Xót xa hàng loạt cây cổ thụ trong rừng phòng hộ tại Bình Định bị đốn hạ
Nhiều cây cổ thụ gần cả trăm năm tuổi bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc tại khu vực rừng phòng hộ giáp ranh Tây Sơn và Vân Canh, Bình Định.
Chiều 20/3, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã đến hiện trường kiểm tra vụ việc phá rừng xảy ra tại khu vực rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vân Canh.
"Đợi lực lượng kiểm lâm báo cáo rõ, chúng tôi sẽ có văn bản thông tin cho báo chí", ông Phúc nói.
Ghi nhận của PV tại hiện trường, tình trạng phá rừng xảy ra tại khu vực suối Cố, thuộc khu rừng phòng hộ do BQLRPH huyện Vân Canh quản lý.
Tại đây, nhiều khu lán trại do lâm tặc để lại. Nhiều đồ vật như nồi, xoong, quần áo, can nhựa đựng nhiên liệu máy cưa vẫn còn rất mới, dấu hiệu của việc lâm tặc mới rời đi chưa lâu.
Cách đó không xa, PV ghi nhận nhiều cây rừng cổ thụ đường kính lớn bị cưa hạ không thương tiếc. Nhiều cây có đường kính rất lớn, phải 4, 5 người ôm mới hết. Một số cây lớn bị cưa hạ nằm chỏng chơ, đè lên những cây khác. Tại những vị trí này, gốc cây vẫn còn đang rỉ nhựa, cành lá chưa khô hẳn.
Đi khảo sát thêm một đoạn, PV ghi nhận có hàng chục cây cổ thụ như thế bị cưa hạ nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong rừng. Anh H. cho biết, vị trí cây rừng bị tàn phá nằm chủ yếu ở các vùng rừng ven suối Cố, suối Chuối, Đá Trãi, Dông Mít Mài… Những cây này có đường kính lớn, tuổi thọ cũang phải vài chục đến gần cả trăm tuổi.
Tại một số cây bị đốn hạ có đánh dấu bằng sơn đó. Ngoài ra nhiều cây khác chưa được đánh dấu. Chứng tỏ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chưa phát hiện ra.
Dấu vết cưa để lại cho thấy các đối tượng sử dụng máy cưa xăng để cắt hạ cây rừng. Sau khi hạ gốc, lâm tặc tiến hành cắt khúc, xẻ thành nhiều phần vừa sức kéo để đưa đến bãi tập kết.
"Số lượng cây rừng bị khai thác, chặt phá lấy gỗ rất lớn nằm rải rác nhiều nơi. Nếu các anh muốn đi hết thì phải mất từ 2 đến 3 ngày", anh H. cho biết.
Theo quan sát, từ phía bìa rừng, cách hiện trường không xa có Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam, thuộc BQLRPH huyện Vân Canh.
Cách đó khoảng vài cây số có thêm 1 trạm bảo vệ rừng khác của Hạt Kiểm lâm, BQLRPH huyện Tây Sơn. Hai trạm bảo vệ rừng này có khoảng 10 cán bộ, nhân viên đang làm việc (4 kiểm lâm viên, còn lại nhân viên lâm trường).
“Vùng rừng này chỉ có một số tuyến đường ra khỏi rừng đều bị chặn bởi 2 chốt bảo vệ. Vì vậy, nói không phát hiện việc khai thác gỗ trái phép, không biết vận chuyển gỗ đi đường nào là vô lý”, anh H. thắc mắc.
Trao đổi với PV, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Làng Cam thừa nhận các vị trí có cây rừng bị tàn phá thuộc rừng phòng hộ do đơn vị mình quản lý.
"Trước đó chúng tôi đã đi kiểm tra nhưng chỉ phát hiện 4 gốc cây rừng bị phá tại Tiểu khu 36 (thuộc BQLRPH huyện Vân Canh quản lý)", một cán bộ tại đây cho biết.
Từ hình ảnh PV cung cấp sau nhiều giờ có mặt ở hiện trường, vị cán bộ kiểm lâm địa bàn này cho biết, sẽ báo cáo lại với lãnh đạo để thành lập đoàn kiểm tra lại hiện trường, mới xác định số lượng, quy mô để có hình thức xử lý.
Cũng theo các cán bộ tại đây, họ trực chốt thường xuyên nhưng không biết lâm tặc phá rừng, không biết chúng vận chuyển gỗ đi đường nào. Có thể các đối tượng khai thác gỗ rừng về làm nhà, lợi dụng trời mưa để vào rừng cưa hạ gỗ.
Ông Y Ka Lạch, nhân viên bảo vệ rừng Trạm QLBVR Làng Cam cho biết, hiện các chế độ được hưởng rất thấp trong khi việc bảo vệ rừng giáp ranh vô cùng phức tạp. Thậm chí, lâm tặc thường xuyên đe dọa giết, tấn công khiến tinh thần anh em rất bất an, lo sợ...
“Trạm chúng tôi có 5 người, trong đó 4 người ở nơi khác đến. Trước đó, chúng tôi bắt, ngăn cản một số trường hợp khai thác gỗ rừng trái phép, xâm hại vào rừng nên họ bức xúc, nhiều lần uy hiếp, dọa đòi đánh, đòi giết. Mấy lần các đối tượng lên trạm đập phá”, ông Lạch nói.
Một số hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường: