Xôn xao thông tin một hãng hàng không xin bảo hộ phá sản, Bamboo Airways khẳng định hoạt động ổn định
Mới đây tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Giao thông Vận tải, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, có một hãng hàng không lớn đang xin Chính phủ nộp đơn bảo hộ phá sản.
Chia sẻ về thông tin này, tại lễ công bố quy hoạch cảng hàng không, sân bay Việt Nam ngày 14/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Luật phá sản ở Việt Nam và các quy định pháp luật về phá sản đã có, doanh nghiệp sẽ làm theo trình tự. Ông không có thông tin về hãng hàng không phá sản nên không bình luận, nhưng khẳng định Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam luôn cố gắng hỗ trợ tối đa các hãng hàng không vì thông cảm và hiểu được khó khăn của các hãng sau đại dịch. Đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà các hãng trên thế giới cũng đang gặp khó khăn, tiếp tục kiến nghị hỗ trợ trong thời gian tới.
Nhiều đồn đoán thông tin hãng hàng không xin bảo hộ phá sản là Bamboo Airways. Tuy nhiên, ngày 14/7, Bamboo Airways phát đi thông cáo báo chí khẳng định: “Trong thời gian vừa qua, Bamboo Airways đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất. Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm”.
Hàng không nội địa phục hồi mạnh mẽ
Về kết quả 6 tháng đầu năm 2023, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hàng không Việt Nam vẫn đang phục hồi và tiếp tục phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình phục hồi. Thị trường hàng không nội địa phục hồi ngoài kỳ vọng nhưng thị trường hàng không quốc tế chưa đạt kỳ vọng. Mục tiêu phấn đấu quý III/2023 phục hồi hoàn toàn nhưng thực tế sẽ kéo dài hơn, đây là tình trạng chung thế giới.
Theo ông Thắng, Việt Nam tập trung vào các thị trường trọng yếu, thị trường Nga đang dừng bay, thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa lại vẫn kích thích du lịch nội địa nên du lịch quốc tế của Trung Quốc quốc chỉ đạt 30% trước dịch. Thị trường Nhật Bản cũng rất lớn nhưng lạm phát, suy thoái nên đồng yên mất giá, không còn thế mạnh như trước nên xu thế du lịch Nhật Bản hạn chế ra nước ngoài.
Thời gian qua hàng không Việt Nam mở thị trường Ấn Độ rất tốt. Việt Nam khai thác hết 28 chuyến một tuần theo thỏa thuận, phía Ấn Độ mới khai thác một nửa, hiện nay đang tích cực làm việc với Ấn Độ để có thỏa thuận mới.
Thứ 3 là thị trường Úc, trước đây khai thác chưa nhiều, vừa qua mở nhiều đường bay đến Úc. Tiếp theo mở thêm thị trường ở Trung Á, Nga… với sách lược các bộ ngành trong kích thích du lịch hy vọng thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện, kiến nghị hỗ trợ khó khăn cho các hãng hàng không sau dịch.
Về giá trần máy bay nội địa, hiện Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo lên Bộ, dự thảo thông tư đã xin ý kiến các bộ ngành. Giá lần này tăng không nhiều, tỷ lệ tăng tương đối thấp, quay lại trần giá đã áp dụng năm 2015. Giá nâng trần lần này chưa phản ánh được chi phí phát sinh của các hãng hàng không nhất là chi phí xăng dầu thuê mua máy bay, nhân công.
Về nguy cơ ảnh hưởng an toàn bay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, đang kiểm soát chặt chẽ an toàn bay, khó khăn của các hãng về nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến an toàn bay. Không có chuyến bay nào không đảm bảo an toàn có thể cất cánh. Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà chức trách hàng không sẽ quản lý chặt chẽ.