Xòe Thái - sức sống mãnh liệt

Cho đến nay, 'Quắm tố mường' (Chuyện kể bản mường) và 'Táy Pú sấc' (Bước đường chinh chiến của cha ông) được coi là hai cuốn sử thành văn chép tay có lẽ vào loại xưa nhất của người Thái hiện còn được lưu giữ, viết bằng chữ Thái cổ, được coi là hai cuốn biên niên sử của người Thái đen, trong đó ghi lại cuộc thiên di vĩ đại mở đất lập mường của các thế hệ người Thái đầu tiên tràn từ phía Bắc xuống đất Mường Lò, rồi từ đó tỏa tới nhiều vùng thuộc Tây Bắc, Bắc miền Trung Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.

Múa xòe trên đồng lúa mừng một mùa bội thu

Múa xòe trên đồng lúa mừng một mùa bội thu

Cộng đồng người Thái sống tập trung thành bản mường ở các thung lũng lòng chảo, không cách xa nhau, sở trường trồng lúa nước, trồng bông, dệt vải thổ cẩm. Một phần nhờ có truyền thống văn minh lúa nước của người Thái mà có được những cánh đồng nổi tiếng như Mường Lò (Yên Bái), Tú Lệ hay Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La), Mường Thanh, Mường Lay (Điện Biên)... trước đây.

Nói đến sinh hoạt văn hóa của người Thái ở các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc nói chung là nói đến hội hè, các trò chơi và vũ nhạc dân gian, trong đó nổi bật các điệu Xe/Xòe - một đặc sản văn hóa vốn khởi nguồn chỉ có riêng ở người Thái. Với người Thái, hội hè trong năm diễn ra rất đa dạng và đậm chất văn hóa Thái. Lễ hội dân gian là một phần thiết yếu trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Thái. Theo chu kỳ một năm, đồng bào Thái có nhiều lễ hội lớn mang tính chất cộng đồng làng bản như: lễ xên bản, xên mường, xên đông, lễ hội cầu mưa, lễ hội xuống đồng, lễ hội xên lẩu nó, lễ hội xé then... cho tới các lễ hội trong phạm vi gia đình như các nghi thức cúng vía “tám khuôn”, các lễ cúng ruộng “tám tế na”, cúng vía trâu “tám khuôn quai” hay các nghi thức khác liên quan tới thờ cúng tổ tiên và các nghi thức gia đình mà trong đó tết “Síp xí” - Rằm tháng 7 là một trong những tết lớn nhất của người Thái.

Nghệ thuật xòe Thái

Nghệ thuật xòe Thái

Theo lịch truyền thống riêng của người Thái, mỗi năm được chia thành 3 quý, từ tháng 1 đến tháng 4 là Lãnh quý (quý lạnh), từ tháng 5 đến tháng 8 là Nhiệt quý (quý nóng) và từ tháng 9 tới tháng 12 là Vũ quý (quý mưa). Lễ hội té nước (Tết Bát thủy) được coi là ngày Tết truyền thống khởi đầu năm mới, diễn ra từ ngày 6 tháng 6 đến ngày 6 tháng 7 lịch Thái hằng năm, tương ứng với tháng 4 dương lịch, sau được dịch chuyển tương đương với Rằm tháng 7 âm lịch.

Người Thái nắm tay nhau, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ nhảy múa quanh đống lửa

Người Thái nắm tay nhau, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ nhảy múa quanh đống lửa

Trong ngày Tết cổ truyền, dân chúng các làng bản Thái tập trung tại những địa điểm định sẵn giữa khoảng không gian thoáng rộng thuộc địa bàn dân cư hoặc nhà văn hóa thôn bản, cùng chúc phúc nhau năm mới bình yên, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và tham gia các sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng, trong đó không thể thiếu hình thức Xòe chung cho mọi thành phần, lứa tuổi.

Tung khăn - Điệu xòe mừng đám cưới, nhà mới, vụ mùa bội thu của đồng bào Thái, Tây Bắc

Tung khăn - Điệu xòe mừng đám cưới, nhà mới, vụ mùa bội thu của đồng bào Thái, Tây Bắc

Những năm gần đây, bên cạnh sinh hoạt Xòe đón Tết truyền thống của dân tộc mình, người Thái ở khắp vùng Tây Bắc đã và đang hòa nhập cuộc vui chung đón giao thừa Tết Nguyên đán như người Việt và các dân tộc khác trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Trong không khí náo nức mừng đón năm mới từ hai chặng “giao thừa” thiêng liêng đó, các điệu Xòe Thái luôn đóng vai trò hạt nhân, góp phần tạo nên không gian văn hóa tưng bừng khởi sắc của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, cầu mong trời đất thuận hòa, con người sinh sôi nảy nở và làm ăn phát đạt!

