Xu hướng chính trong triển khai năng lượng sạch thế giới
Hơn mười lăm năm trước, Đạo luật Cộng hòa số 9513 - hay còn gọi là Đạo luật Năng lượng tái tạo năm 2008 - đã mở đường cho tham vọng về một Philippines thịnh vượng, công bằng và toàn diện, được hỗ trợ bởi nguồn năng lượng bền vững và dồi dào. Không lâu trước khi đạo luật mang tính bước ngoặt đó được thông qua, ở một nơi khác trên thế giới, Apple đã trình làng chiếc iPhone đầu tiên, làm thay đổi thế giới và cách chúng ta tương tác với điện thoại.
Kể từ thời điểm đó, điện thoại thông minh và các công nghệ kỹ thuật số dường như đã phát triển với tốc độ ánh sáng. Ngày nay, những chiếc điện thoại thông minh mới nhất có khả năng cạnh tranh với máy tính để bàn tầm trung, và thậm chí còn được trang bị những tính năng tiên tiến như trí tuệ nhân tạo.
Tương tự, công nghệ năng lượng sạch cũng đã phát triển nhảy vọt trong khoảng thời gian đó. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2023, việc triển khai năng lượng sạch toàn cầu đã đạt đến tầm cao mới, với việc bổ sung hàng năm năng lượng mặt trời (quang điện) và gió tăng lần lượt 85% và 60%, đồng thời công suất bổ sung cho hai công nghệ này đạt gần 540 gigawatt (GW).
Doanh số bán ô tô điện tăng khoảng 35% vào năm 2023, đạt 14 triệu xe, tức 1/5 doanh số trên toàn cầu. Phần lớn doanh số bán hàng này lại do Trung Quốc dẫn đầu, trong đó 1/3 số ô tô bán ra là xe điện. Ở Liên minh châu Âu, con số này là 1/4.
Không dừng lại ở đó, dù điện thoại thông minh ngày nay đang phát triển nhanh chóng so với năm 2008, nhưng các công nghệ năng lượng sạch vẫn tập trung ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, trong khi phần còn lại của thế giới tiếp tục tụt lại phía sau.
IEA viết trong Báo cáo giám sát thị trường năng lượng sạch vào tháng 3/2024: “Trong năm 2023, Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển chiếm 90% công suất bổ sung cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cũng như hơn 95% doanh số bán ô tô điện toàn cầu”.
IEA coi việc triển khai 5 công nghệ năng lượng sạch - quang điện mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân, ô tô điện và bơm nhiệt - là chìa khóa để giảm nhu cầu năng lượng nhiên liệu hóa thạch hàng năm. Từ năm 2019 đến năm 2023, những công nghệ này đã giúp các quốc gia trên thế giới tránh được khoảng 25 exajoules (EJ) năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
IEA lưu ý: “Con số này tương đương với 5% tổng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2023, hoặc gần như tổng nhu cầu năng lượng của Nhật Bản và Hàn Quốc từ tất cả các nguồn vào năm ngoái”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công nghệ đều nhận được sự chú ý. Doanh số bán máy bơm nhiệt đã giảm trên toàn cầu so với mức kỷ lục của năm 2022, “do người tiêu dùng bị ép giảm chi tiêu cho các mặt hàng có giá trị lớn và những lo ngại về giá xăng tăng cao đã giảm đi phần nào. Doanh số bán máy bơm nhiệt chậm lại nêu bật tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ nhằm giúp người tiêu dùng đang gặp khó khăn về tài chính và giảm độ chênh lệch giữa giá điện và giá khí”.
Việc bổ sung công suất hạt nhân giảm xuống còn 5,5 GW vào năm 2023, mặc dù điều này không có nhiều ý nghĩa do thời gian thực hiện và phát triển dự án công nghệ kéo dài. Chỉ có 5 dự án lò phản ứng hạt nhân mới bắt đầu xây dựng vào năm 2023. IEA lưu ý rằng số lượng lò phản ứng được xây dựng trên thế giới là 58 đơn vị, với tổng công suất hơn 60 GW, tính đến đầu năm 2024.
