Xóm làm tượng Phật 100 tuổi
Sâu trong con hẻm ở chùa Giác Hải (quận 6, TP HCM) có một xóm chuyên làm tượng Phật, là xóm nghề truyền thống 100 tuổi hiếm hoi ở giữa lòng thành phố.
Dù nằm trong một hẻm nhỏ ngoằn ngoèo nhưng xóm chuyên làm tượng Phật đã quá nổi tiếng, rất nhiều người biết đến. Xóm chuyên làm tượng Phật còn được mọi người gọi với một tên khác là xóm tượng chùa Giác Hải, gắn liền với tên một ngôi chùa trong hẻm - nơi chuyên làm ra những bức tượng Phật Tổ, Phật Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Di Lặc… với đủ loại kích thước lớn nhỏ, khác nhau.
Giữ gìn nghề truyền thống
Dọc trong con hẻm là rất nhiều các bức tượng Phật lớn nhỏ được các cơ sở trưng bày, xung quanh đó, các nghệ nhân chăm chú, tỉ mỉ từng chút thực hiện công việc của mình.
Theo chú Mai Văn Tám, tên thường gọi chú Tám, con trai của nghệ nhân Mai Văn Lai, thì nghề làm tượng được cha ông truyền lại đến nay đã gần 100 năm. Trước đây, chỉ có hai cơ sở đúc tượng được người trong và ngoài nước biết đến là cơ sở gia đình của hai họ Lê (Lê Văn Chánh) và Mai (Mai Văn Lai). Khi ông Chánh và ông Lai mất, những người con trong gia đình tiếp tục làm nghề cho đến tận ngày hôm nay.
Ông Tám kể, hiện nay trong xóm có khoảng 10 xưởng làm tượng với hơn 100 lao động, đa số là nam giới. Nghệ nhân chính và có thâm niên mấy chục năm đều là người trong gia đình, thợ bên ngoài chỉ có số ít, làm những việc phụ. Sở dĩ người ngoài không thể gắn bó lâu được với nghề là vì họ không có đam mê, nên vào làm được một thời gian ngắn thì đều bỏ. Theo ông Tám, nghề này ngoài việc giỏi, có năng khiếu mỹ thuật thì điều quyết định thành công là phải thật đam mê, kiên nhẫn thì mới có thể làm được.
Gia đình nhà ông Tám có 11 anh chị em, ai cũng đều theo nghề làm tượng và mỗi người làm một công đoạn riêng. Trong một tháng, gia đình ông Tám làm trung bình 10-15 tượng, tùy theo kích thước lớn nhỏ, độ khó, mỗi tượng khác nhau sẽ có giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Đa số tượng được làm cho chùa hoặc một số cá nhân đặt hàng rồi gửi đi khắp cả nước.
Thị trường tượng Phật hiện nay khá đa dạng với công nghệ và chất liệu khác nhau, tính cạnh tranh và biến động cũng lớn. Tượng làm bằng gỗ hoặc bằng đá được chạm khắc bằng máy móc hiện đại. Riêng xóm hiện nay vẫn làm tượng theo cách truyền thống, bằng chất liệu thạch cao và xi măng.
“Nghề ai người ấy làm, gia đình tôi vẫn sống tốt với nghề, vẫn đủ ăn đủ mặc, đủ nuôi con cái ăn học đàng hoàng nên tôi cũng không bận tâm với bên ngoài nhiều. Hơn nữa, đây là nghề truyền thống lâu đời của gia đình được cha ông truyền lại nên chúng tôi phải có trách nhiệm lưu giữ”, ông Tám tâm sự.
Nối tiếp nghề làm tượng của gia đình, ông Tám khoe, hiện con trai và các cháu ông ban ngày đi học, chiều về đều dành thời gian say mê tập làm tượng, học hỏi cha chú các công đoạn, quản lý nhà xưởng. Qua đó cho thấy, nghề làm tượng đã ăn sâu vào trong máu thịt của mỗi thành viên trong gia đình và cứ thế được kế thừa từ đời này sang đời khác.
Làm tượng bằng cả tâm hồn
Để làm ra một bức tượng Phật có hồn, có cốt cách không phải là chuyện đơn giản. Ông Tám chia sẻ, để hoàn thành một bức tượng, ngoài việc mất thời gian, các thao tác phải chăm chút, tỉ mỉ, người làm tượng phải đặt cả tâm hồn mình vào đó. Thường một bức tượng sẽ trải qua nhiều công đoạn như: Lên cốt, đắp bột, làm lán, chà nhám, phun sơn hoặc vẽ màu, sau cùng là vẽ mắt.
