Xót xa tranh thờ của người Dao
Một trong những giá trị văn hóa đặc sắc của người Dao ở Cao Bằng là di sản tranh thờ. Với giá trị linh thiêng, tranh thờ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh phong phú của người Dao, thể hiện ở việc luôn có mặt ở các nghi lễ lớn nhỏ của gia đình và cộng đồng. Chỉ có điều, do không được bảo quản tốt, nhiều bức tranh thờ đã bị hư hỏng nghiêm trọng, trong khi số lượng người biết vẽ tranh ngày càng ít đi.
Theo truyền thống và những kiêng kỵ của người Dao, tranh thờ chỉ được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống. Người Dao không treo tranh hàng ngày trong nhà, chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi.
Tranh thờ của người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ và thần linh và những ước vọng trong cuộc sống. Theo quan niệm của người Dao, thần linh có quyền năng vô song và chính là những người bảo trợ cuộc sống cho con người. Họ cho rằng, có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi, đó là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ).
Một trong những nghi lễ mà người Dao treo nhiều tranh thờ nhất là tại Lễ Tẩu sai - nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của người Dao, với sự tham gia của tất cả các thành viên trong dòng họ. Tại nghi lễ này, người ta treo rất nhiều bộ tranh thờ do các thầy cúng mang tới. Những bộ tranh này có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hơn 100 năm và được truyền từ đời này qua đời khác.
Người nắm giữ kỹ thuật vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao là những thầy Tào, thầy cúng. Một bộ tranh thờ gồm nhiều bức tranh khác nhau và được vẽ rất kỳ công, từ khâu làm giấy vẽ, lựa chọn mực vẽ. Xưa kia, người Dao tự làm giấy dó để làm giấy vẽ tranh. Khổ giấy vẽ tranh của người Dao không giống bất cứ dân tộc nào, thường là khổ hình chữ nhật, dài khoảng 1m, rộng khoảng 60cm.
Kỹ thuật vẽ tranh thờ của người Dao là nghệ thuật đặc sắc và không phải ai cũng vẽ được. Có những bức tranh thể hiện tới 30 gương mặt với biểu cảm đa dạng, sinh động. Người vẽ tranh cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, luật lệ nhất định, nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Chính vì công phu như vậy nên việc làm tranh thờ không thể làm nhanh và nhiều một lúc được. Giá của mỗi bộ tranh thờ lên tới hàng chục triệu đồng nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện có được một bộ tranh thờ theo đúng cách vẽ truyền thống. Đây cũng là một trong những lý do số lượng tranh thờ không còn nhiều. Khi dự lễ Tẩu sai của dòng họ Chu ở xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đã được dự nghi thức lên tranh (treo tranh). Các thầy Tào làm thắp hương, thổ tù và gọi mời thần linh về, sau đó mới mở các hộp đựng, lấy tranh ra treo trang trọng lên 3 mặt tường nhà.
Bên cạnh những bức tranh cũ hằn rõ dấu ấn thời gian là những bức tranh rất mới. Có sự khác biệt rất lớn giữa những bức tranh cũ và mới, thể hiện ở màu sắc, chất liệu giấy và đặc biệt là nét vẽ. Những bức tranh cũ được vẽ trên giấy gió đã ngả màu. Nét vẽ mềm mại, sắc nét, có hồn, biểu cảm của các nhân vật trong tranh rất sinh động, màu sắc rất đẹp, mang lại cho người xem cảm giác chân thực. Trong khi những bức tranh mới, nét vẽ không được tinh tế, giấy vẽ không phải giấy dó.
Có một thực tế là hiện nay, nhiều bức tranh thờ của người Dao đã bị mục nát, hư hại nghiêm trọng. Có những bức đã bị bong tróc hết các lớp giấy lót, chỉ còn mặt tranh và nhiều khả năng sẽ bị hỏng hoàn toàn không lâu nữa. Thậm chí, có bức đã bị ẩm mốc, mối mọt ăn rách gần hết. Có bức chỉ còn lớp giấy lót, mặt tranh bị nhàu nát, không còn nhìn được hình vẽ trên tranh. Màu sắc trên các bức tranh bị phai nhạt, biến đổi khá nhiều.
Đề cập đến vấn đề gìn giữ tranh thờ của người Dao, anh Bàn Văn Sâm, người Dao Tiền, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, là một trong số ít người đang theo đuổi nghề vẽ tranh thờ cho biết, việc phục chế các bức tranh đã hư hại là rất khó. Hiện tại, anh Sâm đang giúp các thầy cúng vẽ tranh thờ với những kiến thức hiện đại đã được học. Để tranh có “sức sống” lâu hơn, anh Sâm chọn chất liệu vẽ là vải toan. “Vải toan rất bền nên tranh có thể “sống” được hơn 100 năm. Tôi cũng chọn mực acrylic để vẽ. Mực này tốt và bền với thời gian hơn” - Anh Sâm chia sẻ. Cùng với việc thay đổi chất liệu vẽ tranh, trong 7 năm qua, anh Sâm luôn ý thức sưu tầm, chụp lại hình ảnh các bức tranh cổ để làm tư liệu phục vụ cho việc vẽ tranh của mình.
Nỗ lực của những người như anh Sâm là đáng ghi nhận nhưng cũng chưa đủ lực để kéo dòng tranh đặc sắc của người Dao thoát khỏi sự mai một. Anh Sâm bảo rằng, bây giờ, người ta bán cả tranh in sẵn. Nó không phải là hồn cốt của người Dao. “Tôi biết, nhiều người vẽ rất đẹp nhưng không thể vẽ được tranh thờ. Hiện giờ, tôi cố gắng vẽ lại theo tranh của các cụ, mỗi lần vẽ, tôi cố gắng chỉnh sửa cho đẹp hơn. Cái khó là có những bức tranh không có mẫu. Chỉ theo miêu tả của các thầy thì tôi không thể vẽ” - Anh Sâm trải lòng.
Anh Sâm cho biết thêm, trong điều kiện hiện nay, việc bảo quản những bức tranh thờ hiện có của người Dao là điều quan trọng nên anh làm với mong muốn giữ gìn di sản vô giá của người Dao. Theo truyền thống, người Dao bảo quản tranh bằng cách cất vào ống quyển gác lên cao. Điều kiện đó khiến cho tuổi thọ của tranh không cao. Trong khi để bảo quản một bức tranh đúng cách đòi hỏi những điều kiện hết sức khắt khe. Vì thế, anh Sâm cho rằng, cần có dự án thống kê, sưu tầm số lượng tranh thờ hiện có để có phương án bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị của dòng tranh đặc sắc này.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xot-xa-tranh-tho-cua-nguoi-dao-post432663.html