Xóa nhà tạm: Khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn
Nhiệm vụ xóa nhà tạm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vì vậy, Nghệ An, Bắc Kạn yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê, bổ sung nguồn lực, hoàn thành đúng thời hạn đặt ra.

Cán bộ, chiến sỹ Công an phối hợp với người dân chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Các tỉnh Nghệ An, Bắc Kạn yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải coi nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khẩn trương rà soát, thống kê, bổ sung nguồn lực, hoàn thành đúng thời hạn đặt ra.
Hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà cho người có công
Qua khảo sát thực trạng nhà ở của các gia đình có công với cách mạng, nhất là khu vực nông thôn, miền núi ở Nghệ An cho thấy có nhiều nhà làm bằng vật liệu thô sơ, diện tích nhỏ hơn 30m2. Nhà thường xuyên thấm dột, hư hỏng, không đảm bảo an toàn, nhưng chưa được sửa chữa, xây mới.
Toàn tỉnh có số nhà cần được hỗ trợ là 3.949 nhà (trong đó 2.048 nhà xây mới, 1.901 nhà sửa chữa) với tổng nguồn vốn ngân sách gần 180 tỷ đồng.
Để hỗ trợ cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ về nhà ở, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà cho các đối tượng này trước ngày 31/8/2025.
Những hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng; người có công cao tuổi; đồng bào dân tộc thiểu số; có hoàn cảnh khó khăn; thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai sẽ được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa. Mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà xây mới, 30 triệu đồng/sửa chữa, cải tạo.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện chính sách chăm sóc người có công.

Một căn nhà kiên cố, khang trang được xây mới tại huyện Quế Phong. (Nguồn: Báo Nghệ An)
Các địa phương thực hiện xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa nhằm huy động nguồn lực để thực hiện; vận động các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng, cải tạo nhà ở cho người có công với cách mạng.
Việc xem xét hỗ trợ người có công về nhà ở phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, tổ chức xây dựng, cải tạo nhà ở phải đảm bảo tiết kiệm, bền vững, phù hợp với điều kiện từng gia đình và phong tục tập quán của từng địa phương; trong đó việc xây mới phải đảm diện tích trên 30m2 và tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung tường cứng và mái cứng).
Nhà sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn 2 cứng (khung tường cứng và mái cứng).
Các cấp chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng xây dựng nhà ở, Ủy ban Nhân dân cấp xã có trách nhiệm xây dựng nhà ở cho các hộ này.
Tìm nguồn lực hỗ trợ 1.900 nhà tạm, nhà dột nát
Qua rà soát của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các huyện, thành phố và báo cáo của các sở, ngành liên quan, đến đầu tháng 2/2025, Bắc Kạn cần xóa 4.631 nhà tạm, nhà dột nát; trong đó cần làm mới 4.083 nhà, sửa chữa 548 nhà. Dự kiến nguồn lực để triển khai là hơn 261 tỷ đồng.
Bắc Kạn đã có nguồn kinh phí hỗ trợ 961 nhà, trong đó 265 nhà thuộc đối tượng người có công do ngân sách nhà nước cấp, theo Quyết định số 128/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 31/12/2024 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2025; 269 nhà thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 427 nhà thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Với những hộ nghèo, cận nghèo không thuộc đối tượng là người có công và không được hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh dự kiến tạm ứng từ Quỹ cứu trợ tỉnh hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, hỗ trợ 1.406 nhà.
Tỉnh chi nguồn tiết kiệm 5% từ ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ làm mới 321 nhà; chi nguồn xã hội hóa dự kiến hỗ trợ làm mới 15 nhà.
Như vậy đến nay, Bắc Kạn còn 1.928 nhà tạm, nhà dột nát chưa có nguồn lực hỗ trợ.
Đến ngày 17/2, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định phân bổ kinh phí (đợt 1) tạm ứng từ Quỹ cứu trợ tỉnh với số tiền 75 tỷ đồng, chuyển đến quỹ cứu trợ các huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí xóa 1.385 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố; trong đó làm mới 1.115 nhà, sửa chữa 270 nhà, với mức hỗ trợ 60 triệu đồng đồng/hộ/căn nhà làm mới, 30 triệu đồng/hộ/căn nhà sửa chữa.
Theo Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Bắc Kạn, đến nay, tất cả các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn tại tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng Quy chế hoạt động.
Đến đầu tháng 2/2025, các ban chỉ đạo cấp huyện, thành phố đều đã ban hành Kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số huyện chưa thống nhất về số liệu giữa các lần báo cáo và kế hoạch dẫn đến thay đổi tổng số hộ với nguồn lực hỗ trợ.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh là cơ quan thường trực là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đến thời điểm hiện nay không được giao các nguồn lực và không nhận được báo cáo của các đơn vị về nguồn lực hỗ trợ (trừ nguồn lực sử dụng từ nguồn quỹ cứu trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3 và Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh). Do đó, cơ quan này gặp khó khăn trong tổng hợp và các nguồn kinh phí hỗ trợ để tham mưu.
Ngoài ra, một số đơn vị, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo nên còn lúng túng, thiếu giải pháp quyết liệt về triển khai thực hiện, nhất là rà soát và tổng hợp số liệu nhà tạm, nhà dột nát.../.