Xót xa cảnh đôi vợ chồng già chăm con bị tâm thần phải nhốt sau song sắt

Cứ mỗi lần nhìn người con trai bị nhốt trong phòng qua cánh cửa sắt, bà lại khóc nghẹn. Nhiều lần bà muốn ôm đứa con tội nghiệp của mình nhưng bị con kéo tay đến trày da bật máu. Đau đớn, bà chỉ biết ngồi khóc...

Đó là hoàn cảnh của vợ chồng bà Phạm Thị Dục (SN 1949) và ông Lê Trọng Hoạt (SN 1947) ở thôn Nam Phong, xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Trời chẳng chiều lòng người

Đón chúng tôi trong căn nhà lụp xụp, chẳng có nổi vật dụng gì đáng giá, vợ chồng già tuổi đã ngoài 70 với đôi mắt gần như mù lòa vì những đêm khóc thương cho số phận người con tội nghiệp của mình.

Bị nhốt lâu ngày khiến đôi chân anh Hiền bị liệt.

Bị nhốt lâu ngày khiến đôi chân anh Hiền bị liệt.

Vợ chồng bà Dục có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, quanh năm chỉ bám vào mấy sào ruộng. Vợ chồng bà sinh được 4 người con. Cứ tưởng chừng sinh con ra khỏe mạnh như bao người khác nhưng số phận nghiệt ngã khi 2 người con của bà lại bị bệnh tâm thần, thiểu năng trí tuệ. Mọi gánh nặng trong gia đình đều đổ dồn lên đôi vai vợ chồng già suốt mấy chục năm qua.

Giữa cái tiết trời rét căm căm như cắt da cắt thịt của miền Trung, chúng tôi chứng kiến hình ảnh anh Lê Trọng Hiền (SN 1977) bị gia đình nhốt trong căn phòng chật hẹp. Nhìn qua cánh cửa sắt thấy anh ngồi đó trần truồng trong giá lạnh khiến mọi người xót thương vô cùng.

Nói về người con trai tội nghiệp của mình bà Dục tâm sự: "Số nó (anh Hiền – PV) đúng mệnh khổ, lúc sinh ra nó cũng bình thường như bao người khác. Năm học lớp 3 nó đột nhiên đổ bệnh, nói năng lung tung nên gia đình đã vay mượn tiền đưa đi bệnh viện khám, sau đó phát hiện nó bị bệnh tâm thần. Vì không có tiền điều trị nên bệnh tình của nó ngày càng nặng".

Căn nhà không có vật dụng gì quý giá.

Căn nhà không có vật dụng gì quý giá.

Bệnh tình của anh Hiền ngày càng nặng, lúc mới phát hiện bệnh anh chỉ quanh quẩn trong nhà, một thời gian anh lại đi lung tung khắp nơi, đập phá đồ đạc, đánh đập người thân. Vì muốn dễ dàng chăm sóc cho anh nên người thân đã phải nhốt anh vào trong phòng, khóa trái cửa.

"Bình thường nó hiền lắm, nhưng những lúc trái gió trở trời nó lại lên cơn. Hiền đập phá hết đồ đạc trong nhà rồi chạy ra ngoài đường quậy phá, đuổi đánh người ta. Nên nhiều lần gia đình phải nhờ hàng xóm xung quanh kéo về để trói vào cột. Thương con lắm nhưng đành phải chấp nhận làm thế" – bà Dục khóc nghẹn.

Trong lúc bà Dục đang ngồi nói chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng anh Hiền lại kêu lên rất đáng sợ. Cứ mỗi lần như vậy, bà Dục lại vội vã đến bên con vỗ về, động viên. Hình ảnh đó khiến chúng tôi phải rơi nước mắt.

"Chỉ mong một bữa cơm quây quần"

Đến thăm nhà bà Dục cũng là lúc bà cho anh Hiền ăn bữa trưa. Chúng tôi nghẹn ngào trước cảnh tượng người phụ nữ tóc đã bạc theo năm tháng, tấm lưng đã còng rạp xuống nhưng vẫn lọ mọ bón cho con từng miếng cơm. Thỉnh thoảng, người con bà giật nảy mình, thay đổi tính nết rồi đẩy bà ra xa. Lúc đó bà đành đặt bát cơm xuống ngồi dỗ dành con.

Gạt nước mắt, bà Dục tâm sự: "Tôi già rồi khổ sao cũng chịu được, nhưng thương cho hai đứa con, chúng nó đã quá thiệt thòi rồi. Tôi chỉ mong sao gia đình chúng tôi có một bữa cơm quây quần bên nhau như bao gia đình khác. Chỉ một điều ước nhỏ nhưng đối với tôi sao nó khó quá".

Vợ chồng bà Dục bên người con gái thiểu năng của mình.

Vợ chồng bà Dục bên người con gái thiểu năng của mình.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Trọng Hạnh (SN 1974, anh trai anh Hiền) cho biết: "Hoàn cảnh gia đình tôi thật nghiệt ngã, mẹ tôi mắc chứng bệnh phổi mãn tính, đau ốm triền miên. Bố thì tuổi già sức yếu không làm được việc gì, mấy anh em cũng đều có hoàn cảnh khó khăn. Vì bị nhốt lâu ngày quá nên đôi chân của em tôi giờ đã bị liệt, gia đình rất muốn đưa em Hiền đi điều trị nhưng quả thực điều kiện kinh tế gia đình không cho phép".

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Minh – Trưởng thôn Nam Phong cho biết, hoàn cảnh của gia đình bà Dục đặc biệt khó khăn, hàng chục năm nay gia đình bà luôn được công nhận hộ nghèo. Con cái bệnh tật, ông bà lại đau ốm triền miên.

"Hàng tháng gia đình bà Dục chỉ nhận được 1.200.000 đồng tiền trợ cấp, nhưng từng đó không thấm vào đâu khi một mình bà phải chăm lo bữa ăn, thuốc men… cho mấy người đau ốm trong gia đình. Hi vọng các nhà hảo tâm có thể chia sẻ, giúp đỡ hoàn cảnh gia đình bà Dục vượt qua khó khăn trước mắt" - ông Minh cho hay.

Đã sống hơn nữa đời người mà vợ chồng bà Dục vẫn chưa có được một ngày thảnh thơi. Tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu. Không biết rồi đây, họ còn trụ được bao lâu nữa để lo cho người con đáng thương của mình.

Mọi sự giúp đỡ anh Lê Trọng Hiền - Mã số 517 xin gửi về:

1. Anh Lê Trọng Hạnh. xóm 1, Nam Phong, Xã Thượng Lộc, Can Lộc , Hà Tĩnh.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 517

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 517

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0943849174

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 517

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/xot-xa-canh-doi-vo-chong-gia-cham-con-bi-tam-than-phai-nhot-sau-song-sat-20191209094958641.htm