Xóm nhà 'siêu tí hon' chen chúc giữa lòng thành phố
Những ngôi nhà siêu nhỏ nằm lọt thỏm, lạc lõng giữa trung tâm thành phố hoa lệ, dẫu chỉ vỏn vẹn vài mét vuông khuất sâu trong các con hẻm nhỏ đã và đang chở che cho bao kiếp đời bám trụ mưu sinh.
Những con hẻm tối tăm
Nằm lọt thỏm giữa “khu đất kim cương”, con hẻm 165 Cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) dài ngoằn ngoèo, lụp xụp, ẩm thấp lại có đến hàng chục ngôi nhà chỉ dưới 8m2 nhưng gần 10 người trú ngụ. Trong không gian chật chội, mỗi ngày tìm chút nắng, luồng gió mát cũng là thứ xa xỉ với căn nhà của ông Hồ Văn Ngọ, (70 tuổi, ngụ 165/14A Cống Quỳnh).
Đặc biệt hơn, diện tích “tổ ấm” của ông Ngọ chỉ 6m2, là nơi sinh sống của 10 người thuộc 4 thế hệ. Thấy có khách tới, đứa cháu ngoại của ông Ngọ liền như một thói quen tự khắc rời qua nhà hàng xóm để khách có chỗ bước vô nhà.
Chị Hồ Ngọc Thúy, con gái ông Ngọ kể, bố chị là người gốc Campuchia, năm xưa chạy nạn sang Việt Nam làm đủ nghề ở chợ Cổ Cò, Sóc Trăng. Sau đó ông lưu lạc lên TP HCM làm bốc vác ở chợ Cầu Muối (dưới chân cầu ông Lãnh, quận 1) rồi cảm mến, nên duyên chồng vợ với bà Lê Thị Bạch, người phụ nữ bán cá ở chợ. Sau nhiều năm dành dụm tích góp, vợ chồng ông cuối cùng cũng mua được mảnh đất nhỏ chỉ với 6m2 ở hẻm Cống Quỳnh cất nhà, cùng con cái ở đến giờ.
Nhà siêu nhỏ nên mọi hoạt động luôn chật chội, tù túng, vật dụng sinh hoạt đều nhỏ gọn nhất có thể, từ quần áo, cặp sách, xoong nồi, rổ rá... đều được đặt lên kệ treo dọc bờ tường. Giữa nhà vừa là chỗ tiếp khách vừa là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ của gia đình. Nhà vệ sinh là khoảng trống nhỏ nép dưới chân cầu thang, tầng trên được cơi nới thêm để làm chỗ ngủ cho vợ chồng các con và đám nhỏ.
Những đứa con của ông Ngọ dù đã lớn nhưng nghề nghiệp không có, chỉ phụ thuộc mỗi xe bún riêu bán hàng ngày bên hông chợ Thái Bình. Ban ngày buôn bán, đêm đến cả nhà ngủ xếp lớp như cá mòi, không duỗi được thẳng chân cũng chẳng thể nào lật người được. Nóng nực, chật chội đến độ có những ngày chỉ thở thôi cũng đã thấy mệt. Trước kia, vào những ngày oi bức thế này, mấy anh em phải ra ngoài kiếm chỗ ngủ qua đêm, nhưng giờ không còn cảnh đó nữa…
“Năm ngoái cả gia đình từ ông bà, vợ chồng, con cái đến cháu chắt có 14 người, giờ thì chỉ còn 10 người. Cũng vì sống trong diện tích nhỏ vậy nên cả nhà đều bị COVID-19 ngay khi TP HCM bùng dịch. Mẹ chồng và anh trai trở bệnh nhanh, lại chưa tiêm vắc xin nên đã qua đời”, chị Thúy rưng rưng.
Nằm lọt thỏm giữa chuỗi cao ốc chọc trời phồn hoa, tráng lệ trên tuyến đường buôn bán sầm uất phía sau chợ Bến Thành, con hẻm 24 Thủ Khoa Huân chỉ rộng khoảng hơn một mét nhưng càng đi sâu vào cuối hẻm diện tích nhà càng nhỏ lại, mùi cống, mùi thức ăn sộc lên nồng nặc.
Bên trên của những căn nhà này là chùm dây điện chằng chịt, cạnh các căn gác cơi nới thêm đang phơi đầy quần áo. Bên dưới là ngổn ngang đủ loạt đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, ngoại trừ nhà vệ sinh nằm bên trong còn lại tất cả những sinh hoạt khác của các hộ dân ở đây đều diễn ra ngoài đường.
Trong một căn nhà 8m2 bít bùng, 3 người đàn ông và 2 đứa trẻ phải chen chúc nằm nghỉ trưa một cách khó khăn. Ấy vậy mà hỏi ra, bà Lê Thị Bé (73 tuổi) còn cho biết, nơi này đang là chỗ ở của tận 16 người suốt hơn 50 năm qua.
Để đủ cho 4 thế hệ sinh sống trong căn nhà này, vợ chồng bà Bé phải cơi nới thêm căn gác lửng, chia làm 2 khu cho gia đình. Nói là gác nhưng nơi đây không khác gì “lò xông hơi” vừa bước vào là cảm nhận được ngay cái nóng hầm hập của thời điểm giữa trưa.