Trong các công đoạn, khâu quan trọng nhất chính là lên cốt và vẽ mắt, bởi khi lên cốt đẹp theo đúng thiết kế, kích thước, kiểu dáng mới có thể làm được các việc kế tiếp. Nghệ nhân Trọng, người có thâm niên gần 40 năm trong nghề làm tượng cho biết: “Nghề này khó lắm, phải có kinh nghiệm, đam mê và tỉ mỉ từng chút mới có thể hoàn thành được bức tượng đẹp. Đặc biệt, tâm hồn người làm tượng lúc nào cũng phải tịnh, khi làm phải thả cả hồn vào bức tượng mới ra được cốt, được hồn”.
Khi hỏi về cơ duyên đến với nghề làm tượng Phật của nghệ nhân Trọng, chúng tôi khá bất ngờ vì trong xóm làm tượng này, ông không phải là người xuất thân trong gia đình làm tượng nhưng lại gắn bó và có thâm niên lâu năm. “Hồi còn nhỏ tôi thấy các chú, các bác vẽ nên thấy khoái quá cũng xin học làm theo. Chẳng biết từ bao giờ, cái nghề nó thành đam mê rồi thành nghiệp theo tôi mấy chục năm đến tận bây giờ”, ông Trọng nói.
Công đoạn khó nhất của bức tượng chính là vẽ mắt, bởi một bức tượng có hồn hay không chính là từ đôi tay, kinh nghiệm của người nghệ nhân thổi hồn vào đôi mắt tượng. Trong gia đình ông Tám thì bà Hoàng - em gái ông - là người phụ trách khâu khó khăn nhất này.
Chăm chút, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, bà Hoàng chia sẻ, khi vẽ mắt tượng thì người nghệ nhân phải đặt hết tâm hồn mình vào nét cọ, đặt tâm theo từng bức tượng mới có thể vẽ được. Theo bà Hoàng, một ngày bà thường vẽ trang trí và vẽ mắt nhiều nhất chỉ được 3-4 bức tượng, vì vẽ mắt không giống như lao động tay chân, phải có cảm xúc, có tâm hồn mới vẽ ra thần thái của bức tượng.
Chỉ tay về phía xa là cậu học trò tên Quý đang cẩn thận sơn một bức tượng lớn, bà Hoàng nói, ngoài vẽ tay, nhiều khách hàng cũng yêu cầu sơn vì có người thích tượng màu sơn hơn là màu vẽ. Vừa sơn bức tượng, anh Quý vừa cho biết, anh đã theo nghề được hơn 5 năm và công việc chính anh phụ trách là sơn màu. Để làm tốt được công đoạn này, người thợ phải thạo trong việc pha màu và khi sơn phải đều tay để tránh chỗ lớp dày, mỏng phải sơn lại nhiều lần.
Ngoài yếu tố kinh nghiệm, đam mê với nghề, bà Hoàng cho biết, các bức tượng Phật đều mang yếu tố tâm linh nên hầu hết các nghệ nhân đều niệm Phật, đọc kinh, ăn chay thường xuyên. “Khi tâm mình nhẹ nhàng, thanh thản thì nghệ nhân mới có thể chuyên tâm làm được công việc này”, bà Hoàng nói thêm.
Có dịp trực tiếp nhìn những nghệ nhân say mê, tỉ mỉ bồi đắp từng bức tượng, người ta sẽ càng hiểu hơn những lời của ông Tám, bà Hoàng nói. Để hoàn thành được một bức tượng Phật, người làm nghề không chỉ giỏi mà phải đặt cả tâm hồn, đam mê của mình vào bức tượng. Bởi vậy, dù cho Sài Gòn có ồn ào, náo nhiệt đến chừng nào thì khi bước vào sâu trong con hẻm nhỏ này, người ta sẽ chỉ thấy sự thanh tịnh. Ở đó, những nghệ nhân miệt mài, tiếp nối truyền thống gia đình để giữ gìn nghề truyền thống 100 năm và cho ra đời những bức tượng thật đẹp, gửi đi khắp nơi, góp phần bồi đắp thêm tâm hồn, tín ngưỡng cho mọi người.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/xom-lam-tuong-phat-100-tuoi-547798.html