Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phục vụ quốc gia, dân tộc
Sáng ngày 28.7, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học 'Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: 80 năm tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc'.

Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Bộ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng với các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
80 năm thành tựu và đóng góp của ngành ngoại giao
Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Hội thảo hôm nay là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao, hướng tới đại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nước.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngành Ngoại giao có một vinh dự vô cùng đặc biệt là được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ánh sáng của Đảng và Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh suốt chặng đường 80 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã luôn tận tụy phụng sự quốc gia, dân tộc, có nhiều đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Nhấn mạnh đến những thành tựu và đóng góp của ngành ngoại giao, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định thứ nhất, Ngoại giao Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Thứ hai, Ngoại giao Việt Nam đã luôn khẳng định vai trò tiên phong trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, ngoại giao góp phần quan trọng nâng cao vị thế đất nước, đưa Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ chính trị thế giới đến vai trò, vị trí ngày càng tăng trong nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Thứ tư, công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngoại giao đạt nhiều thành tựu vượt bậc.
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, để đạt được những thành tựu quan trọng nói trên, toàn ngành Ngoại giao rút ra một số bài học lớn.
Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế kiên định về nguyên tắc nhưng linh hoạt về sách lược theo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Bên cạnh đó là bài học về tầm quan trọng của đoàn kết, đồng thuận; bài học về không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp triển khai đối ngoại, ngoại giao; và trên hết, bài học về vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước đối với công tác đối ngoại.
Những vấn đề trọng tâm của Hội thảo

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi các tham luận theo các chủ đề đang dạng.
Đầu tiên, Hội thảo đã tập trung tổng kết thực tiễn lịch sử 80 năm, góp phần hoàn thiện lý luận của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên cả hai mặt là công tác đối ngoại và xây dựng ngành.
Đặc biệt là rút ra các bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị trong tình hình mới để triển khai đồng bộ, hiệu quả nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp với 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt hiện nay, cần làm rõ thêm các nguyên tắc kinh điển của Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh như “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, bài học về độc lập, tự chủ, triết lý “Ngũ tri” trong xử lý quan hệ với các nước lớn.
Trong đó, phân tích rõ thêm yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại của nền ngoại giao hòa hiếu, nhân văn, chuộng chính nghĩa, yêu lẽ phải. Cần lấp đầy những khoảng trống về lý luận, hướng tới xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ hai, Hội thảo tập trung xác định nội hàm của của ngoại giao trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cụ thể hóa nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”.
Các đại biểu và các nhà khoa học đã phân tích sâu về việc thể chế hóa vai trò “trọng yếu, thường xuyên” cả từ góc độ tổ chức bộ máy, phân bổ nguồn lực, định hướng nhiệm vụ và cách thức triển khai.
Đồng thời đề xuất biện pháp thể chế hóa hơn nữa phối hợp Quốc phòng –An ninh – Đối ngoại cũng như giữa đối ngoại với kinh tế - xã hội và văn hóa theo cách tiếp cận liên ngành, đa ngành của ngoại giao hiện đại. Để thực sự là “trọng yếu, thường xuyên”, ngoại giao cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp như thế nào.
Thứ ba, Hội thảo tiếp tục đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, ngoại giao trong tình hình mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã căn dặn ngoại giao Việt Nam phải vươn lên những tầm cao mới để hoàn thành những trọng trách vinh quang mới.
Trong kỷ nguyên mới, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển sẽ là ưu tiên của ưu tiên. Do đó, rất mong các quý vị, các nhà khoa học phân tích sâu về việc đổi mới nội dung, hình thức, cách làm ngoại giao kinh tế để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng hai con số từ sau Đại hội Đảng XIV, đồng thời tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ tư, các đại biểu tiếp tục đề xuất những sáng kiến, giải pháp cho công tác xây dựng ngành Ngoại giao.
Hội thảo sẽ được nghe các ý kiến tâm huyết, sáng kiến khả thi góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực và trình độ ngang tầm khu vực, dần tiệm cận trình độ quốc tế.
Và cuối cùng là đề xuất biện pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu định hướng chiến lược cho Đảng và Nhà nước. Nghiên cứu là cái gốc của ngoại giao.
Từ đó, ngành ngoại giao sẽ có thêm nhiều sản phẩm “mang tính cột mốc” như Nghị quyết 13 “Về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế và gần đây là Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới cũng như nhiều Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị khác…của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.