Xu hướng bất động sản trong bối cảnh mới
Như vậy là bản đồ hành chính của cả nước được định vị lại, kéo theo đó là một loạt các bộ tiêu chí sẽ thay đổi, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn liên quan đến đô thị, bởi hệ thống đô thị như cũ không còn tồn tại nữa.

Ảnh minh họa.
Việc hợp nhất các tỉnh làm cho quy mô và dân số của các tỉnh tăng lên, tính đa dạng về địa lý cũng tăng lên, nhiều tỉnh sẽ có biển, có núi, có đồng bằng và trung du. Như thế trong một tỉnh sẽ xuất hiện nhiều loại BĐS hơn, như BĐS biển, BĐS vùng cao, BĐS đô thị, BĐS nông thôn.
Nếu sự phát triển trước kia dường như chỉ bó hẹp ở các trung tâm (thường là thành phố trực thuộc tỉnh và vùng), thì nay sự phát triển lan tỏa trên một quy mô rộng lớn hơn.
Một thí dụ, nếu trước đây người rao bán BĐS là chung cư, nhà phố thường bao giờ cũng có câu “gần trung tâm TPHCM, gần trung tâm thành phố mới Becamex”, thì nay lời quảng cáo đó không cần thiết nữa. Thí dụ TPHCM hợp nhất có cả Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với diện tích 6.800km2, làm cho thị trường BĐS mở rộng ra, người mua đất, nhà ở đâu đó tận Côn Đảo vẫn là TPHCM.
Thị trường BĐS từ chỗ nén vào trong các trung tâm thành phố lớn, chẳng hạn TPHCM hiện hữu với 14 quận nội thành, nhưng theo tình hình mới xu hướng BĐS sẽ phân tán trên diện rộng mà vẫn có thể tiêu thụ tốt.
Thực tế cho thấy, các tập đoàn xây dựng trong vài năm gần đây đã tản ra các tỉnh lân cận TPHCM, phát triển theo kiểu vết dầu loang từ một vài trung tâm, lan ra Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các nhà đầu tư làm được điều này vì được hỗ trợ đắc lực bởi hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng tốt lên. Nguyên lý đường cao tốc tới đâu nhà mọc lên đến đó.
Hiện nay và trong tương lai gần, Việt Nam sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật rất tốt và hoàn thiện, đường cao tốc (mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc, tạo nên một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại và kết nối các tỉnh, thành với nhau), hệ thống Metro đang dần hình thành (như TPHCM sẽ có 6 tuyến, tuyến số 1 hiện hữu sẽ kéo dài lên Bình Dương, Đồng Nai), đường sắt tốc độ cao, các sân bay được mở rộng, nâng cấp… Điều đó cho phép phát triển các khu đô thị hiện đại theo dạng phân tán, không nhất thiết phải dồn vào các thành phố lớn.
Chuyện một công chức sống ở phường Thủ Dầu Một làm việc tại phường Bến Thành, sáng đi chiều về bằng Metro sẽ là hiện thực trong tương lai không xa. Thêm vào nữa là sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ IT phát triển nhanh, giúp người ta giải quyết nhiều chuyện không phải di chuyển quá xa nữa. Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang xã hội số, rất thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính, các dịch vụ, cho nên khoảng cách địa lý sẽ được thu hẹp lại.
Khi các tỉnh thành sáp nhập lại có quy mô lớn hơn, thì quỹ đất cũng dồi dào hơn. Chẳng hạn gần 10 năm nay, TPHCM với quỹ đất để xây dựng các khu đô thị mới chừng vài chục ha đã cạn kiệt, nay mở rộng từ 2.100km2 thành 6.800km2 thì quỹ đất dành cho phát triển nhiều hơn, quỹ đất không chỉ dành cho các khu công nghiệp mà kéo theo đó là đất dành cho nhà ở xã hội cũng dồi dào. Lúc này lựa chọn của người dân nhiều hơn.
