Xóa nỗi ám ảnh khi lưu thông
Không ít tuyến đường ở TP HCM khiến người dân ngần ngại tham gia giao thông, nhất là vào mùa mưa, khi hạ tầng ngày càng xuống cấp
Tại TP HCM, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, phương tiện giao thông dày đặc từ sáng sớm tới tối muộn mỗi ngày trên nhiều tuyến đường.
Rủi ro chực chờ
Trong quá trình di chuyển gần 6 km trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, chúng tôi bắt gặp nhiều đoạn hằn vết phanh cháy đen - hậu quả của việc xử lý thụ động từ nhiều tài xế.
"Va quệt xảy ra như cơm bữa" - anh Đỗ Huyền Thịnh (quận 12) nhận xét. Nam thanh niên này dẫn chứng mới đây, chiều 15-5, nạn nhân T.B.H đã tử vong vì va chạm với chiếc xe ôm công nghệ khi tuổi đời vừa 28.
Cách nơi xảy ra vụ tai nạn này 1 km, hoa trắng vẫn cắm bên cột điện tiếc thương chàng trai 19 tuổi quê Khánh Hòa, nạn nhân vụ va chạm đêm 24-4 với chiếc ô tô 16 chỗ.
"Dù tuyến đường Quang Trung có 4 làn xe và dải phân cách cứng nhưng giờ cao điểm, xe từ huyện Hóc Môn và quận 12 đổ về khiến giao thông căng thẳng, đang đi mà muốn đổi làn, nếu không cẩn thận là đánh cược với số phận" - anh Thịnh nhận xét.
Cũng tại quận Gò Vấp, giao lộ Thống Nhất - Lê Đức Thọ là địa điểm mà bất cứ ai mỗi khi băng qua phải "căng như dây đàn". Bà Phạm Thị Nụ, sống tại đây, cho hay không đếm xuể các va chạm trước nhà mình. Có hôm, nửa đêm nghe âm thanh dữ dội, bà mở cửa ra xem thì thấy người nằm la liệt.
Ngược về TP Thủ Đức, đoạn đường Nguyễn Duy Trinh từ vòng xoay Phú Hữu đến đường Nguyễn Thị Tư mang nỗi ám ảnh không kém khi bề mặt hẹp, nhiều khúc cua gấp, xe tải, xe container lưu thông dày đặc. Từ năm 2019 tới nay, đoạn này có hàng chục người thiệt mạng do tai nạn giao thông.

Biển báo lưu ý người dân cẩn trọng khi lưu thông trên đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức. Ảnh: NGỌC QUÝ
Ở phía Tây Bắc, các tuyến đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa và Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn) luôn được cánh tài xế dặn nhau cảnh giác bởi nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra.
Trong đó, đoạn Nguyễn Văn Bứa dài 2,5 km từ Ngã ba Giồng đến Cầu Lớn thường xuyên ùn tắc, xe container, xe tải liên tục từ Long An đổ về TP HCM trong khi mỗi bên chỉ rộng 6 m. Các điểm mở cho xe tải càng khiến bức tranh di chuyển hỗn loạn, tai nạn luôn chực chờ.

Đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) khiến cánh tài xế lo ngại. Ảnh: THU HỒNG
Tín hiệu tích cực
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù được đánh giá là "con đường tử thần" cần cải tạo cấp bách nhưng gần 1 thập kỷ qua, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường Nguyễn Duy Trinh gần như không chuyển động.
Trước đó, từ năm 2015, UBND TP HCM chấp thuận cho Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế làm chủ đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn hơn 930 tỉ đồng. Dự án dự kiến khởi công năm 2018 nhưng việc triển khai trắc trở do vướng mắc về thủ tục và vốn.
Cũng liên quan đường này, đoạn từ cầu Xây Dựng đến Vành đai 2 được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2017, còn đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu được duyệt năm 2019. Tuy nhiên, tất cả chưa được bố trí vốn triển khai.
"Thực sự khá căng thẳng khi đi về qua những nơi này, nhất là vào mùa mưa khi hạ tầng đã xuống cấp còn gặp tâm lý nóng vội, lái xe cẩu thả của người đi đường" - chị Lan Phương, ở TP Thủ Đức, nói và bày tỏ mong mỏi thành phố có động thái nhanh chóng và đúng mức để xóa nhận xét không hay ho "con đường tử thần".
Điều người dân chờ đợi hạ tầng tốt đồng nghĩa với an toàn cao là dễ hiểu. Bởi lẽ, ở khu vực gần đó, vòng xoay Phú Hữu sau khi mở rộng, bổ sung dải phân cách cùng hệ thống biển báo đã phát huy hiệu quả khi giảm rõ rệt ùn tắc cùng tai nạn.
Ở quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn, người dân cũng đang chờ đợi những tín hiệu tích cực đến từ hàng loạt giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trên những tuyến đường nhiều nguy cơ.
Trong đó, từ năm 2024, Sở Giao thông Vận tải, nay là Sở Xây dựng, đề xuất UBND TP HCM chi hơn 6.000 tỉ đồng cho dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa từ Ngã ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9 và đường song hành Phan Văn Hớn từ Quốc lộ 1 đến đường Vành đai 3.
Kế hoạch mang nhiều kỳ vọng giảm thiểu tai nạn, giải phóng áp lực giao thông, tăng tính liên kết vùng này được chờ đợi tạo nhiều chuyển biến tích cực…
Chống ngập hiệu quả để bảo đảm lưu thông
Tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tháng 5-2025, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết bên cạnh nhiều kết quả đạt được, thành phố còn "điểm đen" giao thông tại đường Vành đai 2, khu vực cảng Cát Lái và sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian tới.
Khu vực vòng xoay Phú Hữu sau khi cải tạo đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: NGỌC QUÝ
TP HCM xác định 23 điểm nguy cơ ùn tắc, trong đó 5 điểm đã được cải thiện nhờ nhiều giải pháp hạ tầng, tổ chức giao thông; 9 điểm còn phức tạp và thành phố sẽ tiếp tục các động thái khắc phục. Một công tác quan trọng nữa, là tăng cường chống ngập mùa mưa để bảo đảm lưu thông.
TP HCM cũng đề xuất thí điểm mô hình xã, phường an toàn giao thông và kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sớm ban hành hướng dẫn thống nhất để tăng cường phối hợp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xoa-noi-am-anh-khi-luu-thong-196250527220506624.htm