Xoay xở tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Bà con ở xã Bình Ngọc thu hoạch hành, chủ yếu bán lẻ qua mạng. Ảnh: THỦY TIÊN

Gần 1 tháng qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nông dân xoay sở đủ cách để bán sản phẩm.

Bán lẻ, bán qua mạng

Khoảng 1 tháng qua, giá heo hơi liên tục giảm, hiện chỉ còn 60.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ vẫn rất khó khăn, chủ yếu phải bán lẻ từng con. Ông Phùng Hồng Em ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), chủ một trang trại nuôi heo lớn ở địa phương này cho hay: Trại đang có một lứa heo thịt đến kỳ xuất chuồng mà hơn nửa tháng nay bán chưa xong. Giá heo hơi hạ, còn 60.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không bắt. Giờ tôi phải bán lẻ, ai mua một, hai con cũng bán chứ heo đến lứa rồi, ăn thì nhiều mà tăng trọng lại chậm, càng nuôi càng lỗ.

Nhiều ngày qua, ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) cũng phải mổ heo bán thịt vì không có người mua. Theo ông Thọ, lứa này xuất chuồng gần 20 con nhưng không bán trụm được, vì vậy cách vài ngày, ông mổ 1 con bán lẻ cho mọi người xung quanh, rồi chở thịt về thị trấn cho đứa cháu gái bán qua mạng, giao hàng tận nơi. “Tuy có hơi vất vả nhưng nhờ vậy mà cũng tiêu thụ được và kiếm thêm tiền lời, chứ bán heo hơi giá 60.000 đồng/kg thì chưa đủ chi phí đầu tư”, ông Thọ cho biết thêm.

Hiện nay, những người trồng rau màu ở các vùng nông thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Tại vùng trồng rau ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), nhiều ngày qua, tình trạng tồn ứ rau kéo dài vì không có đầu ra, giá rau đang hạ thấp chỉ còn từ 2.000-6.000 đồng/kg tùy loại. Ông Nguyễn Văn Tuấn, một hộ trồng rau ở địa phương này cho biết: Hiện nay, thương lái rất ít mua hoặc mua với số lượng hạn chế. Lúc này bà con tìm đủ cách tiêu thụ, gia đình tôi ngày nào cũng canh ngoài bờ ruộng để bán lẻ. Ai mua bao nhiêu thì cắt bán bấy nhiêu, vất vả vô cùng, chỉ mong thu hồi được vốn đầu tư.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc Cao Xuân Trí cho hay: Vụ rau vừa rồi, toàn xã sản xuất được khoảng 38ha rau ăn lá các loại, vì vậy sản lượng rau thu hoạch rất lớn. Trong khi đó, ảnh hưởng dịch bệnh nên việc mua bán bị hạn chế, bà con phải tự tìm cách bán lẻ tại ruộng hoặc qua mạng. Địa phương cũng kết nối với các đơn vị làm công tác thiện nguyện, tài trợ cho các vùng cách ly để giúp bà con tiêu thụ phần nào nông sản trong mùa dịch.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong thời gian dịch, Hội Nông dân huyện Tuy An đã tổ chức giới thiệu, bán nông sản qua mạng xã hội. Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, người khởi xướng phong trào giải cứu nông sản trong đợt dịch này cho biết: Bình quân mỗi ngày đơn vị bán được khoảng 1,5 tấn rau củ quả các loại, giúp tiêu thụ được phần lớn nông sản của người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay lượng nông sản còn tồn rất nhiều.

Cụ thể, người dân xã An Thọ mỗi ngày thu hoạch 800kg đu đủ, An Ninh Đông còn khoảng 40 tấn dưa hấu cần tiêu thụ (trong khoảng 15 ngày nữa), An Lĩnh còn khoảng 30 tấn chuối. Hội đang tích cực kết nối với các tổ chức thiện nguyện thu mua nông sản để hỗ trợ cho các vùng cách ly.

Giảm quy mô sản xuất

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đi lại, mua bán bị siết chặt nên hầu hết nông dân đều giảm quy mô sản xuất trong vụ tới. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho hay: Sau khi xuất hết lứa heo này, tôi không mua giống nữa, cho nghỉ chuồng một thời gian, xem tình hình thế nào rồi tính tiếp.

Trong khi đó, các hộ trồng rau màu cắt giảm diện tích trồng để thích nghi với tình hình. Ông Trần Văn Toàn ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: Nếu nghỉ hẳn thì cũng không biết làm gì nên vụ này tôi chỉ trồng nửa sào, bỏ trống nửa sào; đồng thời trên diện tích này, tôi chia thành nhiều lứa với các loại rau mồng tơi, cải, ngò, é và xà lách. Với cách làm này, khi vào kỳ thu hoạch, sản lượng mỗi loại rau sẽ không nhiều, giảm việc tồn đọng sản phẩm.

“Đây cũng là lựa chọn của hầu hết các hộ trồng rau ở vùng này để thích nghi với những khó khăn của thị trường tiêu thụ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc Cao Xuân Trí nói.

Còn ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hòa Kiến 1, cho hay: Vừa qua, vì tiêu thụ chậm nên có khoảng 7ha khổ qua, cà tím, hành… bị già quá lứa, nông dân đành phải bỏ khô trên đồng. Hiện địa phương còn khoảng 20ha hành chưa được thu hoạch. Để trồng được 1ha hành lá, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng gồm tiền giống và phân thuốc, nhưng giờ đầu ra không có nên nhiều người đã bỏ ruộng hoặc giảm mạnh diện tích xuống giống vụ mới.

Theo Sở NN-PTNT, để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm khi vào kỳ thu hoạch, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con xem xét chia nhỏ vụ sản xuất, rải ra thành nhiều lứa và đa dạng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, bà con cần chú ý đến việc chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, vệ sinh chăn nuôi… để hạn chế những rủi ro khác.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/261271/xoay-xo-tieu-thu-nong-san-trong-mua-dich.html