Xôn xao… 'vườn văn xanh'
Con người là một phần của bà mẹ tự nhiên vĩ đại. Nhưng càng ngày con người càng đối xử thiếu thiện chí với thiên nhiên.
Gần đây, chiến dịch cả nước trồng một tỷ cây xanh được phát động trong chiến lược bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thêm chất lượng sống cho người dân và không thể không “phả” vào văn học một nỗ lực lớn mang ý nghĩa văn hóa - nhân văn, như nỗi niềm của nhà văn Phạm Duy Nghĩa đã chia sẻ, mong muốn văn học ngày càng “thêm chất xanh cho ngòi bút”.
Trong thời hiện đại, những nhà văn tận hiến cho văn học xanh nước nhà, có thể ghi công tên tuổi từ Nguyễn Tuân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp đến Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Thế Hùng,...
Nhân dịp năm mới, mời quý độc giả đến thăm “khu vườn văn” của nhà giáo - nhà văn Phạm Duy Nghĩa đang dậy màu xanh tươi và tỏa ngát hương hoa. Chủ nhân của khu vườn văn này là một “người bay trong gió xanh”.
Cây bút “thương hiệu”
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa, sinh ngày 11/1/1973, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 1996; nhận bằng Thạc sĩ năm 2002, Tiến sĩ năm 2010 (Luận án về Nguyễn Minh Châu).
Từ 1996 - 2007 là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai; từ 2008 đến nay công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội (kinh qua vị trí Trưởng ban Lý luận phê bình, hiện là Phó Tổng biên tập). Ngoài đời, anh là người trầm lặng, đôi khi hơi xa cách, nhưng bên trong lúc nào cũng như “hỏa diệm sơn”.
Phạm Duy Nghĩa là cây bút truyện ngắn có “thương hiệu” trên văn đàn hiện nay. Các tập truyện ngắn đã xuất bản (từ 2006 - 2022): “Tiếng gọi lưng chừng dốc”, “Cơn mưa hoa mận trắng”, “Đường về xa lắm”, “12 truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa”, “Vệt sáng trên ban công”, “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên”, “Người bay trong gió xanh”.
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa từng chiếm bảng Khôi nguyên Cuộc thi truyện ngắn, 2002 - 2004, báo Văn nghệ với truyện “Cơn mưa hoa mận trắng”. Nhà văn Sương Nguyệt Minh (người hay thích nói quá) thì vồ vập: “Thậm chí chỉ bằng, chỉ cần một truyện ngắn “Cơn mưa hoa mận trắng”, Phạm Duy Nghĩa đã là một tác giả, một nhà văn đích thực”; nhà văn Dạ Ngân (trong BGK) hồ hởi nhận xét: “Đây là một truyện ngắn vững chãi và cổ điển, đào xới và tôn vinh tính người trong con người”.
Ai đó nhận xét, những truyện Phạm Duy Nghĩa viết thời còn ở vùng xanh Lào Cai có hơi hướng của “Truyện núi đồi và thảo nguyên”, kiểu văn xuôi mọc cánh của nhà văn Nga hiện đại Ts. Aitơmatôp. Mọi sự so sánh điều khập khiễng, song đôi khi cũng cần thiết. Nếu theo phương pháp nghiên cứu tiểu sử thì quả thật, hồi đầu mới cầm bút, Phạm Duy Nghĩa cũng đã thần tượng nhà văn Nga trứ danh này.
Mà chẳng riêng gì Phạm Duy Nghĩa, cũng như một dạo người đọc cứ thấy truyện ngắn (kiểu như “Hương cỏ mật”, “Phù sa”, “Thung lũng cò”...) của “ông” Đỗ Chu nhà mình có cái sắc thái và khí vị của C. Pauxtôpxki, tác giả “Bông hồng vàng” một thời khiến độc giả Việt say đắm với kiểu tự sự trữ tình, phiêu bồng khi lên non, khi xuống biển, khi lạc vào thảo nguyên mênh mông tít tắp...
Xôn xao… “vườn văn xanh”
Khu vườn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa vốn luôn trù phú tươi xanh, được người làm vườn kiên nhẫn, mát tay vun xới, bồi đắp, tưới tắm, bắt sâu nhổ cỏ.
Trong truyện “Ngôi nhà nhỏ bên hồ” có câu văn gây ấn tượng mạnh: “Có một điều anh biết rõ ràng, chính từ khu vườn đầy hương thơm của văn học, cái tâm hồn bé bỏng ấy đã vỗ đôi cánh ngập ngừng, trong suốt, để rồi bay mãi vào bầu trời xa thẳm”.
Nhưng nói về tính “xanh” trong văn Phạm Duy Nghĩa, theo ý tôi, không hề “bế quan tỏa cảng”, trái lại có sắc thái của sự bung tỏa, mở rộng không gian xanh. Đầu tiên là từ một khu vườn nhỏ riêng tư, sau đó thường được mở rộng ra trong bao la vô tận của tự nhiên, đặc biệt không gian miền núi (cũng có thể quãng đời anh sống nhiều ấn tượng nhất thời trai trẻ là núi rừng Tây Bắc).
