Xóa nhà tạm vùng cao: Hành trình biến ước mơ thành mái ấm
Sáu căn nhà mới kiên cố vừa được bàn giao cho các hộ dân nghèo tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là một phần trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, với sự đồng hành của chính quyền và doanh nghiệp.

Đại diện chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tài trợ trao nhà mới cho gia đình ông Giàng Vảng Dinh. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Mái nhà kiên cố, cuộc đời đổi thay
Mới cuối tháng tư, Thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh đã khá oi bức bởi cái nắng đầu hè. Trong ngôi nhà mới vừa được bàn giao, ông Giàng Vảng Dinh, sinh năm 1956, bận rộn sắp xếp lại đồ đạc, thu dọn căn nhà cũ chỉ cách vài chục mét.
Trước đây, cả gia đình ông cùng vợ, hai con trai và một cháu nội 3 tuổi (mồ côi mẹ từ lúc mới sinh) sống chen chúc trong căn nhà tranh tre nứa lá đã xuống cấp, với nhiều chỗ nát mục. Mỗi khi mưa xuống, nước tạt vào nhà qua mái lợp fibro xi-măng mục, còn gió lùa khiến những vách tre kêu lạch cạch suốt đêm.
Ông Dinh từng là bộ đội, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979 tại mặt trận Cam Đường (Lào Cai). Những tấm giấy khen ghi nhận công lao bảo vệ Tổ quốc vẫn còn được ông giữ cẩn thận, treo trang trọng trên tường. Tuy nhiên, cuộc sống hiện tại của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, trồng sắn, ngô những loại cây cho thu nhập bấp bênh, chỉ vừa đủ sinh hoạt tối thiểu.

Ông Giàng Vảng Dinh cùng con, cháu trong căn nhà tạm bợ cũ. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
“Tôi không dám nghĩ có ngày được sống trong căn nhà xây như thế này. Nhà mới kiên cố, sạch sẽ, có cửa sổ, điện đầy đủ, cả gia đình yên tâm hơn mỗi khi mưa bão”, ông Dinh nói.
Căn nhà ông Dinh vừa được bàn giao có diện tích khoảng 50m², nền xi-măng, mái fibro xi-măng, tường gạch trát vữa, có nhà vệ sinh riêng biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cơ bản về an toàn và sinh hoạt. Đây là một trong sáu căn nhà do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ tại xã Cát Thịnh, trong khuôn khổ chương trình an sinh xã hội mà ngân hàng này triển khai tại Yên Bái.
Không xa nhà ông Dinh là thôn Ba Chum, nơi sinh sống của chị Giàng Thị Lề, sinh năm 1989. Gia đình chị là một trong những hoàn cảnh đặc biệt nhất trong đợt hỗ trợ lần này. Mới 36 tuổi, chị đã sinh 12 người con. Một bé mất sớm, một con trai bị khiếm thính, con cả đã có gia đình và hai con nhỏ, bé út mới hơn 4 tháng tuổi. Trong căn nhà cũ vỏn vẹn khoảng 40m², không nền, không vách tường gạch, cả đại gia đình sống chen chúc nhiều năm qua.

Chị Giàng Thị Lề đang bế đưa con thứ 12 mới được 4 tháng tuổi bên trong căn nhà cũ. (Ảnh: MINH PHƯƠNG)
Những ngày trời nắng, nền đất khô bụi bốc lên mỗi lần có người đi lại. Khi mưa xuống, nước đọng thành vũng, lầy lội và trơn trượt. Nhà chỉ có một chiếc giường ghép từ vài tấm gỗ cũ kỹ là nơi ngủ nghỉ của cả nhà. Khu bếp ở ngay bên cạnh, vỏn vẹn vài chiếc nồi móp méo, gói bột canh treo tạm trên vách, là nơi chị Lề chuẩn bị bữa ăn cho hơn chục người.
“Khi cán bộ xã thông báo gia đình được hỗ trợ làm nhà, tôi mừng không ngủ được. Có nhà xây rồi, yên tâm nuôi con hơn”, chị nói. Giống như ông Dinh, thu nhập của gia đình chị phụ thuộc vào làm thuê và nương rẫy, không đủ để tự cải thiện chỗ ở.
Căn nhà mới của chị Lề cũng được xây theo tiêu chuẩn chung: 60 triệu đồng một căn, khung cột chắc chắn, tường xây gạch, mái fibro xi măng, nền xi-măng bằng phẳng, có khu phụ hợp vệ sinh. Quá trình thi công được giám sát chặt chẽ bởi chính quyền xã và đại diện nhà tài trợ, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và mục tiêu hỗ trợ bền vững.

