Xót xa những vụ bạo hành con trẻ từ tinh thần đến thể xác gây phẫn nộ

Nạn nhân là những đứa trẻ bị chính người cha ruột của mình đang tâm xuống tay tàn nhẫn.

Xuống tay tàn sát chính con ruột

Trong số những vụ bạo hành trẻ em xảy ra gần đây, không ít vụ việc đau lòng gây ra bởi những người cha, người mẹ đẻ khiến dư luận phẫn nộ.

Sự việc mới đây một bé trai 6 tuổi với vết thương ở cổ chạy từ nhà ra ngoài đường tại TP HCM đã khiến nhiều người xót xa. Trước đó, cậu bé này sống cùng cha ruột ở ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn. Vào buổi sáng, người dân ở đây đã thấy bé trai với vết thương trên cổ chạy từ nhà ra ngoài đường. Ngay sau đó, cháu bé được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do bố cháu bé đã bạo hành. Vết thương trên cổ của bé trai là do bố dùng dao gây ra.

Trước đó, một clip trên mạng cũng đã ghi lại cảnh một nam thanh thanh niên tại Tiền Giang đã đánh tới tấp vào mặt cậu con trai 3 tuổi. Thậm chí khi thấy người vợ gào khóc còn nói "có tin tao giết nó không". Người bố bạo hành con vì do nghi ngờ vợ có người khác, đã hành hung con để "cảnh cáo" vợ.

Hay tại Hải Dương, người cha ruột Nguyễn Văn Ngữ ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ cũng đã hành hạ con mình với những hành vi tàn nhẫn. Anh ta đã đấm đá con, bắt ăn phân gà, bắt con không mặc gì đi từ nhà đến trường… Nạn nhân là con gái lớn SN 1998 và cậu con trai út SN 2002. Những hành vi của chính người cha ruột đã để lại trong lòng những đứa trẻ nỗi sợ hãi không dễ xóa bỏ. Thậm chí, khi những đứa trẻ đã được đưa về nhà ngoại vẫn sợ bố nhờ người đến bắt về, chỉ cần có người lạ vào là chạy trốn vì sợ phải về ở cùng bố.

Vì đâu nên lỗi?

Chuyên gia Hồng Hương (Thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) cho rằng, những sự việc cha mẹ ngược đãi, bạo hành chính con đẻ xảy ra khá phổ biến. Có nhiều lý do dẫn tới hành vi cha mẹ bạo hành chính con ruột của mình. Nhiều bố mẹ hiện còn suy nghĩ là "thương cho roi cho vọt", "không đánh chúng không sợ"…

Họ xem việc đánh con như một hình thức giáo dục trẻ dẫn tới việc cho mình quyền đánh con. Chính việc nhận thức còn hạn chế đó đã dẫn tới nhiều cha mẹ quá lạm dụng roi vọt trong việc dạy dỗ, vô tình họ đã biến những đứa con trở thành nạn nhân của những hành động bạo hành. Chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà nhiều người không phân biệt được giữa phạt con và bạo hành trẻ em.

Trong các vụ bạo hành, ngược đãi con cái trong gia đình thường là cha mẹ có cuộc sống khó khăn, học vấn thấp, gia đình không hạnh phúc, không có điều kiện nuôi dạy con cái tốt. Ngược lại, cũng có những trường hợp mong đợi quá nhiều về con mình và khi con không đạt được như mong đợi thì bắt đầu mắng, đánh đập. Một nguyên nhân nữa cũng có thể xuất phát từ việc chính những cha mẹ này ngày nhỏ đã rơi vào tình huống bị người lớn bạo lực. Họ không nhận thức được những tác động, ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ khi mà dùng bạo lực để dạy dỗ.

Theo chuyên gia, cũng có nhiều cặp vợ chồng vì mâu thuẫn mà "giận cá chém thớt" trút giận vào con. Họ dùng con như cách để kiểm soát chồng/vợ làm theo ý mình. Họ không biết làm gì nên phải dùng con để tác động và họ cho rằng, cách tốt nhất là làm tổn thương con bằng cách bạo hành, khiến vợ hoặc chồng đau xót. Từ sự đau xót đó mà phải thay đổi cách cư xử với mình. Nhưng đó là suy nghĩ và hành động thiếu tỉnh táo, càng làm mối quan hệ xấu đi và làm tổn hại con mình.

Mọi hành động bạo hành với con trẻ đều cần phải lên án. Bởi vậy, ngoài việc pháp luật cần có những chế tài xử lý những hành vi này nghiêm khắc hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật sâu rộng tới người dân. Đồng thời, tăng cường hơn vai trò của các cơ quan Nhà nước chuyên trách trong công tác chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo hành trẻ em.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xot-xa-nhung-vu-bao-hanh-con-tre-tu-tinh-than-den-the-xac-gay-phan-no-172220918165855894.htm