Và như vậy, hàng loạt hội hè kéo dài từ đầu năm đến hết năm, từ hội đón xuân, hội săn bắn, hội đánh cá... đến các hội xên mường, xên bản, xên hươn, lễ “kin pang”, hội hoa ban... Một điểm chung dễ nhận thấy là ở bất kỳ hội hè nào, dù được tổ chức thực hành ở các cấp độ, mức độ và phạm vi khác nhau, cũng không thể thiếu được những cuộc vui Xe/Xòe với hàng chục điệu múa đặc sắc, hấp dẫn.

Nhìn về cội nguồn, Xe/Xòe trước hết bắt nguồn và gắn kết với sinh hoạt tín ngưỡng. Xòe là nơi góp phần thể hiện quan niệm của người Thái về vũ trụ và về nhân sinh, thông qua các hoạt động nghi lễ của các thầy cúng và người tham gia thực hành chính là các con bệnh hoặc những người có niềm tin vào thần linh. Các điệu Xe/Xòe nghi lễ cúng Then là biểu hiện tập trung nhất của các hình thức múa (Lễ hội Kin Pang Then), với các dạng Xe/Xòe dâng lễ, múa cầu vong, múa chào mời các hồn vía trở về, múa dâng lễ cảm ơn các thiên binh đã cứu mệnh cho người ốm. Đi kèm theo các điệu Xe/Xòe là những lời hát chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh và ẩn chứa quan niệm về vũ trụ, con người của cư dân Thái.

Xòe (hay Xe - gọi theo tiếng Thái cổ) trong ngôn ngữ Thái có nghĩa là nhảy múa, hình thành từ múa tín ngưỡng trong nghi lễ, cách điệu những động tác trong cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất... Xòe có ba loại chính là Xòe tín ngưỡng, Xòe giải trí và Xòe biểu diễn. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đời sống cộng đồng, các trí thức của các mường đã góp phần sáng tạo thêm các điệu Xòe biểu hiện nội tâm phong phú của con người, một số điệu Xe/Xòe kết hợp với đạo cụ, từ đó được mang tên đạo cụ như Xe cúp (múa nón), Xe vi (múa quạt), Xe khăn (múa khăn), Xe mắc hính (múa quả nhạc), Xe pooc (múa bằng những bông hoa), Xe mạy (múa gậy), Xe tính tẩu (múa đàn tính)... Đi theo những điệu múa của từng loại đạo cụ này còn là đội ngũ phục vụ nhạc đệm với những khèn bè, đàn tính, quả nhạc, trống to - nhỏ, ống tăng bẳng (ống gõ chế tác như mõ)... Nổi bật trong số các dạng thức Xe/Xòe là xe khăn/múa khăn, một hình thức thực hành văn nghệ thể hiện rõ nét nhất sự đan quyện của các yếu tố thực hành tín ngưỡng với hiệu quả nghệ thuật và mang tính biểu tượng văn hóa độc đáo của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc. Tính liên kết cộng đồng thể hiện rõ nét nhất và đông đảo nhất là hình thức Xòe vòng - thường được phổ cập trong các sự kiện văn hóa quan trọng của cộng đồng và gia đình, với sự tham gia của đông đảo mọi người. Các điệu Xe/Xòe có các động tác cơ bản là: Vung tay, mở tay, cầm tay, bước chân, nhấc chân, nhún chân, nghiêng phải, nghiêng trái. Với Xòe ở Mường So (Phong Thổ - Lai Châu), động tác múa được thể hiện bằng cách riêng, nhún năm đầu ngón chân, tay vung cao, các bước chuyển lướt nhanh hơn, tạo ra sự thăng hoa cho người thực hiện.

Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò

Màn xòe Thái tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò

Với sinh hoạt Xòe gắn liền thực hành tín ngưỡng thông qua các hình thức thực hành nghi lễ khác nhau, tiết tấu giai điệu của âm nhạc cùng sự nhanh, chậm của động tác múa luôn được điều chỉnh theo sự mô phỏng hành trình Then lên trời, tìm hồn về nhập xác. Chính vì thế, những hình thức múa Then kèm các đạo cụ như khăn, quạt, quả lắc, gậy... là cách thức mô phỏng các hình thức được thực hiện trong hành trình của Then lên trời (động tác kéo khăn tượng trưng cho chèo thuyền vượt sông Ngân Hà, có khi chiếc khăn được tái hiện động tác của cái cuốc, con dao dùng phát mở đường cho đoàn Then đi, có khi lại được xoáy tròn trên đầu tượng trưng cho gió, cho mây; quả lắc - ma hính tượng trưng cho tiếng nhạc ngựa đưa Then đi; múa tính tẩu tượng trưng cho hai con gà chọi nhau...). Với nhạc đệm, âm điệu phổ biến mang tính đặc trưng được thể hiện ở quãng hai trưởng, quãng ba, quãng bốn trưởng và thứ, quãng năm đúng. Nhịp điệu thường nhấn mạnh ở khuôn nhạc 2/4, 4/4, phù hợp với động tác bước tiến, bước lùi, tay vung lên xuống đều đặn.