Khoảng chừng 15 năm trở lại đây, người dân bắt đầu chú ý nhiều đến bên ngoài căn nhà mình sẽ mua. Đó là sự thay đổi từ chỗ ở đến không gian ở. Trước năm 2000, người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng quan niệm về một nơi cư trú khá đơn giản. Đó là một căn nhà, một căn hộ, hay chỉ là một chỗ tá túc qua đêm.
Nhưng từ khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng ra đời, người dân Việt Nam thay đổi quan điểm từ một chỗ ở đơn giản đến một không gian sống hoàn thiện, không chỉ cho mình mà cho cả một cộng đồng. Mô hình Phú Mỹ Hưng làm thay đổi hoàn toàn quan điểm, nhận thức và cả mong muốn về định cư từ các cơ quan công quyền đến nhà đầu tư và mỗi người dân.
Còn nhớ vào thời điểm năm 1990, TPHCM lên cơn sốt phân lô bán nền, một mảnh đất được chia ra làm hàng trăm mảnh, mạnh ai nấy xây, hình thành nên những khu đô thị 5 không: không công viên, không trường học, không bệnh viện, không hạ tầng và không an ninh.
Phú Mỹ Hưng đi theo một con đường rất khác. Trên diện tích gần 500 ha, chỉ có một bản quy hoạch thống nhất và tiêu chuẩn thiết kế kiến trúc thống nhất, đồng thời cũng chỉ có một chủ đầu tư duy nhất, nên tính thống nhất, đồng bộ và tiêu chuẩn hóa rất cao. Lần đầu tiên ở Việt Nam một khu đô thị ra đời có triết lý phát triển rõ ràng, minh bạch. Đó là xanh, sạch, mỹ quan, an toàn, đồng bộ, thông minh và thân thiện.
Chính từ đây, người dân TPHCM mới hiểu ngoài căn nhà, căn hộ mình ở cần có một không gian sống hoàn chỉnh bên ngoài bức tường. Đó là công viên cây xanh, cảnh quan môi trường, hệ thống dịch vụ đầy đủ tiện ích, hệ thống đảm bảo an ninh an toàn cho đời sống, và các cơ sở trọng yếu khác như bệnh viện, trường học, tổ hợp thể thao, khu vui chơi giải trí, tất nhiên là cộng đồng xã hội thân thiện.
Chính Phú Mỹ Hưng đã làm thay đổi quan niệm về một khu đô thị, nhờ đó mà Bộ Xây dựng và các tập đoàn xây dựng hình thành nên các khu đô thị hiện đại sau này như Ciputra, Aqua city, Ecopark, Vinhomes... Phú Mỹ Hưng là đô thị đầu tiên được xếp hạng khu dân cư kiểu mẫu của Việt Nam. Người dân, nhất là các trí thức, doanh nhân biết điều này nhưng rất khó thực hiện, vì bị bó hẹp vào một vài trung tâm, do hạn chế về giao thông, thiếu dịch vụ tiện ích.
Nay thì đã khác. Những yêu cầu này dần được thực hiện từng bước ở những nơi khác nhau, theo quan điểm phát triển đồng đều và cân bằng giữa các vùng. Do vậy ước mơ về một không gian sống tiện ích mà vẫn không xa nơi làm việc, không phải là điều quá xa vời.
Cũng cần phải nói thêm rằng, cùng với việc sắp xếp lại hệ thống hành chính là các quyết định mới, tạo điều kiện thúc đẩy cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Trong đó phải kể đến việc bãi bỏ giấy phép xây dựng ở những nơi có quy hoạch 1/500, tiếp tới là giao việc hoàn công, cấp sổ hồng cho cấp phường, xã. Việc phát triển gắn với địa bàn cơ sở được coi là một bước đi mạnh mẽ, giúp cho thị trường BĐS trở nên lành mạnh hơn.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/xu-huong-bat-dong-san-trong-boi-canh-moi-post123690.html