Xoay xở cũng vì lương thấp

Những ngày qua, dư luận quan tâm nhiều đến câu chuyện một số bác sĩ ở bệnh viện công tại TP HCM xuống phòng khám tư ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ để khám bệnh.

Nhiều ý kiến tranh luận qua lại, song đều thống nhất ở chỗ thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công còn thấp; họ đi làm thêm ở phòng khám tư là đáng thông cảm nhưng phải tuân thủ kỷ luật lao động ở bệnh viện công nơi họ làm việc và không "lạm" vào thời giờ làm việc đã được quy định, không làm sai chức trách được giao…

Điều cần nói qua vụ việc này là phải xem xét lại một cách thấu đáo chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, viên chức. Một ví dụ điển hình về ngành y: 18 tuổi vào đại học, 24 tuổi mới ra trường, sau hơn 2 năm thử việc rồi làm việc không ăn lương ở bệnh viện, hơn 27 tuổi mới vào biên chế chính thức, đến năm 55 tuổi, nữ bác sĩ đã phải nghỉ hưu trong khi sức khỏe còn tốt. Với thời gian công tác khi tính chế độ BHXH chưa đủ 30 năm, lương hưu nữ bác sĩ này lãnh chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng.

Tiền lương và BHXH luôn là vấn đề thiết thân với những người được gọi là viên chức nhà nước, như người làm trong ngành y tế và giáo dục. Nhân sự của hai ngành này thời gian qua thôi việc nhiều nhất, cũng bởi một phần lý do là lương thấp. Họ nghỉ việc để tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn, có thể đắp đổi sinh hoạt gia đình; hoặc họ chuyển từ các bệnh viện công ra bệnh viện tư, có thu nhập, đãi ngộ khá hơn.

Họ làm những nghề cao quý trong xã hội, luôn lấy phương châm phụng sự làm đầu, có được thành tựu với nghề đều đòi hỏi phải vượt qua nhiều gian khó, khẳng định chỗ đứng bằng nỗ lực, tài năng. Họ được xã hội kính trọng, người dân quý mến và họ xứng đáng được hưởng những đồng lương tương xứng với công sức lao động. Tiền lương trả cho họ không chỉ giúp họ đủ sức làm việc mà còn có thể nuôi sống được bản thân và gia đình thì họ mới toàn tâm toàn ý làm việc, cống hiến.

Nhìn rộng ra trong xã hội, chính sách BHXH có nhiều ưu điểm song cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Khoản lương hưu của nữ bác sĩ trên dù sao cũng là cao so với nhiều người hưởng lương hưu khác. Theo BHXH TPHCM, trong tháng 4-2022, có 214.624 người ở TPHCM được nhận lương hưu. Trong đó, có 32.358 người có mức lương hưu dưới 3 triệu đồng; 31.097 người có mức lương từ trên 3-4 triệu đồng; 44.935 người có mức lương từ trên 4-5 triệu đồng; có 34.794 người có mức lương từ trên 5-6 triệu đồng. Như vậy, số người phải chật vật xoay xở với lương hưu không phải là ít, khi giá cả sinh hoạt tại các thành phố lớn luôn tăng và đắt đỏ.

Sở dĩ tỉ lệ số người hưởng lương hưu thấp chiếm số đông là bởi đa số người sử dụng lao động đều đóng BHXH cho người lao động bằng tiền lương cơ bản cao hơn chút ít so với lương tối thiểu vùng, khi người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu thì tiền lương hưu thấp. Để khắc phục, phải khuyến nghị mức đóng cao hơn và giám sát tình trạng mức đóng sàn nhỉnh hơn lương tối thiểu. Với viên chức nhà nước, từ sau năm 2023 được kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng giúp cho họ được tiếp tục làm việc khi còn sức khỏe và hy vọng khoản lương hưu sau này khá hơn, không phải băn khoăn thắc thỏm tuổi cao mà lương hưu thấp.

HIỀN MINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/xoay-xo-cung-vi-luong-thap-20221007220845326.htm