Xử án ly hôn: Lắng nghe bằng trái tim, xét xử theo pháp luật

Khi ra tòa, đương sự có muôn kiểu kiện đòi ly hôn, có cả những yêu cầu phi lý... nhưng người thẩm phán vẫn cần lắng nghe, thấu hiểu và ra quyết định đảm bảo cả lý và tình.

Làm công tác xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình nhiều năm qua, tôi chứng kiến rất nhiều yêu cầu không mang tính pháp lý rõ ràng như đòi lại thanh xuân, tiền công làm dâu, tiền tổn thất tinh thần... khi ly hôn.

Nghe qua, các yêu cầu này có vẻ phi lý nhưng thực tiễn xét xử đều có thật và được đương sự trình bày một cách quyết liệt.

Những yêu cầu phi lý xuất phát từ sự tổn thương

Pháp luật và đời thường luôn đan xen "trong cái tình phải có cái lý mà trong cái lý cũng phải có cái tình".

Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ các vấn đề được xem xét trong vụ án ly hôn như quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản chung... Đối với bồi thường thanh xuân, tiền làm làm dâu, danh dự đời trai, tiền công nuôi con... là những giá trị vật chất vô hình không thể chứng minh bằng hồ sơ, tài liệu và không thể cân đo, đong đếm được.

Giống như ta hay nói về "một đồng bạc danh dự" - mang tính biểu tượng về giá trị tinh thần, danh dự không thể quy đổi được.

Khi tình cảm đỗ vỡ, điều làm người ta tiếc nuối là sự tự nguyện vô điều kiện ban đầu và những năm tháng thanh xuân đã dành cho nhau. Nhưng giờ đây, họ không còn lắng nghe và không thể ngồi lại với nhau. Tòa án trở thành nơi cuối cùng để họ bấu víu, không hẳn là để phân định đúng sai mà để được trình bày câu chuyện của bản thân.

Có người cho rằng, những yêu cầu nghe có vẻ phi lý này là hệ quả của những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài, những cái tôi bị tổn thương. Rất nhiều trường hợp kiện đòi phi lý không xuất phát từ nhu cầu vật chất mà là "đòi cho bỏ ghét" và để được nói ra những gì mình đã bỏ ra cho cuộc hôn nhân ấy.

Trên thực tế, không ít trường hợp người chồng sau khi ly hôn và cấp dưỡng cho con, khi mang con ra xét nghiệm ADN thì phát hiện con không phải là con ruột của mình. Từ vị trí người cha, người yêu thương con lại trở thành người yêu cầu đòi lại khoản tiền đã cấp dưỡng, tiền bồi thường tổn thất tinh thần...

Tình huống này không quá phổ biến vì đa số khi biết đã bị phản bội họ sẽ chọn cách rời đi nhưng không phải không có. Họ chọn cách khởi kiện ra tòa nhưng không thiên về giá trị vật chất mà do cái tôi, sự tự ái, tổn thương khi bị phản bội...

 Tác giả - thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, TAND TP.HCM.

Tác giả - thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, TAND TP.HCM.

Trong cái lý phải có cái tình

Hôn nhân bắt đầu từ hai người xa lạ rồi tiến tới yêu thương, gắn kết thành gia đình. Thời gian ít hay nhiều đều có sự gắn kết và khi bị phản bội, họ chọn cách ra tòa để giải tỏa cảm xúc.

Sau những lời trình bày của đương sự là sự tổn thương, mất mát... Người thẩm phán khi giải quyết các vụ kiện này không chỉ cần chuyên môn mà còn cần có tâm và đủ kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ... Không chỉ áp dụng điều khoản cứng nhắc vào để xét xử mà người thẩm phán phải tìm cách để tranh chấp được khép lại một cách nhẹ nhàng hơn.

Trên thực tế, khi giải quyết án hôn nhân gia đình có trường hợp không cần hòa giải bắt buộc hoặc chính hai bên không có nhu cầu hòa giải. Các thẩm phán đều dựa trên nguyên tắc "còn nước còn tát", vì mâu thuẫn có sâu sắc đi nữa nhưng chỉ cần một lần nói chuyện với nhau cũng có thể mở ra cơ hội hàn gắn.

Không chỉ là chuyện mở phiên hòa giải, việc hòa giải là sự vận dụng kỹ năng, niềm tin nội tâm của thẩm phán. Thẩm phán gợi mở cho các bên có thể thông qua câu nói "thôi hai anh chị ngồi lại với nhau và viết ra những gạch đầu dòng những điều chưa hài lòng để xem xét có nên đi tiếp hay không...". Khi các bên chịu ngồi lại nói chuyện đã là một bước tiến.

Kết quả không bắt buộc phải là hòa giải thành nhưng khi đó người thẩm phán như đã đồng hành cùng đương sự để lắng nghe và dẫn dắt để hai bên giải bày cảm xúc. Vì đương sự khi đến tòa, họ không chỉ mang theo hồ sơ, chứng cứ mà họ còn mang cả tâm tư, nỗi bức xúc không được giãi bày.

Pháp luật vốn dĩ khô khan và khi xét xử phải người thẩm phán phải đảm bảo người dân yên tâm vì pháp luật là công lý, công bằng.

Tuy vậy, trong cái lý cần phải có cái tình. Khi xử án ly hôn, đối với những yêu cầu không đủ căn cứ pháp lý, người thẩm phán vẫn phải kiên nhẫn lắng nghe, giải thích để đương sự hiểu. Dù không được tòa chấp nhận họ cũng phải tâm phục khẩu phục, không chỉ bằng điều khoản mà còn là sự chân thành, thấu hiểu và công tâm.

Thẩm phán HOÀNG THỊ BÍCH DUYÊN, TAND TPHCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/xu-an-ly-hon-lang-nghe-bang-trai-tim-xet-xu-theo-phap-luat-post846973.html