Xử các vụ án tham nhũng cho thấy cán bộ nhận hối lộ ngoài công sở, cấm là đúng

Theo ĐBQH, quy định cấm cán bộ hẹn gặp dân ngoài giờ làm việc, gặp ở nhà riêng là barie làm giảm tiêu cực, làm căn cứ đánh giá cán bộ và có chế tài xử lý vi phạm.

Dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ đã được Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo dự thảo này, có nội dung đề xuất cán bộ, công chức chỉ được tiếp công dân, doanh nghiệp tại trụ sở cơ quan, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng.

Nội dung đề xuất trên hiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều, bên cạnh sự ủng hộ về mặt tích cực của quy định này mang lại, cũng có những băn khoăn, làm thế nào để quy định này thực sự có hiệu quả trong thực tiễn?

Quy định như “ba-ri-e” góp phần giảm bớt vi phạm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong dự thảo nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ mà Bộ Nội vụ gửi Bộ Tư pháp thẩm định vừa qua, có nội dung yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tiếp cá nhân, tổ chức, đơn vị, không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc, gặp ngoài cơ quan cũng như tại nhà riêng.

Vậy, vì sao lại có nội dung trên? Ngay trong tờ trình, Bộ Nội vụ cũng đã nêu rõ, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ những yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, với tổ chức...

Và trên thực tế, vừa qua, cũng có những trường hợp, hẹn gặp tiếp công dân, tổ chức ngoài giờ làm việc, chẳng hạn hẹn ăn uống, chơi thể thao,... Trong một số vụ án đã và đang xét xử, cơ quan điều tra cũng trình bày trước tòa những chứng cứ rất rõ ràng về việc có một số cán bộ hẹn gặp các cá nhân, tổ chức khác ở nhà riêng và đó cũng là nguồn cơn của việc đưa - nhận hối lộ.

Chính vì vậy, tôi cho rằng, đây là một quy định hợp lý, bởi giải quyết việc công thì đương nhiên phải ở cơ quan.

Chúng ta cần phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành nghị định ban hành Bộ quy tắc đạo đức công vụ làm căn cứ để các bộ và địa phương thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong cả nước”.

Nữ đại biểu cũng phân tích thêm: “Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng chính quyền điện tử, tất cả những thủ tục, hồ sơ, giấy tờ mà công dân phải nộp cho cơ quan chức năng... đều được tiếp nhận thông qua thủ tục một cửa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Thủ tục điện tử cũng đã giải quyết được rất nhiều, giảm thiểu việc người dân gặp gỡ riêng với cán bộ, công chức, viên chức... Mặt khác, cũng đã có quy định rất rõ ràng về thời hạn giải quyết cũng như thông báo về kết quả giải quyết, nên người dân không cần thiết phải gặp riêng vì lo sợ bị gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh hay kéo dài thời gian xử lý công việc...

Trừ những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn, như đối với đại biểu đang làm việc trong các cơ quan nhà nước như chúng tôi, có những trường hợp tiếp xúc cử tri, tiếp công dân cũng rất linh hoạt. Ví dụ, khi người dân có vấn đề gì cần phản ánh đến đại biểu Quốc hội, kể cả tại nơi cư trú hay thông tin qua điện thoại, tôi đều sẵn sàng lắng nghe. Tuy nhiên, những trường hợp ngoại lệ ấy chỉ thiên về tiếp công dân, tiếp nhận phản ánh, chứ không phải hẹn gặp để giải quyết công việc, để giải quyết đề đạt, nguyện vọng thì phải là ở cơ quan”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, quy định này cũng bộc lộ một khó khăn từ thực tiễn: “Tôi thấy dư luận băn khoăn, làm thế nào để có thể giám sát được nội dung trên. Hơn nữa, tên của nghị định là Bộ quy tắc đạo đức công vụ, có nghĩa là nêu lên những quy tắc, chuẩn mực đạo đức để những cán bộ tự giác thực hiện.

