Xót xa cảnh 4 mẹ con mắc bệnh tâm thần bơ vơ vì bố bị ung thư giai đoạn cuối

Là trụ cột nuôi sống gia đình nhưng vì bị ung thư giai đoạn cuối, anh Mỹ ngấn lệ khi nghe phóng viên nhắc đến vợ con.

Có khách đến thăm, anh Đào Văn Mỹ (sinh năm 1965), trú tại xóm 4, Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An khó nhọc tự xoay người ra tiếp chuyện. Trước đó anh vừa vật lộn với cơn đau của căn bệnh ung thư vòm họng quái ác đã vào giai đoạn cuối và các tế bào ung thư đã di căn đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Sự sống của anh giờ chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ.

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, không có đồ đạc gì quý giá, khi nhìn khuôn mặt gầy rộc, hốc hác và cơ thể tiều tụy sau nhiều tháng liền chống chọi với bệnh tật, chúng tôi không khỏi xót xa.

Nhưng quặn lòng hơn nữa khi nhìn ra phía trước hiên nhà, nơi có 4 người đang ngồi với những ánh mắt vô hồn. Trong đó 1 người là vợ và 3 người là con của anh Mỹ đều mắc bệnh tâm thần. Chưa kể, anh còn mẹ già hơn 80 tuổi cũng không còn sức lao động.

 Anh Đào Văn Mỹ chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối trong suốt 3 tháng nay. Hoàn cảnh đã khó khăn nay còn bi đát hơn. Ảnh: Trung Dũng

Anh Đào Văn Mỹ chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối trong suốt 3 tháng nay. Hoàn cảnh đã khó khăn nay còn bi đát hơn. Ảnh: Trung Dũng

Khi nhắc đến vợ con, anh Mỹ chực chờ trào nước mắt. Dường như những cơn đau trước đó khi bệnh tật hành hạ không thể làm anh khóc, nhưng khi nghĩ đến những người thân yêu, ngấn lệ anh tuôn trào, phần tủi thân vì số phận mình quá hẩm hiu, không thể chăm lo cho họ nhiều hơn, phần vì lo lắng không biết mai này khi anh mất đi, vợ con anh biết nương tựa vào đâu.

Giọng nói yếu ớt, anh Mỹ giãi bày: "Số phận tôi quá nghiệt ngã, chưa lo được cho con cái nên người thì đã phải chịu cảnh như thế này. Khi biết mình mắc bệnh ung thư, tôi đã cầu mong có phép màu nhưng nó đã không đến. Rồi mai này khi tôi mất đi cũng không biết vợ con tôi sẽ tiếp tục cuộc sống ra sao"?

Dứt câu nói của anh, tôi xin phép đi ra ngoài để anh không bị cảm xúc làm ảnh hưởng đến bệnh tật. Thế nhưng khi tôi ra khỏi chỗ anh nằm, anh quay mặt vào trong và tôi vẫn nghe thấy tiếng sụt sùi của người chồng, người cha tự trách bản thân vì chưa làm tròn được trách nhiệm.

 Bữa ăn trưa đạm bạc thường xuyên của 5 người, trong đó có 4 người bị tâm thần. Ảnh: Trung Dũng

Bữa ăn trưa đạm bạc thường xuyên của 5 người, trong đó có 4 người bị tâm thần. Ảnh: Trung Dũng

Tiếp chuyện phóng viên, anh Đào Xuân Tuy là em họ với anh Mỹ cho biết, từ khi anh Mỹ phát hiện bệnh đến nay vừa tròn 3 tháng.

Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu, dù biết mình bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể can thiệp phẫu thuật, xạ trị nhưng anh Mỹ vẫn cố sức đi làm thợ xây để kiếm thêm đồng ra, đồng vào mua thuốc men.

Anh Tuy chia sẻ thêm: "Thời điểm khi anh Mỹ còn khỏe, anh là lao động chính trong gia đình. Nghề nghiệp chính của anh là làm thợ xây. Anh làm thợ cho các chủ thầu trong xã, khi hết công trình anh lại xin việc chủ thầu xây dựng ở các xã khác chứ hầu như không có ngày nghỉ ngơi.

Anh Mỹ có 3 người con gồm 2 trai một gái nhưng đều bị tâm thần, hiện không có khả năng tự lo cho cuộc sống cũng như khó có khả năng lập gia đình và sinh con đẻ cái".

 Sổ điều trị ngoại trú tâm thần gồm vợ và 3 người con của anh Đào Văn Mỹ. Ảnh: Trung Dũng

Sổ điều trị ngoại trú tâm thần gồm vợ và 3 người con của anh Đào Văn Mỹ. Ảnh: Trung Dũng

Anh Tuy cho biết, vợ anh Mỹ là chị Trần Thị Xuân (sinh năm 1963) cũng mắc bệnh tâm thần nhưng ở mức độ nhẹ hơn các con nên lúc nào tỉnh táo lại theo chồng đi phụ hồ nhằm có thêm chi phí thuốc men cho chính mình và các con, đồng thời có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Sau khi anh Mỹ lâm bệnh, chị cũng ở nhà hẳn để chăm chồng, vì sợ lúc đi làm nếu lên cơn bệnh thì sẽ không có người hỗ trợ như trước đây chồng chị còn khỏe mạnh.