Những cảnh tượng sau không hẳn kỳ vĩ mà là trác tuyệt: “Năm ấy, khắp Sa Pa đỏ rực hoa đào. Hoa soi mình xuống tuyết, thẹn thùng, và tuyết lạnh rưng rưng dưới màu hoa ấm lửa.
Trong các khu vườn, trên các thân đào cổ thụ, tuyết bám từng mảng long lanh, và trên mặt đất trắng tinh lác đác cánh hoa đào đỏ thắm” (“Hoa đào xứ tuyết”), “Qua cửa bếp, tôi thấy rặng núi xanh thẳm đằng xa đang trong cuộc giằng co với mây trắng.
Mây quấn quanh núi một chiếc khăn quàng mỏng tanh rồi từ từ trùm lên một nền bông trắng. Núi bướng bỉnh ngoi đầu chọc thủng mền bông như muốn vươn lên tận hưởng hoàng hôn đỏ thắm” (“Tiếng gọi lưng chừng dốc”), “Sau mấy đêm mưa, cỏ ngải bốc xanh ngùn ngụt.
Ở những chỗ bị chân ngựa xéo nát, thân lá loài thảo mộc này chiết xuất ra một mùi thơm sâu đậm”, “Lúc ấy trời vừa mưa xong, trăng lên, trong không khí có cái gì rất nồng nàn. Không khí của sự sinh sôi, hoan lạc. Ánh trăng xanh tưới đầm đìa bãi cỏ” (“Cơn mưa hoa mận trắng”), “Lúc ấy là mùa thu, hoa mộc kinh nở trên núi như những đốm lửa xanh, thoảng trong gió se se một mùi thơm hắc.
Mênh mang bên đường mòn, những nương lúa mì vàng hoe trải dài, nhắc đời tôi chưa một lần ăn mì. Ven dòng sông lạnh chảy ra thảo nguyên có chiếc thuyền nhỏ nhoi của một ngư dân, khiến tôi nhớ mình chưa hề ăn cá.
Đó đây trên những triền núi xám, vương vấn vệt khói xanh từ đống lửa của những mục đồng” (“Sài thục”), “Thung lũng bên dưới đã chìm vào bóng tối. Một vành trăng lưỡi liềm xanh phớt ló ra qua ngọn cây tùng nhọn hoắt trên rặng núi xa” (“Người bay”).
Vậy là trong khu vườn văn Phạm Duy Nghĩa, màu xanh nhuộm không gian và bát ngát bay lên (khói xanh, lửa xanh, cỏ xanh, núi xanh, gió xanh...). Nhân vật của Phạm Duy Nghĩa thường đa số là những con người bình dân, bình dị, bình thường, gắng sống thuận theo tự nhiên. Gọi màu xanh là thi pháp truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa, tôi nghĩ, không sai.
Bay trong gió xanh
Không nhiều nhà văn có tâm sự được giãi bày, chia sẻ chân thành và thắm thiết như Phạm Duy Nghĩa: “Tôi mệnh mộc. Chẳng biết có phải vì thế mà tôi rất yêu cây. Cuộc đời tôi cũng gắn liền với cây cối. Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi, có đồi.
Lúc ra trường đi công tác lại lên một tỉnh miền núi khác cao hơn, có núi. Thời sinh viên thì ở một trường đại học nằm bên một dải đồi trồng toàn bạch đàn quanh năm xao xác gió u hoài.
Khi về Thủ đô thì sống trong ngôi nhà cổ rợp bóng cây, cạnh một con phố cũng xanh đặc cây, đêm nghe tiếng lá sấu rơi lạt xạt trên hè vắng. (...). Nguyễn Minh Châu cũng từng kêu gọi “Sống mãi với cây xanh”. (...). Tôi thích những nhà văn biết ưu ái, trân trọng thiên nhiên. (...).
Tôi nghe một nhà phê bình than phiền rằng, trong sáng tác của nhiều cây bút trẻ hiện nay, thiên nhiên bị chặt lìa khỏi trang viết” (Phạm Duy Nghĩa - Thêm chất xanh cho ngòi bút, Văn hóa Quân sự, số 2 năm 2022).
Những “Rừng mắm” của Bình Nguyên Lộc, “Mùa len trâu” của Sơn Nam, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Sông Đà” của Nguyễn Tuân, “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, “Sống mãi với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu, “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp là những trang văn “ khai sơn phá thạch” về một văn học xanh, còn như trăng khuyết trên bản đồ văn học Việt Nam hiện đại.
Phạm Duy Nghĩa là lớp nhà văn “hậu sinh khả úy”, đặng có tiềm năng và cơ hội làm đầy phần còn khuyết của văn học xanh thời đương đại. Tập truyện ngắn mới nhất “Người bay trong gió xanh” của Phạm Duy Nghĩa phải chăng thể hiện tập trung cao độ khát vọng về một văn học xanh không chỉ riêng nhà văn, mà của cả xã hội đang kỳ vọng vào những tài năng cống hiến cho độc giả những tác phẩm hay khiến cho tình yêu thiên nhiên ở họ bỗng phục hưng, vụt lớn lên, tỏa sáng hơn, thăng hoa mãnh liệt.
Tôi hình dung, chính nhà văn đang bay trong gió xanh, đang lao về phía trước trong bầu trời xanh, đang mơ về một văn học xanh trong tương lai gần và xa.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xon-xao-vuon-van-xanh-post623463.html