'Xóa sổ' đánh bắt thủy sản mang tính tận diệt
Có một nghịch lý đang tồn tại nhiều năm qua ở Bạc Liêu: Trong khi các chủ ghe tàu công suất lớn đánh bắt thủy hải sản xa bờ gặp khó khăn, thì những ngư dân đánh bắt ven bờ theo kiểu… tận diệt vẫn 'sống khỏe'.
Một trong những loại hình khai thác theo kiểu tận diệt phải kể đến là nghề lồng bẫy ("bát quái”). Lồng bẫy có chiều dài bình quân khoảng 6 - 10 m, được thiết kế theo khung hình hộp liên kết với nhau, kích thước mắt lưới từ 6 - 10 mm. Với thiết kế liên hoàn và có nhiều cửa hom nên các loại thủy hải sản chỉ có thể chui vào mà không thể thoát ra; cũng như do kích thước mắt lưới nhỏ nên lồng bẫy có thể bắt cá lớn lẫn cá bé.
Một cách khai thác theo kiểu tận diệt khác cũng khá phổ biến là đẩy te. Phương tiện hành nghề gồm một chiếc xuồng máy có công suất lớn, phía trước có gắn một cặp gọng (thường được làm bằng kim loại) dài hơn 10 m, đầu gọng tiếp giáp với đáy biển được bọc nhựa để có thể lướt qua các vật cản và được kết nối với hệ thống lưới mành. Mỗi khi người điều khiển phương tiện cho xuồng chạy về phía trước thì mành lưới kết hợp với cặp gọng tạo thành chiếc túi lớn hút mọi sinh vật trên đường di chuyển của nó vào trong. Cách khai thác này làm tổn hại trực tiếp đến tầng đáy biển và môi trường sống của nhiều loài thủy hải sản.
Theo ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, những năm qua địa phương tích cực thực hiện chủ trương giảm dần tàu cá có công suất máy dưới 20 CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ; khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để khai thác tại các ngư trường xa bờ; hỗ trợ ngư dân xây dựng mô hình quản lý ven bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, việc chuyển đổi, cải hoán tàu cá có công suất lớn khai thác ở vùng biển xa tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư cụ. Nếu chuyển đổi tàu công suất nhỏ sang tàu công suất lớn (tùy thuộc vào công suất) thì chi phí cải hoán hàng tỷ đồng. Trong khi đó, phần lớn ngư dân làm nghề khai thác hải sản ven bờ điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc chuyển đổi ngành nghề là việc không thể.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nhằm từng bước “xóa sổ” loại hình khai thác theo kiểu tận diệt này, Bạc Liêu tiếp tục khuyến khích chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ. Để việc chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt thủy sản gần bờ thật sự hiệu quả, đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững theo Quyết định số 375, ngày 1/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, địa phương tiếp tục tạo nguồn vốn để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ xây dựng phương án chuyển đổi nghề qua từng năm, từng giai đoạn, nghề nào khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản cao thì lập phương án ưu tiên chuyển đổi trước. Quá trình chuyển đổi nghề, cơ cấu lại phương tiện khai thác cũng phải có lộ trình, hợp lý để người dân không bị hụt hẫng khi bỏ nghề cũ sang nghề mới.
Cùng với đó, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, định hướng của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh về việc ổn định, tiến tới giảm dần số lượng tàu đánh bắt hải sản trên biển lắp máy có công suất nhỏ (dưới 20CV) đến tận phường, xã, các hộ ngư dân.
Theo ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi hình thức đánh bắt, tỉnh đã tập trung vào công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Việc quy định đánh bắt theo mùa đối với từng loại hải sản cũng đã được triển khai thực hiện để tránh mùa di cư sinh sản.
Về lâu dài, Bạc Liêu cần đầu tư xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá; dịch vụ hậu cần nghề cá; khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền; hạ tầng nuôi trồng hải sản; đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển; hỗ trợ nuôi trồng hải sản trên vùng biển, lồng nuôi, con giống hải sản; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trên biển, các dịch vụ công ích trên biển... Qua đó, giúp nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững như yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay qua kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển và vùng ven biển, đã phát hiện 652 lượt phương tiện vi phạm về lĩnh vực khai thác thủy hải sản gần bờ.