'Xóm chạy thận' xứ Thanh

Những bệnh nhân suy thận ở giai đoạn cuối mà tôi đã gặp ở 'xóm chạy thận' đều có chung một tâm trạng, khắc khoải. Họ đang cố gắng chống chọi với những hy vọng sau cuối.

Cư dân của “xóm chạy thận” lúc chiều tối.

Cư dân của “xóm chạy thận” lúc chiều tối.

Tận cùng nỗi đau

Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2 ở “xóm chạy thận” nằm sát Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Phạm Thị Hương (quê ở xã Vân Am, huyện Ngọc Lặc) nằm dán mình trên chiếc giường cũ kỹ, xung quanh là bừa bộn chăn màn, quần áo. Mùi ẩm mốc, mồ hôi quện với mùi thức ăn tạo nên một thứ không khí đặc sánh. Chốc chốc, từ thân hình gầy gò của Hương lại bật lên tiếng rên se sẽ. Bên cạnh, mẹ Hương - bà Phạm Thị Thắng đưa đôi bàn tay vuốt lại mái tóc cụt ngủn của con gái vỗ về, yêu thương.

Hơn 30 tuổi nhưng Hương đã gắn số phận của mình với xóm chạy thận này đến gần 10 năm và cô đang mệt mỏi đi nốt những tháng ngày còn lại của đời mình vì căn bệnh quái ác. Nhà có 4 anh em thì có 3 người bị suy thận. Người anh đầu đã mất cách đây 2 năm, sau những tháng ngày vật vã chống chọi với bệnh tật. Người anh thứ 2 khá hơn, anh còn đủ sức đạp xe, mỗi tuần 3 bận đến viện để lọc máu. Còn Hương giờ đây đã không thể tự đi lại trên đôi chân của mình nữa vì cả 2 hai bên xương đùi của cô đã bị gãy sau cú trượt chân ở bậc thềm của phòng trọ hôm mùng 2 Tết vừa qua.

Bà Thắng năm nay cũng đã yếu. Lúc Hương chưa bị gãy cả 2 chân, cô còn tự đi bộ đến bệnh viện nhưng bây giờ hễ cứ đến cữ, bà lại phải bế con đặt vào chiếc xe lăn mượn được ở xóm trọ rồi đẩy đi. Sức yếu, bà xin các y bác sĩ chỉ chạy cho con 1 tuần 2 lần, cũng vì thế mà bệnh của Hương ngày càng xấu hơn… “Bà già rồi, chỉ sợ lỡ đột ngột nằm xuống thì biết lấy ai lo cho chúng nó. Ông ấy ở quê thì một thân một mình bươn bả với 4 sào đất đồi, bầy gà, gom góp dành dụm cho con có thêm đồng thuốc men ăn uống”- giọng bà Thắng như hụt đi. Hương lặng lẽ trở mình, vùi mặt vào chiếc gối đã ngả màu cố giấu những giọt nước mắt.

“Một mình ông ở nhà xoay sở thì làm sao có đủ tiền gửi lên cho bà chăm con”- tôi hỏi bà. “Cũng may mẹ con chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng để lo thuốc men, tiền phòng trọ. Rồi các đoàn thiện nguyện đến thăm. Người cho ít tiền, người cho gạo, dầu mắm..., khéo co rồi cũng ấm”- bà Thắng vừa trả lời tôi, vừa đưa tay quệt những giọt nước đang ứ ra từ khóe mắt già nua. Có lẽ, trên thế gian này, chẳng còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người mẹ khi phải bất lực ngồi đếm ngược thời gian, nhìn sự sống của những đứa con dứt ruột của mình lụi tắt dần.

Bóng chiều buông nhanh, thảm mây màu chì bắt đầu tràn từ đỉnh núi xuống phủ lên phố Cống. Vài người bệnh - hàng xóm của mẹ con bà Thắng - liêu xiêu trở về “xóm chạy thận” sau hơn 2 tiếng nằm lọc máu ở phòng bệnh. Mỗi người một góc, họ ngồi nhìn ra đám sân phủ đầy lá khô.

Bà Phạm Thị Thắng bên giường bệnh của con gái.

Bà Phạm Thị Thắng bên giường bệnh của con gái.

Họ đến rồi đi lặng lẽ

Hơn 10 năm xây phòng trọ kinh doanh, bà Trịnh Thị Nhung - trú tại tổ 6, phố Lê Duẩn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) không thể nhớ hết mặt số bệnh nhân đã đến trọ rồi đi. Duy có một điều bà nhớ được là tất thảy họ đều bị suy thận ở giai đoạn cuối và cùng... rất nghèo. “Hình như nhà mình có “duyên” với người chạy thận”- bà Nhung nói giọng buồn buồn.

