Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Từ nhiệm vụ chính trị đến phong trào nhân ái

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tại tỉnh Lâm Đồng, xóa nhà tạm, nhà dột nát trở thành một nhiệm vụ chính trị, một phong trào toàn diện nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, xã hội.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tại tỉnh Lâm Đồng, xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mà đã lan tỏa thành một phong trào nhân ái sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, xã hội.

Chủ trương lớn, quyết tâm cao

Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng mới tiếp tục xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, mang tính chiến lược, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Giải quyết nhu cầu nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân được quan tâm thực hiện song hành và được coi là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm để giảm nghèo bền vững.

Tháng 8/2024, tại Lễ tiếp nhận ủng hộ Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, xóa nhà tạm, nhà dột nát là phong trào thi đua nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, với quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường và phát triển hài hòa để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không có ai bị bỏ lại phía sau.

Trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần yêu cầu, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát. Đây là mệnh lệnh của trái tim, lương tri và trách nhiệm với cộng đồng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Nhận thức rõ ý nghĩa của việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc đồng bộ.

Đặc biệt, ngay sau Lễ phát động của Thủ tướng Chính phủ về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (tháng 10/2024), tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao.

Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc “6 rõ” - rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả.

Chính quyền địa phương và đại diện các hộ gia đình làm lễ khởi công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Đức An (trước đây là xã Nam Bình)

Chính quyền địa phương và đại diện các hộ gia đình làm lễ khởi công Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Đức An (trước đây là xã Nam Bình)

Quá trình triển khai, nhiều đoàn công tác đã trực tiếp xuống cơ sở để khảo sát tình hình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp.

Các xã, phường cũng triển khai lồng ghép các chính sách với chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó giúp các hộ khó khăn có nhà ở kiên cố. Mục tiêu chung là xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8.

Tháng 5/2025, tại cuộc họp chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Đắk Nông (cũ), đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Qua quá trình triển khai, chương trình đã trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và sự chủ động vươn lên của chính các hộ nghèo và cận nghèo.

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh chỉ đạo tăng tốc xây dựng nhà cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở. Ảnh: Nguyễn Lương

Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh chỉ đạo tăng tốc xây dựng nhà cho các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở. Ảnh: Nguyễn Lương

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương quyết tâm thực hiện với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn làm.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tận dụng tối đa những thuận lợi và tháo gỡ khó khăn nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì họp đánh giá kết quả thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Bình Thuận (cũ) vào tháng 5/2025. Ảnh: Thanh Thủy

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì họp đánh giá kết quả thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Bình Thuận (cũ) vào tháng 5/2025. Ảnh: Thanh Thủy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái tiếp nhận kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2024

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái tiếp nhận kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2024

Phong trào thi đua vì "tình dân tộc, nghĩa đồng bào"

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Lâm Đồng đang được thực hiện theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ một phần, cộng đồng góp sức, hộ gia đình tự xây dựng. Từ đây đã hình thành một phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu sớm hoàn thành ước mơ an cư cho người khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh), đến ngày 11/7/2025, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 6.004 căn nhà, trong đó 5.112 căn đã hoàn thành, đạt 85,3% kế hoạch. Số căn nhà hoàn thành bao gồm 3.823 căn xây mới và 1.289 căn sửa chữa.

Bộ Công an trao tặng nhà cho hộ dân khó khăn tại phường Đông Gia Nghĩa (trước đây là xã Đắk Nia)

Bộ Công an trao tặng nhà cho hộ dân khó khăn tại phường Đông Gia Nghĩa (trước đây là xã Đắk Nia)

Kết quả trên là minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo xuyên suốt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời, đó cũng là thành quả của sự chung tay, góp sức từ nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh.

Trong số này, Công an tỉnh Lâm Đồng là một trong số các đơn vị đi đầu trong thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức, huy động tổng lực, đến tháng 7/2025, Công an tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt cao điểm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Theo Công an tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi tiếp nhận kinh phí từ Bộ Công an, đơn vị đã phát động chiến dịch thi đua 56 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân (từ 12/5 đến 30/6).

Công an Lâm Đồng hỗ trợ thi công xóa nhà tạm cho đồng bào xã Đam Rông 3. Ảnh: Thụy Trang

Công an Lâm Đồng hỗ trợ thi công xóa nhà tạm cho đồng bào xã Đam Rông 3. Ảnh: Thụy Trang

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ đã tự nguyện đóng góp kinh phí với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cùng hướng về người dân đang sống trong cảnh nhà tạm bợ, dột nát, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Không chỉ dừng lại ở việc đóng góp tiền mặt, lực lượng công an cơ sở, nhất là công an các xã, phường đã tích cực tham gia vào quá trình hỗ trợ vận chuyển vật liệu, dỡ bỏ nhà cũ, san nền, xây móng… để giúp các hộ dân nhanh chóng có được mái nhà mới, khang trang, an toàn.

