Xóm bãi năm xa ấy
Không còn địa danh bến đò Hoành, mỗi tinh mơ nườm nượp những người í ới… đò ơi, ơi đò. Cũng chẳng còn con đò độc mộc năm nao của ông già chài lưới râu chớm ngực... Thay vào đó là những ký ức tuổi thơ tôi ùa về qua những sải chân trên cây cầu cứng khang trang - cầu Yên Hoành bắc qua sông Mã nối 2 huyện Yên Định và Vĩnh Lộc.
(Ảnh minh họa)
Thấm thoát cũng 20 năm để gợi nhớ về cái thời cởi truồng tắm sông, mò khoai, mót lạc… cùng lũ bạn. Quê tôi, mọi người vẫn gọi là xóm cồn hay xóm bãi, vùng đất ngoại đê nhô ra của con sông Mã. Qua khu dân cư dọc dài với những rặng xoan nối tiếp là bãi cồn hoa màu tít tắp, kéo đến chạm mép sông. Đất tốt do phù sa bồi đắp sau mỗi mùa mưa lũ, nên chủ yếu bà con canh tác cây lạc, cây vừng, cây ngô hay cây dâu tằm… Vụ nào cũng xanh mướt, cây cối được mùa. Chỉ duy mùa lũ, nhà nào không kịp hoạch thu thì mất trắng, thậm chí việc di dân tránh lũ không kịp thời thì thóc lúa trong nhà cũng bị vùi trong bùn đất.
Quê tôi là vậy, thơ mộng thân thương nhưng cũng kiên cường đi qua những mùa bão lũ.
Từ trên cây cầu cứng, xa xa kia chính là xóm bãi ấu thơ nơi tôi sinh ra với bao kỷ niệm. Những mảng khói lam chiều hãy còn vương vẫn, lẩn khuất dưới những tán xoan tháng ba bung hoa tím biếc. Bờ bãi vẫn là những nương dâu, triền ngô xanh mướt trải dài... Nhớ hồi đó, tôi với mấy thằng bạn nối khố chơi với nhau, ngày nào cũng vậy, sau mỗi buổi học là hò nhau ra khu bãi nô nghịch. Mùa lạnh thị mót khoai, nướng ngô… Mùa hè thì tắm sông, thả diều, đào dế…
Thích hơn cả là mùa hè, chỉ bởi mùa hè không lạnh. Nhà tôi khi đó nghèo lắm! Nếu là mùa đông, mỗi bận tới lớp là mẹ bắt phải mặc một tá đồ áo cũ bên trong để dành chiếc áo lành bên ngoài, bức bối đến khó chịu. Trong khi mùa hè, mới tuyệt diệu làm sao, sau những giờ tan lớp hoặc sau những trận bóng bưởi, cả đám kéo nhau nhào xuống dầm mình vào dòng nước mát lạnh của con sông quê hương. Trong khi mấy đứa con gái thì túm tụm một góc thả diều, và đảm nhiệm việc trông đàn trâu sao cho ăn đúng vị trí.
Tắm xong, lũ chúng tôi cởi bỏ quần áo vắt cho bớt nước rồi lại mặc vào đi đào dế. Những con dế béo mầm nướng lên thơm phức. Chẳng cần muối mắm hay một thứ gia vị gì, thằng nào thằng nấy giơ con dế lên cao rồi thả rơi tọp vào miệng nhai, chẹp chẹp sung sướng.
Song, nói mùa đông không có cái thú gì vui thì cũng thật bất công. Mùa đông với lũ nhóc tinh nghịch xóm bãi chúng tôi là những “bếp Hoàng Cầm” vùi khoai, nướng ngô ngay ngoài bờ bãi. Khi ấy, cả nhóm túm tụm, huơ huơ đôi tay sưởi ấm, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem bởi ngô, khoai nướng ăn vội vì sợ mất phần.
Dưới bãi dâu tít tắp kia vẫn con đường nhỏ nối liền xóm bãi với chợ Bồng ngoằn ngoèo thơ mộng. Chợ Bồng là chợ duy nhất của 5 xã miền xuôi huyện Vĩnh Lộc. Cuối tuần nào cũng vậy, tôi lại được mẹ cho theo ra chợ. Mẹ bán cá biển khô, thứ hàng mà bố phải cất công đạp xe xuống tận miền biển Hậu Lộc, Tĩnh Gia nhập về.
Con đường ngang qua bến đò Hoành xóm bãi có lẽ là nơi đông đúc, nhộn nhịp nhất mỗi sáng. Tiếng người, tiếng gà, vịt, hàng hóa cứ nhao nhao chen chân xuống đò, qua chợ. Đặc biệt, chợ Bồng vào những ngày giáp tết, cả một mom sông ken đặc là người. Bóng bay, quần áo, hoa đào, hoa mai… được bày la liệt. Mấy anh chị của tôi học ở phố về nhấp nhổm chờ trời sáng hò hẹn đi chơi chợ tết.
Hoạt động từ mờ sáng nhưng chợ chỉ tan, vắng bóng người khi mặt trời đứng bóng. Mẹ con tôi, đồ đoàn thu dọn trở về, bóng mẹ lại trải dài trên nền bãi cát vàng óng ánh gầy hom, khắc khổ.
Giờ đây, trước mắt tôi, những địa danh như Bến đò Hoành, chợ Bồng không còn nữa. Thay vào đó, mỗi xã đã có khu chợ riêng, thuận tiện tiện cho việc buôn bán. Đôi bờ sông Mã cũng được kết nối bằng cây cầu Yên Hoàng khang trang là nơi tôi đang đứng.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/xom-bai-nam-xa-ay/23048.htm