Đẩy về phía tôi ly nước rót ra từ chiếc ấm tích lớn, bà Nhung chậm rãi kể: Hầu hết các bệnh nhân đến thuê trọ là người từ các huyện miền núi như: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Người ở lâu nhất có đến 7 - 8 năm, ít cũng 1 - 2 năm. Tất cả họ đều đến rồi ra đi lặng lẽ. Tức là chỉ rời bỏ “xóm chạy thận” của gia đình bà khi mọi nỗ lực của y học và bản thân không còn có thể níu kéo được sự sống. Vài người xin bệnh viện về thăm nhà rồi không thấy trở lại. Vài ngày sau, khi người nhà lên thu dọn đồ đạc, trả phòng mới báo với bà tin dữ. Cũng có vài trường hợp lặng lẽ lìa đời ngay tại phòng trọ khi không có người thân bên cạnh. Chỉ khi bà xuống kiểm tra mới biết và báo tin cho gia đình đến đưa về quê lo hậu sự. Hay mới đây như trường hợp của bệnh nhân Hà Văn Luân, quê xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy. Luân là bệnh nhân suy thận độ 5. Vì gia đình khó khăn, neo người, Luân đến đây ở trọ để tiện cho việc điều trị. Vì còn chút sức khỏe, ngày ngày anh ra chạy xe ôm, làm bưng bê, rửa bát ở các quán ăn trong khu vực quanh bệnh viện để có thêm tiền trang trải thuốc men. Đến một buổi chiều cuối năm 2022, sau một ngày đi làm thuê, Luân vừa chạy xe về phòng, thay quần áo, pha bát mì tôm để ăn tối nhưng chưa kịp ăn, anh đã mất trong tư thế ngồi dựa tường.

“Buồn và thương nhiều lắm cháu ạ. Mỗi người một số phận, vẫn biết kết cục của những bệnh nhân chạy thận là khó có thể khác, nhưng trước mỗi sự ra đi, mình cũng không tránh được day dứt!”- giọng bà Nhung như lẫn vào với gió chiều và đôi mắt đẫm nước mắt.

Qua câu chuyện của bà Nhung, tôi còn được biết: Tất cả mọi người ở xóm trọ đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nên các chi phí sinh hoạt họ đều phải dè sẻn. Mỗi tháng ngoài các khoản chi phí do bảo hiểm y tế chi trả, tiền sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà ở và mua thêm thuốc điều trị, tiền xe cộ đi lại… cũng tiêu tốn từ 2 - 3 triệu đồng. Việc có tiền để trang trải sinh hoạt, duy trì việc chạy thận mỗi tuần đã là khó khăn nên mọi người cũng không dám nghĩ đến việc ghép thận. Ngoài thời gian đến viện điều trị, những bệnh nhân nghèo ở “xóm chạy thận” lại tranh thủ vót thêm đũa để bán hoặc tìm công việc làm thêm, nhưng hầu hết do bệnh tật sức yếu nên họ không làm được lâu. “Hàng tháng, vẫn có các nhà hảo tâm, mạnh thường quân thường xuyên ghé thăm hỗ trợ cho họ gạo ăn và các nhu yếu phẩm. Vì thế nên những khó khăn với các bệnh nhân suy thận ở đây cũng vơi đi phần nào”- bà Nhung chia sẻ thêm với tôi.

Còn ước mong của bà Thắng là những đứa con của bà có thể lành bệnh và về nhà, quây quần như xưa… "Nhưng giờ thì chỉ mong có đủ tiền, mua được một chiếc xe lăn để mỗi ngày tiện hơn cho việc đưa em nó đi điều trị. Chứ cứ mượn mãi của viện cũng ngại cháu ạ”- bà Thắng ái ngại nói với tôi khi ánh đèn đường đã chiếu xuống con ngõ dẫn vào “xóm chạy thận”.

Hiện nay Khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc có hơn 100 bệnh nhân đang chạy thận theo chu kỳ. Họ đều là bệnh nhân điều trị ngoại trú, chỉ khi nào bệnh nhân có diễn biến nặng, bệnh viện sẽ làm thủ tục nhập viện điều trị nội trú. Ghép tạng là ước mong lớn nhất của những bệnh nhân đang bị suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, việc cứu sống bệnh nhân bằng phương pháp ghép tạng mới chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, bởi nguồn tạng hiện rất khan hiếm.

NGUYỄN CHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xom-chay-than-xu-thanh-5712022.html