Những động tác múa nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc cùng nét tạo dáng của người múa trong trang phục truyền thống tạo cho Xòe trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở Tây Bắc. Với các thế hệ người Thái, sinh hoạt Xòe được coi như một thứ “khí thở và nước uống” bằng văn hóa tinh thần, dường như thiếu nó thì không thể tồn tại được!

Những năm gần đây, thế hệ trẻ người Thái đã mang lại cho sinh hoạt Xòe những sắc thái mới qua nhiều hình thức và điệu bộ. Tiết tấu Xòe cũng phản ánh nhịp điệu tình cảm mới của người Thái đương thời. Từ em bé tung tăng nhảy Xòe đến người cao tuổi, các cô gái chàng trai trao đổi tâm tình không bằng lời nói mà bằng ánh mắt, nụ cười, nắm tay siết chặt vào nhau, để lại hơi ấm bàn tay trong lòng du khách, nồng nàn, khó quên. Sự chuyển động đội hình cũng thể hiện phần nào tình cảm ấy.

Động tác Xòe và các điệu Xòe hiện nay có những đường nét mới do những biến hóa của những động tác chủ đạo vốn có trong Xòe truyền thống. Sự phát triển của các điệu Xòe ngày nay dựa trên cơ sở, nền tảng, chất liệu của Xe/Xòe truyền thống là một quá trình vận động liên tục, được duy trì và phát triển thành những điệu khác. Một số động tác được cải biên, đạo cụ được sử dụng, ngoài khăn còn quạt trong Xòe quạt, nón trong Xòe nón, là hoa trong điệu Xòe hoa... Mỗi bản hình thành các đội Xòe biểu diễn, được các nghệ nhân trong bản, mường hướng dẫn tập luyện, để đi biểu diễn giao lưu với các địa phương khác. Có nơi thành lập được đội Xòe lên tới hàng nghìn người, tập hợp từ đội Xòe ở các thôn, bản, để đi biểu diễn phục vụ những dịp lễ tết và những ngày hội văn hóa lớn.

Sinh hoạt múa Xòe ở tất cả các thôn bản người Thái không phân biệt lứa tuổi, giới tính, thành phần nghề nghiệp, chính trị, địa vị xã hội, thành phần dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Bên cạnh những điệu Xòe dành cho những “con hoa” của thầy cúng, hay những điệu Xòe khó dành cho các nghệ nhân có kinh nghiệm, Xòe vòng là Xòe thập thể, dành cho tất cả mọi người. Bằng cách thu hút mọi người cùng tham gia, Xòe thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên của cộng đồng người Thái cũng như bất kể ai ngoài cộng đồng. Chính vì thế, nghệ thuật Xòe Thái đã trở thành phương tiện giao tiếp để kết nối các cộng đồng xích lại gần nhau và trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Và kỳ diệu thay, nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt.

Nghệ thuật Xòe Thái có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả, giúp con người được vui vẻ, thư giãn, phục hồi sức khỏe để sau đó tiếp tục tham gia lao động, sản xuất hiệu quả hơn. Xe/Xòe Thái như là một nguồn lực văn hóa, kết nối các thành viên cộng đồng để tạo thành sức mạnh tập thể. Điều này minh chứng cho sự kết nối giữa di sản văn hóa phi vật thể và sự phát triển bền vững. Chính vì thế, trải qua hàng trăm năm sáng tạo, thực hành và được truyền lưu cho hậu thế, nghệ thuật Xe/Xòe Thái đã và đang trở thành một thứ tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế. Nghệ thuật Xòe Thái đã góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian, đóng góp cho quá trình sáng tạo, đa dạng hóa nguồn vốn di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Cổ nhân đã từng nói, đi đến tận cùng giang sơn của Tổ quốc là gặp được thế giới. Đi đến tận cùng mọi ngõ ngách của tâm tư, tình cảm và khát vọng cộng đồng dân tộc, qua đó ứng xử hài hòa, bền vững với tự nhiên, xã hội và con người để cùng hội nhập, phát triển là sẽ gặp nhân loại. Nghệ thuật Xòe của cộng đồng dân tộc Thái với sự hiện diện và sức sống mãnh liệt trong đời sống Thái đương đại, đã và đang là thứ tài nguyên văn hóa vô giá của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, xứng đáng được vinh danh vào hàng tinh hoa của di sản văn hóa nhân loại.

GS.TS Bùi Quang Thanh

Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xoe-thai-suc-song-manh-liet-561351.html