Xử gian lận thi cử ở Hòa Bình: Đề nghị triệu tập Cục trưởng Quản lý chất lượng
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Vinh đề nghị triệu tập ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng) cùng thí sinh và phụ huynh liên quan đến vụ án.
Sáng 22/10, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm lưu động tại TAND tỉnh Hòa Bình xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình) và xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy).
Tại phần thủ tục tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quang Vinh đề nghị triệu tập ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) là người từng dẫn đoàn công tác của Bộ GD&ĐT lên Hòa Bình để kiểm tra.
Theo luật sư, ông Trinh dẫn đoàn công tác liên kiểm tra và kết luận việc thực hiện quy chế thi là đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, kết quả điều tra sau đó lại xác định bị cáo Vinh vi phạm quy chế thi.
Cùng với đó, luật sư đề nghị triệu tập các thí sinh và phụ huynh để làm rõ có ai liên hệ với ông Vinh và đặt vấn đề nâng điểm hay không, bởi suốt quá trình xét xử sơ thẩm bị cáo đều kêu oan.
Phản hồi về những đề nghị trên, HĐXX cho biết, hồ sơ vụ án đã có những tài liệu liên quan đến cá nhân được đề nghị triệu tập. Quá trình xét xử, tòa sẽ xem xét vấn đề này nếu thấy cần thiết.
Trong phiên sơ thẩm được mở 5 tháng trước, bị cáo Nguyễn Quang Vinh bị phạt 6 năm tù, bị cáo Khương Ngọc Chất 8 năm tù cùng về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Đỗ Mạnh Tuấn lĩnh 7 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hình phạt 10 năm tù.
Theo bản án sơ thẩm, 15 bị cáo vì vụ lợi đã lợi dụng chức vụ can thiệp, nâng điểm cho 65 thí sinh ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. Các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đặc biệt, đa số bị cáo còn lại là thầy cô giáo mẫu mực trong ngành nhưng chỉ vì nể nang bạn bè, người thân và đồng nghiệp, các bị cáo đã vi phạm pháp luật.
Hành vi của các bị cáo gây mất uy tín đối với người dân và mất công bằng với các thí sinh, ảnh hưởng đến toàn ngành giáo dục.
Trong vụ án này, bị cáo Vinh được xác định với vai trò cầm đầu khi chuẩn bị chìa khóa phòng chứa bài thi, bố trí niêm phong cửa phòng dễ bóc. Còn bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) trực tiếp nâng điểm.
Theo đó, 145 bài thi trắc nghiệm được nâng từ 0,2 đến 9,25 điểm mỗi môn; 20 bài thi Ngữ Văn được nâng từ 1,25 đến 4,5 điểm.
45 thí sinh được nâng điểm trúng tuyển đại học, cao đẳng song bị buộc thôi học; 10 thí sinh vẫn đang theo học vì kết quả chấm thẩm định đủ điểm xét tuyển.
HĐXX nhận định, bị cáo Vinh không nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ trong quá trình điều tra và tại tòa, chỉ thừa nhận thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên, căn cứ sự đồng nhất trong lời khai của Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn cùng lời khai của các bị cáo khác, tòa đủ căn cứ xác định bị cáo cấu kết chặt chẽ để thực hiện việc nâng điểm.