Xử hình sự 'siêu tốc' để đáp ứng yêu cầu chống dịch

Thủ tục tố tụng rút gọn đã phát huy tác dụng tốt trong điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đặc biệt như hiện nay mà vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo và người tiến hành tố tụng.

Gần đây, nhiều vụ án liên quan đến hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh COVID-19 được điều tra, truy tố và xét xử trong thời gian “siêu tốc”, có vụ chỉ trong vòng sáu ngày. Sở dĩ các cơ quan tố tụng làm được điều này là nhờ sự tiên liệu của các cơ quan lập pháp, được thể hiện qua quy định về thủ tục tố tụng rút gọn.

Đây là biểu hiện sinh động nhất của hoạt động pháp lý luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với yêu cầu của công cuộc phòng chống dịch bệnh chung của cả nước.

Điển hình là ngày 30-7, sau sáu ngày nằm ra đường “ăn vạ” chống đối tổ tuần tra chống dịch, bị cáo Phạm Văn Hiếu đã bị TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) phạt chín tháng tù về tội chống người thi hành công vụ. Theo đó, khi tổ tuần tra lưu động xã yêu cầu Hiếu xuất trình giấy tờ và mục đích ra đường thì bị cáo chửi bới, cầm đá đập xuống dải phân cách, nằm giữa đường thách thức và dùng mũ bảo hiểm đánh một thành viên của tổ tuần tra.

Mới nhất, ngày 3-8, TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cũng phạt Nguyễn Tấn Thạch chín tháng tù sau 14 ngày bị cáo này thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ. Thạch là người không mang khẩu trang, vượt chốt, cầm dao đe dọa và tấn công lực lượng bảo vệ ở khu phong tỏa tại thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa.

Bị cáo Nguyễn Tấn Thạch (29 tuổi, TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị phạt 9 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ sau 14 ngày tự ý ra khỏi khu vực phong tỏa, không đeo khẩu trang, vượt chốt, cầm dao đe dọa lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VĂN TÀI

Bị cáo Nguyễn Tấn Thạch (29 tuổi, TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị phạt 9 tháng tù về tội chống người thi hành công vụ sau 14 ngày tự ý ra khỏi khu vực phong tỏa, không đeo khẩu trang, vượt chốt, cầm dao đe dọa lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VĂN TÀI

Còn nhớ trong vụ án đầu tiên xử lý hành vi liên quan đến vi phạm phòng chống dịch, các cơ quan tố tụng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cũng chỉ cần bốn ngày để xét xử bị cáo Đào Xuân Anh. Khi bị nhắc nhở vì không mang khẩu trang, Anh đã chửi bới, dùng mũ cối đánh cán bộ làm nhiệm vụ. Liền đó, ngày 6-4-2020, Anh bị khởi tố và bốn ngày sau thì hầu tòa...

Cần khẳng định một điều rằng những hành vi vi phạm về phòng chống dịch là không thể chấp nhận được. Khi toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang căng mình chống dịch, tất cả đều tuân thủ quy định thì không ít người lại đi ngược với quy định pháp luật, khiến những cố gắng của bao người đổ sông đổ biển.

Vì vậy, thời gian qua, những vi phạm hình sự về phòng chống dịch đã được cơ quan tố tụng áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 456 BLTTHS để giải quyết nhằm kịp thời răn đe, phòng ngừa chung.

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã kịp thời có hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Theo đó, Hội đồng Thẩm phán yêu cầu các tòa án chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, VKS cùng cấp áp dụng thủ tục rút gọn khi có đủ điều kiện.

Bốn ngày sau, ngày 3-4, VKSND Tối cao cũng có chỉ thị về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát trong xử lý loại tội phạm này theo hướng áp dụng thủ tục rút gọn.

Từ đó đến nay, hàng trăm vụ án đã được xử lý theo thủ tục này trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu răn đe, phòng ngừa chung trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Nói vậy nhưng không phải muốn áp dụng rút gọn thì làm, cơ quan tố tụng luôn phải tuân thủ bốn điều kiện luật định. Cụ thể là: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm ít nghiêm trọng (hình phạt từ ba năm tù trở xuống); người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.

Khi xử phúc thẩm, tòa cũng có thể áp dụng rút gọn khi cấp sơ thẩm đã áp dụng và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc xin án treo (không kêu oan). Thậm chí, vụ án chưa được áp dụng rút gọn ở sơ thẩm nhưng nếu có đủ điều kiện và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc xin án treo thì tòa phúc thẩm cũng có thể tiến hành thủ tục rút gọn.

Khoản 5 Điều 457 BLTTHS còn cho quyền bị can, bị cáo khiếu nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn nếu thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm. Pháp luật cũng quy định đảm bảo quyền bào chữa của người bị áp dụng thủ tục rút gọn.

So với thủ tục tố tụng thông thường thì ở thủ tục rút gọn cơ quan điều tra không phải ban hành kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố rồi gửi hồ sơ cho VKS, nếu thống nhất thì VKS sẽ ban hành quyết định truy tố bị can ra tòa thay cho bản cáo trạng.

Có thể nói, thủ tục tố tụng rút gọn đã phát huy tác dụng tốt trong điều kiện hoàn cảnh dịch bệnh đặc biệt như hiện nay mà vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo và người tiến hành tố tụng. Nó cũng trở nên ý nghĩa hơn nữa khi đã góp phần vào sự thành công của công cuộc phòng chống dịch trong cả nước.

THANH TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/xu-hinh-su-sieu-toc-de-dap-ung-yeu-cau-chong-dich-1006862.html