Xôn xao luận án tiến sĩ ở Trường ĐH Bách Khoa về áo nịt ngực
Luận án tiến sĩ ngành Công nghệ dệt, may có tiêu đề 'Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực' của một nghiên cứu sinh Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang khiến nhiều người tranh luận.
Luận án trên là của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Hai người hướng dẫn là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ. Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung hiện công tác tại Khoa Công nghệ may và thời trang, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Theo đó, 8h30 ngày 12.10.2022 sẽ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.
Bản đầy đủ của luận án dài 142 trang, trong luận án, tác giả nêu mục đích nghiên cứu là xác định các đặc trưng nhân trắc ngực ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc, trích chọn các kích thước đặc trưng và phân nhóm ngực nữ làm tiền đề cho việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Đồng thời góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp. Xác định áp lực của áo ngực nữ lên cơ thể người mặc và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Xác định ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.
Tác giả cũng nêu, kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học trong việc thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất, đánh giá; nâng cao chất lượng áo ngực cho phụ nữ Việt nam nói chung và áo ngực cho nữ thanh niên, nữ sinh Bắc Việt Nam nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu của người mặc. Hiện trên mạng xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về đề tài nghiên cứu này. Ý kiến cho rằng, đề tài này chưa xứng tầm luận án tiến sĩ. Người khác lại cho rằng mỗi lĩnh vực nghiên cứu có đặc thù riêng, ngành dệt may thì nghiên cứu sinh nghiên cứu về áp ngực là chuyện bình thường.
Thực hiện : Thúy Hiền