Căn nhà mới kiên cố khang trang hơn được chính quyền địa phương và doanh nghiệp tài trợ bàn giao cho gia đình chị Giàng Thị Lệ. (Ảnh: NHẬT QUANG)
Huy động sức dân và doanh nghiệp vì mục tiêu không còn nhà dột nát
Từ năm 2021 đến nay, xã Cát Thịnh đã vận động xây dựng được hơn 40 căn nhà mới cho các hộ nghèo. Năm 2025, sau khi rà soát toàn diện, xã xác định có 6 hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, cần hỗ trợ khẩn cấp để thay thế nhà tạm, nhà dột nát. Những hộ này đều là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập không ổn định, điều kiện sống thiếu thốn.
Thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước và Công điện số 117/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, cùng các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã Cát Thịnh đã tích cực triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025.
Việc triển khai xây dựng đã hoàn thành 100% cả 6 căn, vượt tiến độ so với kế hoạch ban đầu là hoàn thành trước ngày 31/5. Như vậy, toàn xã sẽ hoàn thành mục tiêu trước cả thời hạn chung của tỉnh là ngày 30/6.
Các căn nhà mới đều được xây dựng kiên cố, bảo đảm diện tích tối thiểu từ 8–10m²/nhân khẩu, phù hợp điều kiện sống của đồng bào vùng cao, bảo đảm tuổi thọ sử dụng từ 25 năm trở lên. Ngoài ra, tất cả các hộ còn được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh riêng biệt, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Trần Tiến Dũng,
Phó Chủ tịch UBND xã,
Phó Trưởng Ban chỉ đạo xóa nhà tạm xã Cát Thịnh.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xóa nhà tạm xã Cát Thịnh cho biết: “Các căn nhà mới đều được xây dựng kiên cố, đảm bảo diện tích tối thiểu từ 8-10m²/nhân khẩu, phù hợp điều kiện sống của đồng bào vùng cao, bảo đảm tuổi thọ sử dụng từ 25 năm trở lên. Ngoài ra, tất cả các hộ còn được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh riêng biệt, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt, bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.”
Năm nay, mỗi căn nhà được hỗ trợ 60 triệu đồng từ ngân sách và các nguồn xã hội hóa, tăng hơn so với các năm trước (chỉ được 50 triệu đồng). Đặc biệt, các căn nhà năm nay đều nhận được tài trợ từ Ngân hàng BIDV. Bên cạnh hỗ trợ xây nhà, BIDV còn là đơn vị tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương như hỗ trợ giáo dục, y tế, khắc phục thiên tai.
Toàn xã Cát Thịnh hiện có hơn 2.500 hộ dân với khoảng 12.000 nhân khẩu, trong đó có 6 bản đồng bào dân tộc Mông, nơi tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 99%. Cát Thịnh cũng là xã duy nhất trong huyện không thực hiện sáp nhập do có diện tích tự nhiên lớn và dân cư phân bố rải rác.
“Chúng tôi tiến hành rà soát rất kỹ, lựa chọn các hộ thực sự khó khăn, sống trong những căn nhà tạm có nguy cơ đổ sập, không bảo đảm an toàn khi có mưa bão. Điển hình như hộ gia đình già yếu có 5 khẩu sống trong căn nhà dột nát, thiếu an toàn. Giờ đây, với căn nhà xây mới rộng trên 40m², họ đã có nơi ở ổn định, an toàn. Căn nhà cũ bên cạnh vẫn được giữ lại làm bếp tạm,” ông Dũng cho biết.
Tại sự kiện bàn giao nhà ở xã Cát Thịnh, bà Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Yên Bái nhấn mạnh,chương trình không đơn thuần là hoạt động tài trợ, mà còn là một phần trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. BIDV hiện đang triển khai tài trợ xây dựng 600 căn nhà tại tỉnh Yên Bái, với tổng kinh phí 36 tỷ đồng.
“Mỗi mái nhà được hoàn thành là một bước tiến gần hơn tới mục tiêu an sinh xã hội, hướng tới một xã hội phát triển công bằng, bền vững”, bà Phương nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 11/4/2024, các địa phương phải đẩy nhanh triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Yên Bái là một trong những địa phương thực hiện sớm, hiệu quả chỉ đạo này.
Tính đến tháng 4/2025, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 2.087/2.208 căn nhà theo kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2021-2025, đạt trên 90% mục tiêu. Lãnh đạo tỉnh cho biết, phần còn lại sẽ được hoàn thành trước tháng 8/2025, thời điểm mưa bão bắt đầu kéo dài.
Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh từng khẳng định tại lễ tiếp nhận tài trợ đầu tháng 4/2025: “Xóa nhà tạm là nhiệm vụ chính trị, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức tới đồng bào vùng khó khăn. Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để đạt mục tiêu trước thời hạn”.