Bệnh cúm nguy hiểm ra sao, những ai dễ mắc bệnh?
Từ đầu tháng 12-2024 đến nay, thời tiết tại Đồng Nai có sự thay đổi rõ rệt. Nhiệt độ vào buổi sáng sớm thấp hơn so với các thời điểm khác trong ngày.
![Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_423_51442492/508b8100b54e5c10055f.jpg)
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung
Bác sĩ chuyên khoa I PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sự chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao ảnh hưởng đến đáp ứng của cơ thể, đường hô hấp trên, tác nhân gây bệnh tồn tại lâu hơn, phát triển mạnh hơn, là điều kiện thuận lợi để gia tăng các bệnh đường hô hấp như: cúm, sởi.
Trẻ nhỏ, người già dễ mắc cúm
* Thưa bác sĩ, những ai dễ mắc bệnh cúm?
- Tại Việt Nam, bệnh cúm diễn ra quanh năm, trong đó ghi nhận nhiều ca mắc vào mùa đông - xuân. Thông thường, người mắc cúm có thể hồi phục trong vòng 1 tuần mà không cần điều trị. Song, bệnh có tỷ lệ trở nặng, biến chứng viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Nguy cơ trở nặng cao hơn ở nhóm người có hệ miễn dịch kém như: trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý mạn tính (tim mạch, phổi, tiểu đường, huyết áp…), người cao tuổi.
* Nguyên nhân gây bệnh cúm là gì?
- Bệnh cúm do virus gây ra. Bệnh cúm lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus cúm tồn tại trong không khí và tồn tại trên bề mặt các đồ vật như mặt bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can. Virus cúm có thể xâm nhập gián tiếp vào cơ thể khi chúng ta chạm tay vào bề mặt các đồ vật và đưa lên mắt, mũi, miệng.
Ở những nơi tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp là điều kiện để cúm lây lan nhanh. Thời gian lây nhiễm từ 1 ngày trước khi có triệu chứng cho đến 5-7 ngày sau khi có triệu chứng. Riêng với trẻ nhỏ hoặc người có sức khỏe kém, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn cho tới khoảng 2 tuần.
* Làm gì để xác định một người mắc bệnh cúm, thưa bác sĩ?
- Để khẳng định một người mắc bệnh cúm hay không cần phải làm xét nghiệm. Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm của những ca bệnh đường hô hấp nặng để làm xét nghiệm. Mục đích để biết tỷ lệ nhiễm cúm và phân bổ các tuýp virus cúm trên địa bàn tỉnh. Qua xét nghiệm phát hiện có 3 chủng virus cúm thường xuyên là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.
Từ đầu năm 2025 đến nay, mỗi tuần chúng tôi chọn 10 mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc để gửi Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh làm xét nghiệm. Đến nay chưa có kết quả. Qua giám sát thực tế các trường hợp viêm phổi nặng do virus từ đầu năm 2025 đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào bị viêm đường hô hấp cấp nặng nghi do virus cúm.
![Người dân tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_423_51442492/0c67deeceaa203fc5ab3.jpg)
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: Hạnh Dung
Tiêm vaccine bao lâu thì có kháng thể?
* Để phòng ngừa bệnh cúm, người dân cần phải làm gì?
- Biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh cúm để hệ miễn dịch của cơ thể luôn đạt được nồng độ kháng thể trên ngưỡng bảo vệ. Nguyên tắc là sau tiêm vaccine khoảng 7 ngày thì cơ thể sẽ xuất hiện kháng thể. Để nồng độ kháng thể đạt đỉnh thì phải sau 10 ngày tiêm vaccine. Vaccine phòng bệnh cúm có tác dụng phòng bệnh trong vòng 12 tháng.
Có những trường hợp đã tiêm vaccine cúm sau đó vẫn mắc cúm nhưng mức độ bệnh nhẹ hơn, nhanh hết bệnh hơn so với khi chưa tiêm vaccine cúm. Người dân nên chủ động đi tiêm vaccine cúm mỗi năm 1 lần. Với những người có hệ miễn dịch suy giảm, người có bệnh nền, có thể tiêm nhắc lại vaccine cúm sau 10 tháng sau khi có chỉ định của bác sĩ.
* Mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, tăng cường tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi. Ngành y tế Đồng Nai sẽ triển khai hoạt động này như thế nào, thưa bác sĩ?
- Ngành y tế Đồng Nai vẫn đang chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp nói riêng, bệnh truyền nhiễm nói chung trên địa bàn tỉnh. Đối với bệnh sởi, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3,5 ngàn ca mắc. Sau chiến dịch tiêm vét vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi, có khoảng 120 ngàn đối tượng đã được tiêm vaccine sởi với tổng số 127,5 ngàn liều. Hiện nay, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng giảm với trung bình khoảng 50 ca/ngày. Số ca bệnh sởi nặng cũng giảm. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chủ quan, phải luôn chủ động phòng ngừa dịch bệnh sởi.
Tỉnh Đồng Nai vừa được Bộ Y tế phân bổ hơn 11,5 ngàn liều vaccine sởi để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tháng tuổi. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang lập kế hoạch, dự kiến sẽ triển khai tiêm vaccine sởi cho nhóm đối tượng trên vào đầu tháng 3-2025.
Hiện nay, bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, dại đã có vaccine phòng bệnh. Người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo của bác sĩ.
* Còn các loại dịch bệnh khác thì sao, thưa bác sĩ?
- Đối với dịch bệnh dại, tỉnh đã ghi nhận một trường hợp ở huyện Long Thành tử vong do bị chó dại cắn mà chủ quan không đi tiêm vaccine dại. 5 người còn lại bị con chó dại này cắn sau đó đã đi tiêm vaccine, đến nay sức khỏe bình thường.
Đối với bệnh sốt xuất huyết, những tuần đầu năm nay ghi nhận số ca mắc bệnh vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy các ổ dịch vẫn chưa được kiểm soát toàn diện. Dự báo, số ca bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng vào các tháng tiếp theo, khi mùa mưa bắt đầu và nguy cơ bùng dịch tại các địa phương trong tỉnh.
Ngành y tế đang tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai các hoạt động kiểm soát dịch bệnh nhằm làm giảm tốc độ gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa. Chúng tôi đề nghị người dân cùng nâng cao ý thức, triển khai các biện pháp để phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho chính mình và những người xung quanh.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hạnh Dung (thực hiện)