Tỉnh Đắk Nông (cũ) tiếp nhận kinh phí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) để xây dựng nhà cho hộ nghèo

Tỉnh Đắk Nông (cũ) tiếp nhận kinh phí từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) để xây dựng nhà cho hộ nghèo

Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội. Để giúp các hộ nghèo có nhà ở vững chắc hơn, phù hợp với điều kiện sinh hoạt, các địa phương còn vận động thêm nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên, phật tử đã trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công, vận chuyển vật liệu, san nền… góp phần rút ngắn thời gian thi công và giảm chi phí xây dựng nhà cho người dân.

Hưởng ứng Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các Phật tử và nhà hảo tâm Chùa Quán Âm đã thực hiện xây dựng nhiều căn nhà mới cho người dân khó khăn

Hưởng ứng Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các Phật tử và nhà hảo tâm Chùa Quán Âm đã thực hiện xây dựng nhiều căn nhà mới cho người dân khó khăn

Tiêu biểu, dưới sự vận động của Đại đức Thích Tâm Trí, Trụ trì Chùa Quán Âm, nhiều căn nhà đã được xây dựng từ nguồn đóng góp của các Phật tử và nhà hảo tâm. Chỉ tính riêng tại các xã Tánh Linh, Nghị Đức… đã có hơn 15 căn nhà kiên cố được hoàn thành và bàn giao cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Mỗi căn nhà kiên cố, chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng), trị giá từ 100 đến 120 triệu đồng, đã bảo đảm điều kiện sinh hoạt an toàn, bền vững cho người dân. Đặc biệt, vượt trên giá trị vật chất, đó còn là những mái ấm chất chứa tình người, gửi gắm trong từng viên gạch, tấm tôn.

Đại đức Thích Tâm Trí, Trụ trì Chùa Quán Âm tâm niệm, Phật giáo không chỉ gói trọn trong không gian chùa chiền mà luôn đồng hành cùng đời sống Nhân dân.

“Đối với người dân khó khăn, nhất là với bà con dân tộc thiểu số, khi đã có chỗ ở ổn định thì họ sẽ yên tâm làm ăn, nâng cao chất lượng đời sống”, Đại đức Thích Tâm Trí nói.

Xây một căn nhà cho người nghèo vừa giúp họ có nơi ở, cũng đồng thời là cách để gieo thêm niềm tin, tiếp thêm nghị lực.

Đại đức Thích Tâm Trí, Trụ trì Chùa Quán Âm

Dù mang những tên gọi khác nhau như Mái ấm công đoàn, Nhà nghĩa tình đồng đội, Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa, hay Nhà nhân ái… nhưng những căn nhà mới, kiên cố đều là chứng minh thuyết phục nhất cho một phong trào được lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội -Đó là Phong trào cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Lực lượng dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Lực lượng dân quân tự vệ tham gia hỗ trợ xây dựng nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Hà Thị Hạnh đánh giá, những căn nhà mới được bàn giao đã phần nào thể hiện được quyết tâm chính trị, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng xã hội trong công tác giảm nghèo.

“Phong trào Xóa nhà tạm, nhà dột nát đã thể hiện được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài”, đồng chí Hà Thị Hạnh khẳng định.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bắc Gia Nghĩa (Lâm Đồng) trao nhà Đại đoàn kết và Nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông, ở tổ dân phố Nghĩa Tín

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Bắc Gia Nghĩa (Lâm Đồng) trao nhà Đại đoàn kết và Nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Thông, ở tổ dân phố Nghĩa Tín

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người.

Từ tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 13/4/2024 Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Mục tiêu của phong trào là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn 5 năm so với yêu cầu.

Với phương châm “lá lành đùm lá rách” Lâm Đồng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành chương trình trước ngày 31/8, góp phần tạo dấu ấn ý nghĩa cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Bài 3: Nỗ lực gỡ khó, quyết tâm hoàn thành mục tiêu của "lương tâm và trách nhiệm"

.

Nhóm PV

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xoa-nha-tam-nha-dot-nat-tu-nhiem-vu-chinh-tri-den-phong-trao-nhan-ai-383884.html