Để nhà đỡ chật, bình thường trên gác ngủ được 8 người, còn dưới đất chỉ được 3 người. Ưu tiên cho mấy đứa nhỏ, còn người lớn mỗi người mỗi nơi, đêm đến người thì vác ghế ra mái hiên của các cửa hàng mặt phố để ngủ, người thì ra trước nhà nằm hóng một chút hơi mát phả ra từ gió. Nắng thì đỡ, mưa gió có những ngày gần như thức trắng.
Về chuyện tắm giặt của cả gia đình chỉ với một nhà vệ sinh nhỏ xíu, mỗi người đều phải tranh thủ, trẻ con đi học về tắm trước, người lớn thì luân phiên. Không chỉ xập xệ, nhếch nhác, căn nhà “hộp diêm” của gia đình bà Bé đang xuống cấp trầm trọng, mục nát nhưng không dám sửa chữa khiến gia đình 16 con người luôn sống trong tâm thế nơm nớp lo sợ khi mùa mưa đã cận kề.
Thuê nhà tắm, vệ sinh
Cách đó không xa, khu Mả Lạng được bao bọc trong vành đai 4 tuyến đường lớn: Nguyễn Trãi - Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh và Trần Đình Xu (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Nhìn từ bên ngoài, ít ai ngờ rằng, ở đây đang tồn tại hàng trăm ngôi nhà diện tích siêu nhỏ chỉ dưới 10 m2, lụp xụp, cũ nát.
“Đặc sản” của khu vực này là những con hẻm sâu hun hút, ngoằn ngoèo như mê cung, ẩm thấp, tối om. Càng đi sâu vào những con hẻm, càng nhiều ngôi nhà siêu nhỏ, xập xệ. Xe cộ để bên ngoài khiến những con hẻm vốn đã hẹp lại càng chật chội hơn. Cư dân ở đây đa phần là lao động nghèo, làm nghề xe ôm, hàng rong, phụ hồ, nhặt phế liệu…
Ngoài 70 tuổi, gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh đã trải qua 32 năm sống trong căn nhà có bề ngang 1,4 mét, dài 5 mét. Ông Cảnh kể, đầu năm 1993, ông dạt về TP HCM kiếm sống rồi mua lại căn nhà này với tất cả tài sản gom góp là 4 cây vàng, tương đương 20 triệu đồng khi đó. Gọi là nhà cho sang chứ thực chất chỉ là một căn phòng rộng hơn một mét, ngoài để các đồ đạc gia dụng, chỗ ngủ nghỉ thì không còn một khoảng trống nào cho việc sinh hoạt.
Sống trong căn nhà bé xíu, chật hẹp nên các khoảng không gian dành cho việc vệ sinh hay phục vụ các nhu cầu thiết yếu cũng bị hạn chế rất nhiều. Như nhiều căn khác trong khu Mả Lạng, nhà ông Cảnh nhỏ tới nỗi không có khu vực vệ sinh. Đói ăn thì còn nhịn được, chứ chuyện vệ sinh thì không thể, đây luôn là vấn đề cấp bách nhất với gia đình ông Cảnh.
“Nhiều năm qua cả nhà lớn bé phải đi nhờ nhà vệ sinh của hàng xóm. Việc đó rất bất tiện nhưng không thể nào tránh khỏi, ngại quá nên tôi gửi tiền cho hàng xóm xem như thuê nhà vệ sinh”, ông Cảnh cho biết.
Gần xế chiều, ngồi trong căn nhà mái tôn, nhỏ xíu như cái bao diêm đang phả hơi nóng hầm hập dù đã có tới hai cái quạt bật vù vù, chúng tôi vẫn thấy ngộp thở, mồ hôi chảy ròng ròng. Nhìn bộ dạng khổ sở của chúng tôi, ông Cảnh bật cười: “Ban ngày còn đỡ nóng mấy nay tối nào cũng hầm lắm, nhưng sợ đám chuột lại chạy vào nhà cắn nát đồ đạc nên phải đóng cửa, ngột ngạt mà ráng chịu thôi”.
Kể về những bữa cơm gia đình, ông Cảnh cho biết, vợ ông cứ nấu sẵn cơm để đấy, ai về trước ăn trước, nếu về cùng lúc đông quá thì mỗi người một tô, tự bưng ra hẻm tìm chỗ ngồi ăn. Sống trong căn nhà này đến nay cũng mấy chục năm, chưa một lần cả gia đình được ăn cơm cùng nhau.
Nói đến đây, giọng ông Cảnh như trùng xuống khi chia sẻ dự định sắp tới có thể sẽ bán căn nhà này. Theo ông Cảnh, việc mua bán nhà tại đây cũng khá đơn giản, chỉ cần hai bên trao đổi thương lượng giá cả rồi nhận tiền và bàn giao nhà vì không hề có sổ hồng. Ngay chính căn nhà vợ chồng ông Cảnh đang ở cũng không có giấy tờ chính chủ. Muốn bán cũng chỉ bán cho bà con trong hẻm, chứ người nơi khác ai mà dám mua nhà đất không có giấy tờ.
Sống trong con hẻm này nhiều năm, ông Trần Văn Hóa, Trưởng Ban mặt trận Khu phố 2 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) hiểu quá rõ những bất tiện và nỗi khổ của bà con, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác ngoài sự chấp nhận.
Ông Hóa cho biết: “Do diện tích nhỏ nên người dân phải cơi nới thêm không gian, các con hẻm ngoằn ngoèo, thiếu ánh sáng, dây điện chằng chịt ngay phía trước của nhà dân, dẫn đến nguy cơ cháy nổ ở khu vực này rất cao”.