Xót cảnh bỏ mạng xứ người vì đi lao động 'chui'
5 tháng nay, cả nhà ông Bình (xóm Lòng, Yên Trị, Yên Thủy, Hòa Bình) như ngồi trên lửa, chỉ mong sớm đưa được thi thể con trai, con dâu về quê.
“Chỉ mong đưa được hai con về nước”
Ông Bùi Thanh Bình nghẹn ngào: “Tôi nhận điện thoại lần cuối cùng của vợ chồng con trai vào tháng 3/2019. Bẵng đi một thời gian không thấy hai đứa liên lạc về, cho đến ngày 30/7/2019 thì có đoàn công an huyện về để xác minh, lấy mẫu máu và mẫu tóc của bố, của con trai Chính và bên ngoại để đi xét nghiệm AND, khi đấy tôi mới biết hai đứa nó đã chết rồi”.
Theo lời kể của ông Bình, vợ chồng anh Bùi Văn Chính (SN 1977) - chị Nguyễn Thị Thu (SN 1980) vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê từ tháng 2/2014 - 7/2017 thì về nhà được 1 tháng. Sau đó, hai vợ chồng lại đi tiếp cho đến đầu năm 2018 rồi về quê để làm nhà. Làm nhà xong, đầu năm 2019, hai vợ chồng lại đi tiếp. “Nhà của chúng nó 2 tầng, rộng trăm m2 xây dựng xong chưa kịp phủ sơn thì vợ chồng nó bảo đi sang Trung Quốc làm tiếp. Bao lần tôi khuyên chúng nó ở nhà nuôi con và tìm việc khác để làm, chứ cha mẹ thì già, con thì dại, biết trông cậy vào ai. Hồi tháng 3, chúng nó gọi điện bảo đầu tháng 8 sẽ về hẳn, không đi nữa. Giờ chúng nó bỏ cha mẹ già, hai con thơ dại ra đi rồi, nhà mới xây cũng đóng kín cửa bỏ không…”, ông Bình buồn bã.
Xác nhận hai trường hợp tử vong trên, Công an huyện Yên Thủy cho biết, những người dân vượt biên trái phép sang Trung Quốc xuất khẩu lao động “chui” có thể trở thành nạn nhân của các tội phạm như: Buôn bán người, mại dâm, nô lệ tình dục nhưng không được cơ quan chức năng bảo hộ. “Thực tế đã có 3 trường hợp công dân trên địa bàn xã Yên Trị khi sang lao động trái phép bên Trung Quốc đã bị giết, cướp tài sản nhưng không được công an Trung Quốc điều tra xử lý, việc đưa thi thể về nước để mai táng cũng gặp nhiều khó khăn”, Đại úy Nguyễn Ngọc Dũng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Yên Thủy cho biết.
Nhan nhản chợ lao động chui
Là một người đã từng vượt biên sang Trung Quốc để lao động “chui”, anh Bùi Văn T. (SN 1966, trú tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy) may mắn vì đã trở về quê nhà an toàn. Anh Thanh kể, qua một người bạn trong xóm, anh được giới thiệu làm quen với một người qua Facebook. Người này đã thu phí 5 triệu đồng để đưa anh vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, với lời hứa hẹn mức lương bên đó rất cao, khoảng 25-30 triệu đồng/tháng, ăn ở ổn định.
“Nhưng khi sang đến nơi làm thì thực chất chỉ được trả lương 10-11 triệu đồng/tháng, mà công việc quá đỗi vất vả, mỗi ngày lao động khoảng 15-16 tiếng, trưa được nghỉ 30 phút để ăn cơm. Làm cả ngày cuối tuần, ngày lễ Tết cũng không nghỉ, bình thường cứ làm từ 7h sáng đến 9h tối, có những hôm làm đến 12 giờ đêm. Ăn uống thì không đảm bảo sức khỏe, không được ra ngoài nhiều, chỉ được đi loanh quanh trong xưởng, nếu đi ra ngoài thì phải có người đi kèm…”, anh Thanh cho hay.
Tương tự, anh Đinh Đình H., xóm Tân Thịnh lên mạng tìm thông tin đi lao động Trung Quốc, anh Huy và được một đường dây đưa trót lọt qua biên giới với giá 5 triệu đồng. Nhưng chưa kịp lĩnh tháng lương đầu tiên, anh Huy và 2 người cùng xưởng bị bắt nhốt vào trại tị nạn 5 tháng trời, toàn bộ số tiền mang theo bị tịch thu.
“Giờ có cho thêm tiền, tôi cũng không đi nữa”, anh Huy tự cam kết.
Ông Bùi Văn N. (ở huyện Yên Thủy) đã từng cùng con trai vượt biên sang Trung Quốc làm thuê và bị công an Trung Quốc bắt và giam giữ 10 ngày rồi đưa về nước. Ông N. nhớ lại: “Thời điểm tôi đi sang bên Trung Quốc, thì bắt xe lên Lạng Sơn sau đó leo đồi khoảng 5 - 6km lên đến một bờ dậu rồi leo qua và đi xuống một triền đê, tiếp tục đi bộ khoảng 5km rồi có người đón. Người môi giới hứa hẹn lương cao, nhưng sang đấy lương thấp hơn nhiều, ăn ở thì có 8 - 9 người một phòng, không có chăn màn gì cả…”
Theo Công an huyện Yên Thủy, từ năm 2012 đến nay trên địa bàn huyện có khoảng 1.500 lượt người xuất cảnh trái phép sang lao động “chui” tại Trung Quốc. Hầu hết những người này đều bị các đối tượng môi giới rủ rê, lôi kéo với mức lương hấp dẫn, việc làm nhàn hạ nên đã tin và nộp khoảng 5 triệu đồng để được đưa đi. “Qua nắm tình hình, những người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc phải lao động các công việc cực nhọc tại các cơ sở sản xuất tư nhân, do không có giấy tờ hợp pháp nên phải sống chui lủi. Từ năm 2012 đến nay, có 131 người bị công an Trung Quốc bắt giữ, đẩy đuổi về nước vì không có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ, bất đồng ngôn ngữ”, Đại úy Nguyễn Ngọc Dũng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Yên Thủy cho biết.
Thượng úy Bùi Ngọc Vinh, Trưởng Công an xã Yên Trị xác nhận: “Trên địa bàn xã có khoảng 50 trường hợp xuất cảnh trái phép, thời gian cao điểm lên tới 160 người”.