Trong số 3 người con của anh Mỹ, cậu con trai thứ 3 tên Tuấn (sinh năm 1996), lúc nhỏ sức khỏe ổn định, phát triển bình thường nhưng khi học đến lớp 9 thì cũng đổ bệnh phải nghỉ học. Sau nhiều lần đi khám thì cũng phát hiện bị tâm thần như anh chị của mình.

Mức độ bệnh của Tuấn ngày càng nặng hơn khi từ một cậu bé tỉnh táo, biết nhận thức thì giờ đây trở thành một con người vô hồn. Có hôm, Tuấn bỏ nhà ra đi, chỉ đi bộ nhưng sang tận các xã khác khiến anh Mỹ phải bỏ hết công việc tất tả đi tìm về.

Cũng có hôm Tuấn không đi xa như thế, nhưng Tuấn ra ngồi một mình ngoài đê biển, miệng vừa hút thuốc vừa lẩm bẩm gì đó không ai hiểu được.

Còn cậu con trai thứ 2 tên Châu (sinh năm 1992) cũng học đến lớp 4 thì phát hiện ra bệnh phải nghỉ học. Châu không thường bỏ nhà đi như em của mình nhưng tính tình cục mịch, dễ nổi cáu. Bình thường thì ai sai gì làm nấy không có khả năng tự lo cho bản thân.

Người con gái đầu tên Thanh (sinh năm 1989) được phát hiện bệnh tâm thần từ nhỏ nên không được đi học ngày nào và suốt ngày gắn với bệnh viện. Giờ đây, Thanh mang hình hài của cô gái gần 40 tuổi nhưng tâm lý của một đứa trẻ con.

Ngoài giờ ăn và giờ ngủ Thanh mới có mặt ở trong nhà, thời gian còn lại Thanh ra ngồi ngoài đầu ngõ. Có hôm do không đóng cổng, Thanh đi ra ngoài đường lớn ngồi hát hoặc đọc thơ "tự sáng tác" với những câu không đầu, không cuối. Có hôm "trái tính", Thanh gặp ai đi qua đường cũng chửi và gây hấn.

Anh Tuy kể, hàng xóm xung quanh đã quá quen với việc đó nên không vấn đề gì. Nhưng cũng có người từ xã khác đi ngang qua không biết nên có ý định đôi co lại. Nào ngờ bị Thanh lấy gạch, đá ném phải bỏ cả xe để chạy.

"Bệnh tật, phận anh ấy mỏng manh nên đành chấp nhận. Nhưng thứ mọi người lo nhất là vợ và các con của anh ấy sau khi anh mất đi. Dù hiện tại họ đều được hưởng một khoản trợ cấp hàng tháng nhưng là không đáng kể (mức hỗ trợ khoảng 270.000 đồng/ người). Để duy trì cuộc sống là một điều rất khó khăn với họ", anh Tuy nói.

 Người con gái đầu tên Thanh (sinh năm 1989) ngồi lẩm bẩm hát hoặc đọc thơ "tự sáng tác" giữa trưa nắng. Hàng xóm đã quá quen thuộc với cảnh này. Ảnh: Trung Dũng

Người con gái đầu tên Thanh (sinh năm 1989) ngồi lẩm bẩm hát hoặc đọc thơ "tự sáng tác" giữa trưa nắng. Hàng xóm đã quá quen thuộc với cảnh này. Ảnh: Trung Dũng

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ với hoàn cảnh của anh Mỹ, ông Lê Hồng Thịnh - Phó Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng xóm 4, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết, hộ anh Đào Văn Mỹ thuộc diện hộ nghèo "bền vững" của xóm.

"Trước đây khi anh Mỹ còn khỏe mạnh thì hai vợ chồng chủ yếu làm nghề thợ xây. Hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn nên sau khi anh lâm bệnh thì mọi thứ càng chồng chất thêm khó khăn.

Sau khi biết tin anh Mỹ bị ung thư giai đoạn cuối, chính quyền xóm cũng đã báo cáo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Diễn Hải để kêu gọi bà con quyên góp. Vừa rồi chúng tôi cũng đã vận động ủng hộ cho gia đình với số tiền 20 triệu đồng", Xóm trưởng xóm 4 cho hay.

Đề cập đến tình hình an sinh đối với những trường hợp như của hộ gia đình anh Đào Văn Mỹ, ông Thịnh cho biết, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ có sự khảo sát, đánh giá lại để làm căn cứ báo cáo Chi ủy và Ủy ban nhân dân xã Diễn Hải để tìm hướng hỗ trợ mang tính thiết thực nhất nhưng vẫn rất cần sự chung tay của cộng đồng.

Quý bạn đọc có thể hỗ trợ cho hoàn cảnh của anh Đào Văn Mỹ trực tiếp theo địa chỉ tại: xóm 4, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Hoặc ủng hộ qua tài khoản của anh Đào Xuân Tuy theo số: 0207.243.80001 tại ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Liên Việt post bank)

Điện thoại liên hệ: 0348.868.541 - 0349.772.10547

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xot-xa-canh-4-me-con-mac-benh-tam-than-bo-vo-vi-bo-bi-ung-thu-giai-doan-cuoi-post245293.gd