Xóa mù chữ để xóa nghèo
Miền Tây Nghệ An có gần 1,2 triệu người, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống tại 10 huyện miền núi, gồm 5 huyện vùng cao 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu; 5 huyện miền núi thấp là Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ.
Đời sống nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nguyên nhân một phần do thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng khó khăn, khắc nghiệt, đặc biệt do trình độ dân trí có phần hạn chế. Xác định, muốn đánh thắng "giặc" đói nghèo, trước tiên phải tập trung nâng cao dân trí cho đồng bào - đây là chủ trương xuyên suốt của các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn. Với những mô hình, cách làm phù hợp như mở các lớp xóa mù chữ, xây dựng các mô hình “Nhận đỡ đầu học sinh nghèo học giỏi”; “Nâng bước em tới trường”… các đơn vị Quân đội đã góp phần nâng cao dân trí, giúp đồng bào vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Lớp học dưới ánh đèn đêm
Những con đường xuyên qua bản làng, rừng núi dẫn chúng tôi đến với lớp học ban đêm để xóa tái mù chữ cho bà con đồng bào Thái huyện Quế Phong, Nghệ An. Đó là lớp học do Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4, tổ chức, với đội ngũ giáo viên nòng cốt là cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN). Học sinh là chị em đã luống tuổi và đàn ông quanh năm chỉ biết đến nương rẫy mà quên mất con chữ… Họ cặm cụi viết, rồi đánh vần từng chữ như con trẻ học vỡ lòng. Cứ mỗi đêm về, bản xa lại vọng tiếng ê a đọc bài...
Cũng như thường lệ, đêm đó, cán bộ, nhân viên, TTTTN cùng Thượng tá Nguyễn Như Hồng, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 4 lại vượt những con dốc cao, trơn trượt và khấp khểnh sau đợt mưa lớn để đến với lớp học xóa tái mù chữ ở bản Kẻm Đôn. Trời tối, sương núi thấm ướt vai áo. Mới hơn 19 giờ nhưng đã có nhiều người đến lớp.
Quay trở lại với con chữ, họ lại viết được tên mình, đọc được tên bản, tên xã với những niềm vui bất tận. Giơ cho chúng tôi xem trang giấy có dòng chữ ngay ngắn, chị Lô Thị Bằng, người phụ nữ đứng tuổi khoe: “Bản mình ngày xưa con gái độ tuổi 17, 18 đã lo lấy chồng rồi sinh con đến quên cả cái chữ rồi. Bộ đội thấy mình viết có đẹp không!?”.
Được biết, Đoàn KT-QP 4 thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 8 xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) và Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) thuộc vùng dự án Khu KT-QP Kỳ Sơn. Những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, Đoàn KT-QP còn mở các lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho bà con nhân dân, góp phần nâng cao dân trí nơi vùng biên giới còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Kết quả, 5 năm qua, Đoàn KT-QP 4 đã mở được 7 lớp xóa mù chữ với gần 300 người dân tại hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong.
Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: “Việc mở lớp xóa mù chữ là nỗ lực của ngành giáo dục đào tạo huyện nhà, cùng với sự tham gia đầy nhiệt tình của bộ đội và TTTTN Đoàn KT-QP 4. Lớp học xóa mù chữ không những giúp bà con nhân dân biết đọc, biết viết, nâng cao trình độ dân trí, mà còn thể hiện trách nhiệm của bộ đội và TTTTN với nhân dân trên địa bàn. Qua chương trình này, nhiều người đã biết đọc, biết viết, biết học tập cách làm ăn, nhờ đó đời sống được nâng lên, tự tin hơn trong giao tiếp cũng như trong cuộc sống”.
Chung tay nâng bước em tới trường
Cùng với mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào, những năm qua Đoàn KT-QP4 và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Nghệ An và Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn thực hiện có hiệu quả phong trào nhận đỡ đầu, giúp đỡ các học sinh nghèo học giỏi, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục đến trường.
Đầu năm học 2021-2022, em Lương Thị Viên, ở bản Na Cà, xã Châu Hạnh quyết định nghỉ học bởi hoàn cảnh của Viên hết sức éo le. Mẹ không may bị qua đời, em phải ở với bà ngoại đã già yếu nên em đành phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ bà. Hưởng ứng phong trào đỡ đầu học sinh nghèo do Huyện ủy phát động, Ban CHQS huyện Quỳ Châu nhận đỡ đầu, giúp em tiếp tục tới trường. Ngoài trích Quỹ “Tiết kiệm bản thân, để phần người khó” hỗ trợ gia đình một khoản tiền và mua sách vở tặng em, cán bộ, nhân viên Ban CHQS Quỳ Châu còn giúp bà cháu sửa lại nhà ở, cải tạo vườn… Được biết, không chỉ nhận đỡ đầu giúp đỡ em Lương Thị Viên, năm học 2021-2022, Ban CHQS Quỳ Châu còn nhận giúp đỡ thêm hai em học sinh nghèo vượt khó.
Còn em Mùa Bá Tếnh người dân tộc Mông ở bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn tưởng chừng con đường đến trường đã khép lại năm 2015. Lúc đó em vừa lên lớp 2 thì bố không may qua đời, một mình mẹ nuôi 4 anh em Tếnh ăn học nên em phải nghỉ học ở nhà lên rẫy giúp mẹ. Qua nắm tình hình và từ sự phân công của Đảng ủy Đoàn KT-QP 4, Chi bộ Bệnh xá Đoàn đã nhận đỡ đầu, giúp đỡ em. Theo đó, ngoài việc mỗi tháng cán bộ, đảng viên, nhân viên Chi bộ Bệnh xá Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ em 500.000 đồng và phân công cán bộ kèm cặp, giúp em trong học tập. Nhân các dịp đầu năm học mới, Chi bộ Bệnh xá còn hỗ trợ Tếnh sách vở, quần áo...
Theo số liệu thống kê, tại 5 huyện vùng cao 30a là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu với sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang đã có hơn 800 em học sinh có nguy cơ nghỉ học giữa chừng tiếp tục tới trường. Với sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào. Đây chính là cơ sở tiên quyết, nền tảng góp phần giúp đồng bào xóa nghèo bền vững...
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.