Xóa ùn tắc giao thông trên các tuyến đường tỉnh

Tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường tỉnh thường xuất hiện tại nhiều điểm giao với những quốc lộ trong khung giờ cao điểm hàng ngày. Việc này khiến người dân địa phương và người điều khiển phương tiện 'ngán ngẩm' khi chen chúc trên đường.

Đường tỉnh 767 qua huyện Trảng Bom thường xuyên trong tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí hướng ra quốc lộ 1 (ngã ba Trị An). Ảnh: Đ.Hồ

Đường tỉnh 767 qua huyện Trảng Bom thường xuyên trong tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí hướng ra quốc lộ 1 (ngã ba Trị An). Ảnh: Đ.Hồ

“Nút thắt” trên những giao lộ

Mỗi sáng, người dân tại xã Hố Nai 3 và xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đều rất vất vả để di chuyển trên đường tỉnh 767 đoạn ngã ba Trị An do ùn tắc cục bộ trên tuyến đường này tại vị trí giao với quốc lộ 1. Đây là đoạn đường huyết mạch nhưng mỗi bên chỉ có 1 làn hỗn hợp, bề rộng mặt đường khoảng 8m nên các loại phương tiện lớn, nhỏ phải chen chúc nhau di chuyển. Không chỉ vậy, đây là con đường chính để ra vào Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) nên đường đã chật, lại đông xe trong giờ cao điểm.

Anh Nguyễn Minh Hà (ngụ xã Hố Nai 3) ngán ngẩm cho biết: “Cứ vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều là dòng xe tấp nập đổ dồn về vị trí giao cắt giữa đường tỉnh 767 và quốc lộ 1, chủ yếu ùn tắc xuất hiện trên đường tỉnh. Việc này khiến người dân địa phương muốn băng qua đường cũng rất khó khăn, hầu như ngày nào đường cũng đông nghẹt vào khoảng 6-8h và khoảng 16-18h”.

Đây cũng là tình trạng chung của một số giao lộ giữa đường tỉnh với các quốc lộ như: ngã tư Dầu Giây (đường tỉnh 769 và quốc lộ 1, huyện Thống Nhất), ngã tư Lộc An (đường tỉnh 769 và quốc lộ 51, huyện Long Thành), ngã ba Nhơn Trạch (đường tỉnh 25B và quốc lộ 51, huyện Long Thành)… Đây đều là các tuyến đường tỉnh kết nối quốc lộ với nhiều khu công nghiệp tại các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch…, do đó, lượng phương tiện di chuyển phục vụ sản xuất luôn ở mức cao.

Nguyên nhân của tình trạng ùn tắc trên là do mật độ phương tiện tăng cao phải dừng chờ đèn đỏ tại giao lộ trong các thời gian cao điểm trong ngày, nhất là các phương tiện có kích thước lớn như xe tải và xe đầu kéo. Trong khi đó hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh vẫn chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đặc biệt tuyến đường tỉnh 769 hiện có nhiều phương tiện ra vào Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dẫn đến lưu lượng xe tăng đột biến.

Đáng nói, phần lớn các tuyến đường tỉnh hiện nay chỉ có 2 hoặc 4 làn xe; dọc bên đường lại có nhiều khu dân cư đông đúc. Do đó, không chỉ tồn tại vấn đề về ùn tắc giao thông mà trên các tuyến đường tỉnh tại Đồng Nai thời gian gần đây thường xuất hiện các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng giữa xe tải, xe đầu kéo và xe máy, khiến người đi xe máy tử vong.

Gần nhất vào sáng 15-4, trên đường tỉnh 768 (đoạn qua xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) xảy ra vụ TNGT giữa xe đầu kéo và xe máy khiến 1 người đàn ông đi xe máy tử vong tại chỗ. Trước đó, chiều 6-4, trên đường tỉnh 765 (xã Xuân Tây và xã Xuân Đông, cùng thuộc huyện Cẩm Mỹ), xe đầu kéo va chạm với 1 xe ô tô 7 chỗ và 1 xe máy khiến người đàn ông đi xe máy tử vong trên đường đi cấp cứu.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã yêu cầu các đội, trạm cảnh sát giao thông đường bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên các quốc lộ, đường tỉnh; nếu phát hiện các bất cập về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông không phù hợp phải có đề xuất, kiến nghị ngay để các cơ quan quản lý đường bộ sớm xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình giao thông thực tế, bảo đảm an toàn giao thông.

Rà soát hạ tầng và nghiên cứu mở rộng

Theo Sở Xây dựng, Đồng Nai hiện có 24 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 494km. Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Xây dựng đã 2 lần phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương để xử lý bất cập hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh. Qua đó đã đề xuất xử lý bất cập một số vị trí tại huyện Nhơn Trạch. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đang bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ theo quy chuẩn hiện hành.

Đầu tháng 4-2025, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì, nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống đường tỉnh. Qua đó nhằm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có gắn với việc xử lý vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và các bất cập trong tổ chức giao thông.

Để làm được việc này, từ nay đến hết năm 2025, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, bất cập về hạ tầng giao thông năm 2024 trên các tuyến đường tỉnh. Từ đó kịp thời đưa ra các giải pháp thực hiện bảo đảm an toàn giao thông và giảm ùn tắc giao thông.

Về tổng thể, trong những năm gần đây, Đồng Nai đã hoàn thành việc nâng cấp đường tỉnh 768 (huyện Vĩnh Cửu) và đường tỉnh 763 (huyện Xuân Lộc và huyện Định Quán). Hiện nay, đường tỉnh 25B và đường tỉnh 25C (huyện Nhơn Trạch) đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng, nối dài 2 tuyến đường này.

Ngoài ra, Đồng Nai hiện cũng đang hoàn thiện thủ tục, báo cáo tiền khả thi các dự án nâng cấp, mở rộng, mở mới một số tuyến đường tỉnh. Cụ thể là: Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường tỉnh 773 (dài gần 40km đi qua 3 huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành); Dự án Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 769 (dài gần 30km qua 2 huyện: Thống Nhất và Long Thành); Dự án Đường tỉnh 770B (dài hơn 42km nối huyện Định Quán với huyện Long Thành).

Đông Hồ

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202504/xoa-un-tac-giao-thong-tren-cac-tuyen-duong-tinh-237086a/