Theo tôi, ngay cả không phải nghị định mà đến luật pháp khi ban hành, cũng có những trường hợp cố tình không thực hiện. Vì vậy, không thể kỳ vọng bất kỳ quy định nào được ban hành đều có 100% người thực hiện. Bởi, có những quy định rất đơn giản nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tuân thủ một cách tự giác, tôi lấy ví dụ như Luật Giao thông đường bộ: quy định về tham gia giao thông rất dễ thực hiện, được giám sát rất chặt chẽ, nhưng vẫn có người cố tình vi phạm.

Vậy nên, tôi cũng tin rằng, đã có quy định thì tình trạng trên chắc chắn sẽ được chấn chỉnh. Bởi quy định giống như một “ba-ri-e” cảnh báo đâu là giới hạn, khu vực nào là khu vực không được vi phạm..., nhờ vậy, sẽ có thể góp phần giảm tình trạng trên.

Đương nhiên, cũng sẽ có những trường hợp tuy không nhiều có thể cố tình không chấp hành, nhưng có quy định sẽ có căn cứ để sau này đánh giá cán bộ, có chế tài để xử lý nếu có vi phạm và bị phát giác. Cho nên, xét theo một khía cạnh nào đó, chúng ta không ngại vấn đề có giám sát được hay không, bởi vì đã có quy định sẽ là nguyên tắc để xử lý cán bộ vi phạm, còn nếu không ban hành quy định, thì sau này sẽ không có căn cứ để xử lý”.

“Tôi tin rằng, sau khi ban hành, quy định này cũng sẽ sớm đi vào cuộc sống và sẽ góp phần chấn chỉnh chuẩn mực đạo đức công vụ một cách kịp thời, giảm bớt được những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ như Bộ Nội vụ chỉ rất rõ trong tờ trình như thời gian qua” - nữ đại biểu bày tỏ.

Tránh để cán bộ lợi dụng lấy “cớ” né tránh nhiệm vụ

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Lê Văn Cuông - Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa lại cho rằng: “Đã ban hành nghị định thì phải cân nhắc để có quy định khả thi, có thể đi vào thực tiễn cuộc sống. Vì cuộc sống vốn thiên biến vạn hóa, không theo một khuôn mẫu nhất định mà có nhiều tình huống không thể lường trước, nên quy định đưa ra cũng không thể quá cứng nhắc, mà cần có sự vận dụng thật linh hoạt, ứng với những trường hợp cụ thể.

Nếu không, sẽ trở thành “cái cớ” cho một số trường hợp cán bộ, công chức có thể dựa vào để từ chối, né tránh tiếp dân. Bởi, trong thực tế, có thể có những vụ việc xảy ra đột ngột, có những vấn đề nảy sinh, có những bức xúc cần phản ánh, giải quyết ngay... nhưng lại xảy ra khi đã hết giờ hành chính, như vậy, sẽ rất khó cho dân, không thể kịp thời được hỗ trợ.

Vậy nên, quy định phải có hướng dẫn thật cụ thể, rõ ràng, nếu không, vô tình lại thành cản trở công việc, thành “trói tay, trói chân” người thực hiện công vụ. Khi ấy, cán bộ, công chức lại trở thành những người chỉ làm việc “trong phòng máy lạnh” thì cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công việc...”.

“Mặt khác, quy định cấm cán bộ, công chức không được hẹn gặp ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan hoặc tại nhà riêng, chỉ có thể có hiệu quả với những cán bộ thật thà, nghiêm túc, tự giác... Còn với những trường hợp có ý định tiêu cực thì sẽ lại nghĩ ra nhiều cách để “luồn lách”, rất khó để kiểm soát, giám sát” - ông Cuông cũng cho biết thêm.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Lê Văn Cuông, để thực sự nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với cán bộ, công chức, cần có các giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học và thực tế hơn.

“Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, trong đạo đức công vụ có những quy định mang tính nguyên tắc và có chế tài kèm theo khi phát hiện thì xử lý một cách cụ thể, thấu đáo.

Tuy nhiên, để thực sự phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách có hiệu quả, thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, cần những giải pháp quản lý chặt chẽ, khoa học và thực tế, không phải chỉ là một vài quy định cho có, khó khả thi” - ông nhấn mạnh.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xu-cac-vu-an-tham-nhung-cho-thay-can-bo-nhan-hoi-lo-ngoai-cong-so-cam-la-dung-post235491.gd