Cái khó trong dạy lớp XMC là các học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, có người chưa biết mặt chữ, chưa thạo tiếng phổ thông, người thì nói ngọng...
Vì vậy, lúc truyền đạt kiến thức, tôi gặp chút khó khăn. Tuy nhiên, bà con rất ham học nên đã đạt được kết quả tích cực. Nhìn chung, người nào tham gia lớp học cũng đều biết đọc và viết chữ, tuy có hơi chậm một chút so với học viên trẻ”.
Em Giàng Thị Dua, SN 2003 ở bản Ngu Hấu, xã Nà Nghịu, học viên lớp xóa mù bản Nà Hin (Trường tiểu học Nà Nghịu) sau 1 năm đã học được con chữ. Dua kể, từ nhỏ không được học chữ, lớn lên đi lấy chồng thì quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và làm bạn với ruộng nương không ngơi nghỉ. Do không biết chữ, nên cuộc sống của Dua vất vả suốt nhiều năm qua. Để thoát khỏi cái nghèo, Dua đã đăng ký tham gia lớp XMC, với mong muốn biết đọc, biết viết để có thể đi làm công nhân ở các khu công nghiệp dưới xuôi.
“Nhờ có lớp XMC này, mà tôi đã biết chữ. Tôi rất cảm ơn các thầy cô giáo đã tạo điều kiện giúp đỡ. Lúc đầu mới học tôi thấy khó, nhưng khi tập trung thì thấy dễ hơn. Giờ tôi có thể viết những câu chữ mà mình muốn. Sắp tới, tôi sẽ xuống khu công nghiệp làm công nhân vì nương đồi ít quá nên không đủ canh tác”, Dua nói.
Triển khai chính sách xóa mù chữ hiệu quả
Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Sơn La về việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, XMC giai đoạn 2015 - 2020; 2021 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã đã tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, mở các lớp theo từng giai đoạn. Vì vậy, công tác triển khai phổ cập giáo dục và XMC đã đạt kết quả tích cực, nhiều học viên đã biết đọc, viết chữ.
Ông Nguyễn Công Viên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác XMC. Từ đó củng cố, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; làm nền tảng vững chắc, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Sông Mã".
Theo ông Viên, trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã mở 71 lớp XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, với hơn 2.600 học viên. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện dự kiến mở 31 lớp cho trên 1.500 học viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngành Giáo dục đã tham mưu cho huyện mở được 4 lớp, với 228 học viên tại 2 xã: Nà Nghịu, Đứa Mòn.
Trong quá trình triển khai các lớp XMC, ngành giáo dục đã gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, địa bàn huyện rộng, địa hình bị chia cắt, dân cư phân bố rải rác nên công tác tuyên truyền vận động người dân mù chữ ra lớp ra gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, đối tượng mù chữ đa số đang trong độ tuổi lao động nên thường đi làm ăn xa hoặc ngại tham gia học các lớp XMC. Nắm trước tình hình đó, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ. Từng bước nâng cao nhận thức, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, tái mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể cho từng xã. Huyện đã chỉ đạo phòng giáo dục phối hợp với UBND cấp xã, phân công cán bộ chủ chốt của xã, bản, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng khác vận động từng người mù chữ tham gia học tập và không bỏ học giữa chừng.
Huyện cũng đã chỉ đạo các trường học lựa chọn địa điểm, thời gian tổ chức các lớp học XMC phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia dạy XMC. Đến nay huyện đã có 19 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn XMC mức độ 2.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xoa-mu-chu-cho-dong-bao-ngheo-o-na-nghiu-post663485.html