Xót xa những cánh rừng ở Gia Lai liên tục bị 'cạo trọc, đốt sạch'
Những ngọn đồi 'trọc lóc', cây rừng nằm chết ngổn ngang, người dân ngang nhiên dùng cưa lốc đốn hạ cây rừng là hình ảnh dễ thấy nhất ở Gia Lai mùa này. Từng vạt rừng tự nhiên ở 2 huyện Chư Prông và Mang Yang liên tục bị tận diệt nhường chỗ cho những rẫy mì, bắp mọc lên.
Khởi tố vụ hủy hoại rừng quy mô lớn tại huyện biên giới
Một trong những địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy là huyện biên giới Chư Prông. Đây cũng là huyện có số vụ phá rừng nhiều nhất và quy mô nhất từ cuối năm 2023 đến đầu 2024 tại Gia Lai.
Theo đó, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng trên địa bàn huyện Chư Prông liên tục xảy ra đến 5 vụ phá rừng quy mô lớn. Từng vạt rừng tự nhiên ở huyện biên giới liên tục bị tận diệt, để lại từng vạt đất trống trơ. Số cây rừng bị triệt hạ lên đến con số hàng trăm. Những cây rừng sau khi bị cắt hạ một phần được xẻ hộp mang ra ngoài tiêu thụ, phần còn lại nằm ngổn ngang tại hiện trường.
Trao đổi với PV, ông Trần Anh Tài – Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cho biết: “Liên quan đến những vụ phá rừng vào cuối năm 2023, mới đây đơn vị đã khởi tố vụ phá rừng tại tiểu khu 1001 thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Muer (địa giới hành chính xã Ia Mơ) về hành vi hủy hoại rừng và đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Đồng thời chúng tôi cũng đang tiếp tục rà soát, làm rõ các vụ phá rừng còn lại. Anh em cũng đang triển khai, truy số cây rừng bị cắt hạ có được vận chuyển về các xưởng băm dăm hay không”.
Cũng theo ông Tài, đối với những vụ phá rừng trên, đơn vị nhận định có nhiều hình thức khai thác khác nhau. Đơn cử như vụ khai thác hơn 160 cây gỗ vào ngày 9/1(tức đêm 30 Tết) ở Ia Mơ. Rõ ràng bằng mắt thường có thể dễ dàng xác định đây là vụ phá rừng lấy gỗ. Các đối tượng cắt tỉa, chọn những cây rừng lớn, thẳng và đẹp để cắt, để lại những cây nhỏ, xấu. Còn vụ hủy hoại rừng mà Hạt mới khởi tố thì ngược lại, từng mảng rừng bị cắt trắng hoặc ken rồi cắt dần dần.
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng rừng liên tục bị tàn phá trong thời gian dài, ông Tài cho hay: “Công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn cũng còn gặp nhiều bất cập như địa bàn rộng, nằm xen canh rẫy của người dân…Trước tình trạng nóng về phá rừng trên địa bàn, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thành lập 3 tổ công tác với tổng số gần 30 người gồm đủ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng trên toàn địa bàn huyện. Trong đó vẫn xác định xã Ia Mơ là địa bàn trọng điểm, nóng nhất.
Trên cơ sở đó cố gắng triển khai bằng tất cả các biện pháp nghiệp vụ nhằm thưc hiện quản lý bảo vệ rừng tốt nhất, đặc biệt là giai đoạn đang bước vào thời điểm mùa khô – thời điểm mà tình hình vi phạm lâm luật càng gia tăng”.
Nóng đốt, phá rừng làm nương rẫy ở Mang Yang
Tương tự Chư Prông, những ngày đầu tháng 3, theo phản ánh của người dân, PV đã trực tiếp ghi nhận tình trạng phá rừng tại huyện Mang Yang (Gia Lai). Theo đó, từng vạt rừng tự nhiên nằm dọc tuyến tỉnh lộ 666 nối huyện Mang Yang với Ia Pa đã bị “cạo trọc, đốt sạch” còn trơ lại những vạt đất khô khốc.
Tiến sâu vào bên trong các lối mòn thuộc làng Ktu và Klah, nối ra tỉnh lộ là tiếng cưa lốc vang vọng cả khu rừng, khói bốc lên nghi ngút, mùi khói khét lẹt giữa tiết trời nóng bức. Trước mắt PV là những vạt rừng đã bị “cạo trọc”, hàng trăm cây gỗ lớn, nhỏ đều bị cưa hạ nằm ngổn ngang, mới cũ đầy đủ.
Bên cạnh những thân cây rừng vẫn nằm ngổn ngang trên mặt đất là mầm xanh bắt đầu nhú lên. Xung quanh cả vạt rừng rộng lớn đã bị phá trắng.
Đối với một số thân cây lớn, các đối tượng đã ken quanh thân cây nhằm ngăn không cho việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ phần gốc lên trên. Những cây rừng bị “ken” sau một thời gian mới khô héo và chết dần, sau đó các đối tượng “hợp thức hóa” bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích, ngang nhiên lấn chiếm đất rừng làm rẫy.
Sau khi ghi nhận tình trạng trên, PV đã liên hệ với chủ rừng – UBND xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Làm việc với chúng tôi, ông Võ Đình Huy – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mới đây xã cũng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 2 vị trí tại làng Ktu với tổng diện tích phá khoảng 5.000m2. Xã cũng đã xác định được 2 đối tượng tham gia phá đều trú tại làng Ktu, hiện đã giao cho Công an xã tiến hành mời các đối tượng lên làm việc. Quan điểm của xã sẽ cương quyết xử lý nghiêm, đúng quy định. Đối với diện tích PV mới cung cấp, xã sẽ cho kiểm tra và thông tin lại ngay”.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, năm 2023 xã đã giao toàn bộ hơn 4.000 ha cho cộng đồng 4 làng quản lý và bảo vệ. Tuy nhiên, việc giao rừng cho cộng đồng các làng cũng gặp một số bất cập như người làng con e dè lẫn nhau trong việc tố cáo những hành vi vi phạm, một số đối tượng kích động người làng…
“Bên cạnh đó, diện tích rừng phần lớn nằm sát rẫy bà con nên người dân thường cơi nới, lấn chiếm khiến công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, xã cũng không có lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, anh em còn nhiều việc, phần lớn phải có mặt ở trụ sở nên cũng khó nắm địa bàn…”, ông Huy cho biết thêm.
Cùng với tập quán du canh, du cư, cứ sau một vài mùa rẫy, khi đất đai cằn cỗi, người dân lại tìm những cánh rừng mới để phá và đốt nhằm mục đích lấn chiếm đất làm nương rẫy. Chính điều này đã khiến từng cánh rừng tự nhiên trên địa bàn dần dần biến mất.
Bài và ảnh: Trần Hiền