Xoài vẫn được xuất khẩu nếu nằm ngoài mã vùng trồng vi phạm
Ngày 25-8, liên quan đến thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu trái xoài Việt Nam do hành vi gian lận xuất xứ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết: Không chỉ xoài Đồng Tháp mà xoài Việt Nam vẫn tiếp tục được xuất khẩu nếu như nằm ngoài những mã vùng trồng, mã nhà xưởng vi phạm trước đó.
Theo ông Thiện, hiện bà con nông dân đang bị nhầm lẫn việc xoài Đồng Tháp không được xuất khẩu. Trung Quốc chỉ đóng 2 mã vùng trồng và 1 mã nhà xưởng bị doanh nghiệp mạo danh. Ngoài 2 mã vùng trồng vi phạm thì 75 mã vùng trồng còn lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và 2 mã nhà xưởng vẫn được xuất khẩu bình thường cho các vụ mùa tiếp theo. Chính vì vậy, bà con không nên hoang mang, tiếp tục thực hiện quản lý chất lượng và sản xuất sạch để duy trì mã vùng còn lại.
Nhằm chấn chỉnh việc mạo danh mã vùng trồng, UBND tỉnh Đồng Tháp có công văn gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị điều tra cụ thể để không còn tình trạng mạo danh. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đề xuất nên áp dụng truy xuất nguồn gốc, nếu chưa kịp truy xuất nguồn gốc thì phải có sự liên thông giữa các bộ ngành để kiểm soát chất lượng, xác định doanh nghiệp có mua đúng hàng tại mã vùng đã khai báo trong hồ sơ hay không. Đặc biệt là kiểm soát mã vùng trong nội bộ; ngay cả khi Trung Quốc không đòi hỏi, nhưng phía mình chủ động kiểm soát trước khi thông quan.
Cũng theo ông Thiện, mã vùng trồng không nên cấp cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp khác tới mua sản phẩm tại vùng trồng đó thì không được mà phải xin mã vùng trồng của doanh nghiệp đang có. Doanh nghiệp đến mua bị chi phối bởi một doanh nghiệp khác cũng có thể mất đi cơ hội mua bán của người nông dân. Vì thế, mã vùng trồng nên cấp cho hợp tác xã, tổ chức nông dân đang có vùng trồng hoặc chính quyền quản lý nhà nước tại địa phương. Bởi khi đó, địa phương vừa quản lý, kiểm soát được và nhiều doanh nghiệp khác tới muốn mua thì vẫn có thể mua được mà không bị chi phối bởi một doanh nghiệp nào khác độc quyền trong quản lý mã vùng trồng.
Trước mắt, để chủ động quản lý mã số vùng trồng và nhà đóng gói tránh gây thiệt hại đến uy tín, nhãn hiệu vùng trồng trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp yêu cầu huyện, thị xã và ngành chuyên môn phải thực hiện theo dõi, ghi nhận sản lượng trái cây/mã số vùng trồng (tấn/tháng) và bán cho đơn vị thu mua xuất khẩu (nếu thương lái thu gom cho đơn vị xuất khẩu); sản lượng trái cây/nhà đóng gói (tấn/tháng) được thu mua xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính; đồng thời các đơn vị liên quan đưa số liệu này vào báo cáo định kỳ. Các cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nơi được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí quản lý theo yêu cầu, phối hợp với đoàn thẩm định, kiểm tra cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói trên địa bàn.
Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) thông tin về việc 220 lô, với khoảng 3.300 tấn xoài vi phạm về mã số, chiếm gần 0,5% tổng lượng xoài đã xuất khẩu sang quốc gia này trong năm 2019-2020, trong đó, một số doanh nghiệp mạo danh sản phẩm có mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc quyết định tạm dừng nhập khẩu xoài của Việt Nam để thực hiện rà soát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.