Xót xa rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar bị tàn sát
Điều đáng nói, Trạm bảo vệ rừng số 8 chỉ cách khu vực này chưa tới 7km. Muốn vào rừng, bắt buộc phải đi trên con đường duy nhất qua cửa trạm.
Tại vùng lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar, thuộc địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, nhiều cây gỗ lớn có hàng trăm năm tuổi, đường kính lên tới 1,5 đến 2 mét bị cưa hạ không thương tiếc.
Đi theo ông H. (một người dân địa phương), nhóm phóng viên men theo con đường mòn để vào Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar. Sau khi đi bộ khoảng 2 tiếng rưỡi, băng qua nhiều suối lớn, triền đồi dốc dựng đứng, chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường khu vực rừng bị tàn phá. Tại đây, hàng nghìn m2 rừng bị tàn phá tan hoang. Hàng chục cây cổ thụ (chưa xác minh được chủng loại) bị cưa hạ.
Nhiều cây đã bị lâm tặc dùng cưa lốc xẻ phách vận chuyển gỗ đi, còn trơ lại bìa vỏ, cành, ngọn và gốc. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy, nhiều cây bị cắt đã khô lá, thân bị xẻ vận chuyển ra ngoài. Đi vào sâu bên trong thêm khoảng 2 km nữa, chúng tôi tiếp tục phát hiện nhiều ha rừng bị đốn hạ.
Áp sát hiện trường, phóng viên phát hiện thêm hàng chục cây gỗ lớn mới bị cưa hạ, chưa kịp xẻ phách để vận chuyển ra ngoài. Mùn cưa còn rất mới, thân, gốc, cành vẫn còn mủ tươi. Một số phiến gỗ được xẻ trước đó thành những bộ phản lớn cất giấu bên dưới các khóm lồ ô.... Đi thêm chừng 700 mét, phóng viên phát hiện một con đường rộng khoảng hai mét có nhiều phách gỗ hộp rộng khoảng 1 mét, dày 20-25 cm được cột dây xích, thừng gắn với vai trâu để kéo đi.
Mang những hình ảnh ghi được tại hiện trường đến làm việc với ông Nguyễn Văn Nhật-Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar, phóng viên được ông Nhật cho biết chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc những cánh rừng trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar thuộc địa bàn xã Bình Hòa, huyện Krông Ana bị tàn phá.
Ông Nhật xác nhận, tại khu vực xã Bình Hòa, huyện Krông Ana có 3 tiểu khu là 1023, 1024 và 1025. Toàn bộ khu vực có khoảng 2.000 ha rừng tự nhiên. Tại đây có nhiều cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm, với các chủng loại thuộc nhóm IV đến nhóm VII là: Dổi, bằng lăng, chò xót, sao... Đây là khu rừng là rừng đặc dụng, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Về hình ảnh nhiều diện tích rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar thuộc địa bàn xã Bình Hòa bị tàn phá do phóng viên cung cấp, ông Nhật cho biết rất khó xác định thuộc tiểu khu nào. Trong thời gian sớm nhất, đơn vị sẽ cử người vào xác minh. "Chúng tôi chưa nhận được bất cứ thông tin nào dưới trạm, diện tích rừng trong các tiểu khu 1023, 1024, 1025 đều được bảo vệ nghiêm ngặt, anh em trong trạm báo về vẫn thường xuyên đi kiểm tra rừng 1 tuần/lần". ông Nhật nói.
Để làm rõ hơn trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng tại khu vực này, phóng viên cũng đã làm việc với Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana.
Tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Kim Ngân, một cán bộ trực ban tại hạt khẳng định, hơn 2.000ha rừng thuộc các tiểu khu 1023, 1024, 1025 nằm trên địa bàn xã Bình Hòa đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý bảo vệ từ tháng 8/2009. Bà Ngân cho biết, trách nhiệm của Hạt kiểm lâm huyện Krông Ana chỉ là phối hợp và hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng khi được Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Kar đề nghị. Ngoài ra hàng tháng, hàng quý Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar phải gửi báo cáo cho Hạt kiểm lâm Krông Ana để nắm bắt tình hình. Tuy nhiên từ đầu năm tới nay, các báo cáo của ban gửi cho hạt đều thể hiện công tác giữ rừng được đảm bảo.
Rừng thì đang bị tàn sát một cách không thương tiếc, trong khi chủ rừng khẳng định chưa nắm được thông tin, lực lượng kiểm lâm địa phương lại nói không phải trách nhiệm của mình. Vậy những cánh rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Kar có được bảo vệ nghiêm ngặt?