Xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Nhân chứng phủ nhận chứng cứ mới
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương nhiều lần khai bị cáo không góp vốn vào Công ty Âu Lạc, không tham gia điều hành Công ty Âu Lạc bởi Dương cho rằng Công ty này không có khả năng sinh lời.
Sáng 18/8, ngày thứ tư xét xử vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, nội dung "nóng" nhất trong phần thẩm vấn được Hội đồng xét xử và các luật sư tập trung đặt câu hỏi xung quanh nội dung có hay không việc bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương) góp vốn vào Công ty Âu Lạc?
Bị cáo nói không, nhân chứng khẳng định có
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, xuất phát từ mối quan hệ thân thích, gia đình, Nguyễn Đại Dương được bố vợ là Nguyễn Văn Minh cho biết Tổng Công ty Bình Dương sẽ triển khai thực hiện Dự án trên khu đất 43 ha. Dương thống nhất cùng Nguyễn Văn Minh thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện Dự án. Do vậy, Nguyễn Đại Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nắm quyền chỉ đạo và giao cho Nguyễn Quốc Hùng (bạn kinh doanh) làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật.
Ngay sau khi thành lập Công ty Âu Lạc, Nguyễn Đại Dương đã chỉ đạo Nguyễn Quốc Hùng ký Hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty Bình Dương (do Nguyễn Văn Minh làm đại diện), thành lập liên doanh Công ty Tân Phú với mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha của Tổng Công ty Bình Dương chỉ với giá 570.000 đồng/m2.
Mặc dù Nguyễn Đại Dương không đứng tên góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông gồm Nguyễn Quốc Hùng; Huỳnh Trung Nam; Dương Đình Tâm và Giấy xác nhận ngày 15/11/2017 do Nguyễn Đại Dương viết và ký cùng Dương Đình Tâm thể hiện việc Nguyễn Đại Dương nhờ Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc và là người trực tiếp điều hành Công ty này.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đại Dương nhiều lần khai bị cáo không góp vốn vào Công ty Âu Lạc, không tham gia điều hành Công ty Âu Lạc bởi Dương cho rằng Công ty này không có khả năng sinh lời, hơn nữa bị cáo chủ trương chỉ kinh doanh bất động sản tại quê hương bị cáo là Hà Nội mà không tham gia kinh doanh bất động sản tại tỉnh, thành phố nào khác. Bị cáo Dương khai không biết Tâm là ai và được Nguyễn Anh Quân (người quen của bị cáo Dương) nhờ đi gặp Tâm để ký giấy tờ thành lập Công ty Âu Lạc.
Khai tại Tòa, nhân chứng Dương Đình Tâm cũng cho biết Tâm không quen biết Dương mà chỉ quen biết Quân. Ban đầu, Tâm được Quân nhờ đứng tên giúp Quân tại Công ty Âu Lạc. Tâm đồng ý và bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn tất thủ tục đứng tên trong Công ty. Tại đây, Tâm gặp Dương và Dương đưa Tâm ký các giấy tờ liên quan. Về sau, Tâm mới biết phần vốn góp mà mình đứng tên giúp này là của Dương.
Nhân chứng Dương Đình Tâm nhiều lần khẳng định tại Tòa rằng phần vốn góp của Tâm tại Công ty Âu Lạc là do Tâm đứng tên hộ Nguyễn Đại Dương. Sau đó, Tâm xin rút, không đứng tên góp vốn tại Công ty Âu Lạc, và được Dương ký giấy tờ xác nhận ngày 25/11/2017, phần vốn góp đứng tên Tâm tại Công ty Âu Lạc là của Nguyễn Đại Dương.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho Nguyễn Quốc Hùng đã đưa ra một tờ giấy và cho rằng đây là chứng cứ mới trong vụ án về việc Tâm nhận đứng tên thay cho Quân ở Công ty Âu Lạc.
Theo luật sư, đây là bản trình bày của Tâm gửi cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội (PC46) liên quan đến cổ phần tại Công ty Âu Lạc, trong đó có nêu Tâm và Quân có quan hệ bạn bè. Năm 2010, Quân mua vé cho Tâm vào Thành phố Hồ Chí Minh để nhờ đứng hộ tên trong Công ty Âu Lạc và gặp Dương tại đó. Tâm không biết mọi việc liên quan, Dương đưa giấy tờ gì thì Tâm ký giấy tờ đó và không biết đấy là tài liệu gì. Đến khi cơ quan điều tra đưa tài liệu thì Tâm mới biết đó là tài liệu góp vốn.
Liên quan đến bản trình bày này, nhân chứng Dương Đình Tâm phủ nhận và khai không nhớ gì việc này vì xảy ra quá lâu rồi. Song, nhân chứng Tâm tiếp tục khẳng định, lúc đầu không biết nên tưởng là vốn góp của Quân, về sau thì mới biết thực chất là vốn góp của Dương. Tâm xác nhận bảo lưu toàn bộ lời khai của mình tại cơ quan điều tra.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu bị cáo cấp dưới phải "dũng cảm nhận lỗi"
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) bị Viện Kiểm sát cáo buộc có 2 sai phạm. Thứ nhất, bị cáo Nam giao 2 khu đất 43 ha và 145 ha tại Bình Dương cho Tổng Công ty Bình Dương vào năm 2012 nhưng áp giá thu tiền về ngân sách theo khung của năm 2006. Việc này gây thất thoát hơn 761 tỷ đồng.
Thứ 2, mặc dù Tổng Công ty Bình Dương không xin phép chủ sở hữu là Tỉnh ủy vẫn mang 43 ha đất đi góp cổ phần vào Công ty Tân Phú. Năm 2016, Tổng Công ty Bình Dương phải cổ phần hóa nên Tỉnh ủy Bình Dương ra công văn 407 yêu cầu đưa khu đất 43ha phải được giao cho Công ty Impco (cũng trực thuộc Tỉnh ủy).
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm không làm theo yêu cầu trên. Đồng thời còn thỏa thuận bán khu đất cho doanh nghiệp của bà Đặng Thị Kim Oanh. Do khu đất đang đứng tên chủ sở hữu là Công ty Tân Phú, Nguyễn Văn Minh và đồng phạm đã bán toàn bộ cổ phần tại Tân Phú cho bà Đặng Thị Kim Oanh. Khu đất từ tài sản Nhà nước bị chuyển sang tư nhân, gây thiệt hại hơn 984 tỷ đồng.
Tháng 4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương họp về việc Tổng Công ty Bình Dương bán cổ phần tại Tân Phú, biết việc Nhà nước có thể mất toàn bộ khu đất 43 ha nhưng đã không yêu cầu hủy bỏ hợp đồng bán cổ phần và tìm cách hợp thức hóa việc bán cổ phần này (thực chất là bán đất).
Bị cáo Trần Văn Nam thừa nhận việc Tổng Công ty Bình Dương góp vốn vào Công ty Tân Phú thực chất là mang đất đi góp vốn, việc này gây "bức xúc trong Thường trực Tỉnh ủy". Tuy nhiên, bị cáo Nam khai không biết có văn bản lùi ngày, đồng thời yêu cầu các bị cáo cấp dưới: "phải dũng cảm, làm sai thì nhận, mình phải ngẩng đầu với bà con Bình Dương".
Để xử lý vụ việc, bị cáo Nam cho rằng không thể giao 43ha về Công ty Impco vì: "Nó là doanh nghiệp mới thành lập, liên quan gì đâu". Do vậy, bị cáo đã chỉ đạo để lại khu 43 ha, yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ trách nhiệm của Tổng Công ty Bình Dương trong việc góp vốn rồi thoái vốn./.