Xót xa nhìn vợ ngày càng yếu, người đàn ông ở TP.HCM hiến thận để cứu vợ
Không đành lòng nhìn sức khỏe của vợ kém dần sau gần 5 năm suy thận giai đoạn nặng, người chồng 47 tuổi quyết định hiến một quả thận để cứu vợ, dù không cùng huyết thống.
Chị N.B.T.G (46 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) mắc bệnh suy thận mạn và phải chạy thận lọc máu định kỳ 3 lần/tuần từ năm 2020 đến nay. Gần đây, sức khỏe chị ngày càng yếu dần, xuất hiện nhiều biến chứng như mệt mỏi, phù tay chân…
![Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy thận của người chồng để ghép cho vợ - Ảnh: BVCC](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_287_51434345/3d7702c93987d0d98996.jpg)
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy thận của người chồng để ghép cho vợ - Ảnh: BVCC
Nhìn vợ chống chọi với bệnh tật mỗi ngày, xót xa vì đôi tay vợ phải mổ nhiều lần để tạo đường mạch máu mỗi khi lọc máu định kỳ, đến mức hư hoàn toàn đường mạch máu ở tay trái, anh T. (47 tuổi, chồng chị G.) đã suy nghĩ nhiều đêm và đưa ra một quyết định táo bạo, đó là hiến một quả thận cho vợ, với ước nguyện có thể san sẻ một phần nỗi đau bệnh tật cùng vợ.
Anh T. có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lý nền, nên anh hy vọng nguyện vọng này của mình có thể thực hiện được.
“Thấy vợ bị bệnh cũng lâu, chịu đau quá nên tôi thấy xót, không thể cầm lòng được. Tôi quyết định xin đi thử máu và kết quả cho thấy phù hợp nên tôi quyết định hiến thận”, anh T. tâm sự.
ThS-BS Vũ Lệ Anh - Trưởng khoa Nội thận, cho biết bệnh nhân G. lọc máu chạy thận gần 5 năm nay với tình trạng mạch máu rất xấu, hai tay bệnh nhân đều đã mổ để tạo đường mạch máu vì người bệnh có cơ địa đông máu, thậm chí người bệnh còn được đặt mạch máu nhân tạo nhưng sau đó vẫn bị hư, gặp khó khăn khi lọc máu. “Đó là lý do người bệnh quyết định ghép thận”, bác sĩ Vũ Lệ Anh nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ Lệ Anh nhận định, bệnh nhân nhận thận từ người không cùng huyết thống nên nguy cơ miễn dịch khá cao, mẫn cảm của bệnh nhân với người chồng rất lớn về nguy cơ thải ghép.
Ngày 2.1, hai vợ chồng chị G. lên bàn mổ. Ca phẫu thuật được thực hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xuyên Á và sự hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Ê kíp phẫu thuật đã lấy một quả thận trái của anh T. qua đường nội soi và ghép vào cơ thể chị G.
“Sau 6 giờ phẫu thuật, ca ghép thận đã thành công tốt đẹp. Sức khỏe của cả hai vợ chồng đều phục hồi tốt sau mổ. Kết quả cận lâm sàng sau ghép thận cho thấy, chức năng thận của người nhận dần ổn định và trở về mức bình thường, lượng nước tiểu đến thời điểm hiện tại ở ngưỡng bình thường. Đây là tín hiệu đáng vui mừng, đánh dấu sự thành công tốt đẹp của ca phẫu thuật, một cuộc đời mới được tái sinh từ chính tình nghĩa phu thê sâu nặng”, bác sĩ Vũ Lệ Anh chia sẻ.
Sau khi ghép thận, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ chống thải ghép thì phát hiện bị đông máu, bệnh nhân sưng phù chân do tắc bán phần tĩnh mạch chậu ngoài và tĩnh mạch đùi. Tại thời điểm đó, bệnh nhân được dùng thuốc chống thải ghép và thay huyết tương, thuốc kháng đông.
“Sau đó 3 tuần, bệnh nhân dần phục hồi chức năng thận, hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường và được xuất viện. Sau xuất viện, người bệnh được điều trị duy trì thuốc chống thải ghép và theo dõi tái khám”, bác sĩ Vũ Lệ Anh cho biết thêm.