Xoài - không chỉ ngon, bổ dưỡng mà còn là vị thuốc trị bệnh

Xoài là một loại quả thơm ngon, bổ dưỡng... nhưng cũng là một vị thuốc chữa bệnh, ít ai biết đến.

1. Đặc điểm cây xoài

Theo sách 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, xoài còn gọi là muỗm. Tên khoa học Mangifera indica L., thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae.

Xoài có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á, hiện được phổ biến trồng ở khắp các nước nhiệt đới khác. Tại miền Nam nước ta xoài là một cây được trồng rất phổ biến. Tại miền Bắc, có chú ý trồng tại một số tỉnh. Riêng tỉnh Sơn La, sản lượng xoài mỗi vụ đã thu tới hàng trăm tấn quả, trọng lượng mỗi quả trung bình 135-230g. Ở Sơn La, xoài nổi tiếng nhất là xoài Yên Châu và Mộc Châu.

Cây xoài đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

Cây xoài đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

Ngoài quả ra, người ta còn dùng vỏ thân, nhựa thân, hạt và lá làm thuốc. Quả thu hoạch vào mùa hè, các bộ phận khác thu hái quanh năm.

Tại miền Bắc, ngoài cây xoài, còn có hai loài gần với xoài là cây quéo (Mangifera reba) và cây muỗm (Mangifera foetida).

Trong quả xoài tỉ lệ thịt quả chiếm 60-70%, thịt xoài chứa rất nhiều chất bột (quả xoài xanh chứa nhiều hơn quả xoài chín), chất đường, gôm, acid hữu cơ (acid citric), vitamin C, vitamin B...

Hạt xoài có vị đắng và chất chứa acid galic tự do.

Vỏ thân chứa mangiferin (hợp chất flavonoid), tannin.

Lá xoài chứa khoảng 1,6% mangiferin, một chất độc chưa xác định, bài tiết qua nước tiểu có thể làm cho nước tiểu màu vàng.

Quả xoài có nhiều tác dụng

Quả xoài có nhiều tác dụng

2. Công dụng của xoài

Quả xoài là một thứ quả ngon, có giá trị lớn so với nhiều quả khác. Không chỉ ăn tươi, người ta còn dùng chế mứt, đóng hộp (nước xoài và xoài ngâm nước đường hay được ưa chuộng nhất).

Tại một số nước như Ấn Độ, người ta thái quả xoài xanh thành miếng mỏng phơi hay sấy khô dùng làm nguồn vitamin C thiên nhiên.

Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khái huyết, chảy máu ruột dưới dạng cao lỏng với liều 10g cao lỏng cho vào 120ml nước rồi cứ cách một hay hai giờ cho uống một thìa cà phê.

Nhân xoài sấy khô tán bột được nhân dân Malaysia, Ấn Độ, Brazil dùng làm thuốc giun với liều 1,5 đến 2g.

Tại Malaysia nhân dân còn dùng chữa chảy máu tử cung, trĩ.

Tại Philippin người ta còn dùng chữa tiêu chảy: Nghiền 20 đến 25g nhân với 2 lít nước, nấu kỹ cho tới khi cạn còn hơn 1 lít nước thì lọc để bỏ bã, thêm vào nước lọc 300 -400g đường và tiếp tục đun cho tới khi còn 1 lít. Mỗi ngày dùng hai hay ba lần, mỗi lần dùng 50 đến 60g thuốc chế như trên.

Vỏ thân xoài dùng tươi hay khô. Tươi thì giã vắt lấy nước, được dùng như vỏ quả, vỏ khô dùng dưới dạng thuốc sắc.

Nhân dân Camphuchia dùng chữa thấp khớp (đắp nóng bên ngoài), hoặc rửa khí hư bạch đới của phụ nữ.

Tại miền Bắc, vỏ xoài được dùng sắc uống chữa sốt hay đau răng.

Nhựa vỏ cây xoài chảy ra có màu đen, không mùi, vị đắng hắc, ra không khí đặc lại, hòa vào nước chanh dùng bôi ghẻ.

Chữa đau răng: Vỏ xoài phơi khô 3 phần, quả me 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô tán nhỏ. Cho vào nơi răng đau đã rửa sạch.

3. Một số lưu ý khi ăn xoài

Không nên ăn quá nhiều xoài, đặc biệt đối với những người có vấn đề về tiêu hóa, người mắc bệnh tiêu chảy.
Không nên ăn xoài khi đói vì lượng vitamin C cao có thể gây kích thích dạ dày, làm tăng tiết dịch vị.
Người bị đái tháo đường cần hạn chế ăn xoài.
Người bị nóng trong, cơ địa mẫn cảm hay bị dị ứng, nổi mụn cần chú ý uống nhiều nước và tăng cường rau xanh khi ăn xoài.

Hải Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xoai-khong-chi-ngon-bo-duong-ma-con-la-vi-thuoc-tri-benh-16923011700220371.htm