Xứ dừa khẩn trương ứng phó với hạn, mặn mùa khô
Hiện nay, nước mặn đang xâm nhập nhanh vào các sông lớn ở tỉnh Bến Tre. Chính quyền, ngành chức năng và người dân xứ dừa đang khẩn trương ứng phó với mặn xâm nhập.
Mấy ngày gần đây, trên sông Tiền độ mặn hơn 4‰, đã xâm nhập đến địa bàn xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, cách cửa sông 40km. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp 5, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, cách cửa sông 46,5km. Trên sông Hàm Luông, độ mặn hơn 4‰ xâm nhập đến ấp Hưng An B, xã Thạnh Phú Đông; ấp Hưng Điền, xã Hưng Phong (huyện Giồng Trôm) và ấp Phước Lý, xã Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 34km.
Trên sông Bến Tre độ mặn 1‰ xâm nhập đến xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre. Riêng sông Cổ Chiên, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 40km; độ mặn 1‰ xâm nhập đến xã Nhuận Phú Tân, (huyện Mỏ Cày Bắc,) cách cửa sông 53km.
Tình hình diễn biến mặn tại địa bàn khá phức tạp theo triều và cấp gió, nhất là đối với các địa bàn cách cửa sông từ 46 - 53km trở xuống đang bị ảnh hưởng. Một số trạm cấp nước sinh hoạt đã bị nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Ông Huỳnh Ngọc Quang cũng như nhiều người dân ấp Long Hội, xã Giao Long, huyện Châu Thành hiện rất bức xúc vì phải sử dụng cho sinh hoạt nguồn nước cấp từ nhà máy nước An Hóa (thuộc công ty cổ phần Cấp nước Châu Thành) bị nhiễm mặn cao.
"Người dân rất bức xúc, bởi nước trong nhà máy nước cấp mặn rất nhiều, mặn như pha muối vậy. Nhà mình phải sử dụng nước dự trữ chỉ có 1000 lít – nước vòi khi chưa có bị mặn mình có trữ lại. Nhà máy nước bơm nước mặn cho dân sử dụng, vẫn thu tiền 100%, giá theo quy định từng bậc trên 9000 đồng/khối. Chúng tôi đề nghị cấp trên có biện pháp để cho người dân sử dụng nước ngọt chứ sử dụng nước mặn như thế này dễ dẫn đến nguy cơ bị bệnh và hư hỏng tài sản trong nhà”, ông Quang nói.
Lo ngại nhất ở tỉnh Bến Tre khi nước mặn xâm nhập sâu là nhiều tuyến sông, rạch chưa có cống đập khép kín, nước mặn tăng rất nhanh và lan ra diện rộng. Đối với hàng nghìn ha vườn bưởi da xanh, sầu riêng ở ven sông rạch thuộc các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, thành phố Bến Tre cần được bảo vệ khẩn cấp. Ở thời điểm này, nông dân tỉnh Bến Tre theo dõi sát diễn biến mặn, đo, kiểm tra nguồn nước trước khi phun tưới cho cây hoặc lấy vào mương vườn; chủ động nạo vét kênh mương trữ nước ngọt.
Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ 5 ha vườn cây bưởi da xanh tại xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm chia sẻ: "Ở đây đã có mặn tăng đột biến, tôi nghĩ chắc vài ngày nữa sẽ đóng cống lại. Mình không biết mặn lên lúc nào nhiều khi nước lớn mặn tăng bất tử mệt luôn. Ở đây mặn lên rồi mới giảm, chứ bữa trước mặn cao lắm, gió chướng thổi mạnh là mặn tăng nhanh. Ao dự trữ nước của mình vài chục nghìn mét khối. Năm nào cũng vậy, mình phải trữ mấy chục nghìn khối, năm nay chắc trữ khoảng 50.000m3, trữ lại để tưới hết mùa nhưng phải tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm. Bây giờ khi nước chưa mặn thì mình lấy nước bên ngoài tưới, mình trữ nhưng hàng ngày cũng lấy nước vô mương vườn. Mình đang nạo vét mương cho sâu để trữ nước nhiều hơn”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, hiện nay khu vực huyện Châu Thành, TP. Bến Tre có các công trình thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 (đê và các cống ven sông Tiền, cống Tân Phú, cống Bến Rớ, cống Sông Mã...) đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai.
Khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại có các công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, cống Bến Rớ, Tân Phú thuộc Dự án Quản lý nước tỉnh (JICA3) sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt, giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực. Hiện nay, vườn cây ăn trái khu vực này phát triển tốt, nhất là cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nên nhà vườn rất chủ động trong công tác ứng phó với hạn mặn.
Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành cho biết: "Hiện nay, nước ngọt cơ bản ổn. Mặn mới lên tới xã An Hiệp 0,5gam/lít chưa có ảnh hưởng gì, mình chủ động được. Vườn cây ăn trái thì do có kinh nghiệm từ các năm trước thì mình đắp đập, ngăn mương, trữ ngọt. Nhà vườn cũng chủ động trữ nước ngọt, kênh rạch có một số khu vực khép kín, một số chưa nhưng bà con rất chủ động”.
Dự báo của ngành chuyên môn, tình hình nước mặn đang diễn biến phức tạp và tăng cao trong những ngày tới. Do đó, tỉnh Bến Tre cần tập trung cao độ, phát huy tính chủ động, tích cực, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, tiếp tục thực hiện phong trào “Đồng khởi” trữ nước ngọt, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/xu-dua-khan-truong-ung-pho-voi-han-man-mua-kho-post1145576.vov