Xóa sổ kho thuốc bảo vệ thực vật giả có chứa chất 'siêu độc' của chủ kho sinh năm 2001

Chiều 1/6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông báo vừa phát hiện một kho thuốc bảo vệ thực phẩm giả mạo với số lượng rất lớn. Được biết, chủ kho hàng này sinh năm 2001.

Chủ kho 2001 phù phép thuốc diệt cỏ Trung Quốc thành hàng Việt Nam

Sau thời gian dài thẩm tra, xác minh, sáng 1/6, Đội 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (QLTT) phối hợp với lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số 19, ngõ 785 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai.

Vị trí kho hàng luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, không biển hiệu, chỉ dẫn.

Tại đây, lực lượng chức năng đã bắt quả tang các công nhân tại đây đang tiến hành dán nhãn để phù phép cho các nguyên liệu bán thành phẩm của Trung Quốc thành các sản phẩm thuốc trừ cỏ do Việt Nam sản xuất, với đủ các thương hiệu như LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480…

Đặc biệt, các sản phẩm giả mạo này có chứa thành phần glyphosate đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách cấm lưu hành kể từ ngày 30 tháng 6 năm 2021.

Đại diện Đội 1 cho biết, kho hàng này nằm trong con hẻm nhỏ, vắng người qua lại. Tại đây, có nhiều kho hàng cùng thuê địa điểm để sản xuất, kinh doanh. Nơi đây, các xe tải cũng thường xuyên ra vào. Tuy nhiên, mỗi lượt vào và ra đều có người mở, đóng cổng để kiểm soát chặt chẽ.

Chủ kho hàng mô tả lại thao tác dán tem vào sản phẩm để phù phép ra sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sản xuất trong nước từ nguyên liệu bán thành phẩm của Trung Quốc.

Nằm ở vị trí gần cuối, kho hàng do ông Phan Việt Anh (sinh năm 2001) có hộ khẩu thường trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn nhận là chủ sở hữu chứa trữ hàng nghìn thùng hàng hóa là mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật.

Sẽ xử lý hình sự

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội, đây là một trong những vụ việc vi phạm lớn đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật mà đơn vị phát hiện và xử lý trên địa bàn Hà Nội.

“Đối với vụ việc này, chúng tôi đã phải thu thập, ghi nhận thông tin từ nhiều tỉnh, thành phố về đường đi, nước bước của các đối tượng, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan như Công an, doanh nghiệp để tiến hành xác minh dấu hiệu vi phạm mới có thể tiến hành kiểm tra”, ông Nghĩa nói.

Sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của Công ty CP Bảo vệ thực vật Sài Gòn.

Sau khi kiểm đếm, phân loại, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ, tương đương với 17.900 lít. Theo hướng dẫn sử dụng, với số lượng trên sẽ diệt cỏ cho 12.000 ha.

Trước mắt, lực lượng chức năng xác định trong toàn bộ hàng hóa thu giữ tại hiện trường có sản phẩm mang tên LYPHOXIM là hàng giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên đây là vụ việc bắt quả tang khi đang có tính chất dán nhãn, đóng gói mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật.

Chỉ cần thị trường có nhu cầu về thuốc trừ cỏ nào, sẽ có tem nhãn về sản phẩm đó sẵn sàng dán vào sản phẩm.

“Bộ luật Hình sự có hẳn 1 Điều riêng xử lý đối với lĩnh vực này cho nên chúng tôi phải làm thật chặt chẽ từ số lượng bao bì bị làm giả, chủng loại bị làm giả, loại mặt hàng bị làm giả, pháp nhân bị làm giả và quan trọng nhất người dân chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, đối với vụ việc này, chúng tôi sẽ chuyển giao ngay cho Cơ quan Công an để tiến hành xác minh, xử lý hình sự để mang tính chất răn đe”, ông Nghĩa nói.

Đội trưởng Hoàng Đại Nghĩa tại hiện trường kiểm tra.

Ông Hoàng Đại Nghĩa cũng khuyến cáo, bà con nông dân, Hợp tác xã nên mua hàng chính hãng từ hệ thống đại lý lớn của doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, không tùy tiện mua hàng rẻ, hàng không rõ nguồn gốc chất lượng bởi ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xoa-so-kho-thuoc-bao-ve-thuc-vat-gia-co-chua-chat-sieu-doc-cua-chu-kho-sinh-nam-2001-post197436.html