Sự quan tâm đến máy điện phân hydro - thiết bị cần thiết để sản xuất hydro phát thải thấp và có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khử carbon các lĩnh vực khó giảm thiểu như công nghiệp nặng và giao thông vận tải - đang tăng lên, do nhu cầu về chúng tăng 360% vào năm 2023.
“Sự gia tăng này phần lớn đến từ Trung Quốc. Mỹ cũng tăng tốc độ triển khai, nhưng số lượng bổ sung hàng năm vẫn ở mức khiêm tốn về mặt tuyệt đối”, IEA viết.
“Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng năng lượng đang bị tụt lại phía sau. Đánh giá mới nhất của chúng tôi cho thấy mức cải thiện cường độ năng lượng khoảng 1% vào năm 2023, thấp hơn bốn lần so với cam kết COP28, nhằm tăng gấp đôi tốc độ cải thiện cường độ năng lượng trong dài hạn vào năm 2030”, cơ quan này giải thích thêm.
Báo cáo của IEA lưu ý thêm rằng việc triển khai 5 công nghệ chính: quang điện mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân, ô tô điện và bơm nhiệt từ năm 2019 đến năm 2023 sẽ tránh được khoảng 2,2 tỷ tấn (Gt) khí thải mỗi năm. “Nếu không có chúng, sự gia tăng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu trong cùng thời kỳ sẽ lớn hơn gấp ba lần”, tổ chức cho biết thêm.
Trên toàn cầu, việc triển khai quang điện mặt trời trong 5 năm qua đã cắt giảm khoảng 1,1 Gt khí thải hàng năm, gần tương đương với lượng khí thải hàng năm của toàn bộ ngành năng lượng Nhật Bản. Tại các thị trường như Úc và New Zealand, tác động thậm chí còn rõ rệt hơn, khi pin mặt trời giúp giảm gần 10% lượng khí thải CO2 trong tổng lượng khí thải liên quan đến năng lượng của khu vực vào năm 2023.
Năng lượng gió đã giảm được khoảng 830 tấn (Mt) khí thải CO2 hàng năm, trong khi năng lượng hạt nhân đã ngăn chặn được 160 Mt CO2. Ô tô điện và máy bơm nhiệt đã tránh được lượng phát thải lần lượt là 60 Mt và 50 Mt CO2. Mặc dù mức giảm từ ô tô điện và máy bơm nhiệt hiện khiêm tốn hơn so với các công nghệ khác, nhưng dự kiến chúng sẽ tăng khi nguồn cung của các công nghệ này mở rộng, tăng thị phần của chúng trong doanh số bán hàng mới và tổng số thiết bị đang được sử dụng.
Nhìn chung, xu hướng này là dấu hiệu tích cực. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết trong một báo cáo riêng rằng: “Ngày nay, cứ mỗi đô la sử dụng cho nhiên liệu hóa thạch, sẽ có gần hai đô la được đầu tư vào năng lượng sạch”.
Ông nói thêm: “Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch được củng cố bởi nền kinh tế mạnh mẽ, việc tiếp tục cắt giảm chi phí và những cân nhắc về an ninh năng lượng”.
IEA nhận thấy đầu tư toàn cầu vào sản xuất 5 công nghệ năng lượng sạch chủ chốt đã tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2023, tăng hơn 70% so với năm 2022, chiếm khoảng 4% tăng trưởng GDP toàn cầu. Và dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tổ chức này kỳ vọng đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch sẽ đạt 2 nghìn tỷ USD trong năm nay. Con số này gấp đôi số tiền dành cho nhiên liệu hóa thạch, với tổng đầu tư vào năng lượng dự kiến sẽ vượt quá 3 nghìn tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2024.
Khoảng 2 nghìn tỷ USD được dành cho các công nghệ sạch - bao gồm năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt - phần còn lại hướng tới khí đốt, dầu và than. Tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo lần đầu tiên vượt qua ngân sách cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2023.
Ông Birol cho biết: “Đầu tư vào năng lượng sạch đang lập kỷ lục mới ngay cả trong điều kiện kinh tế đầy thách thức, làm nổi bật động lực đằng sau nền kinh tế năng lượng toàn cầu mới. Nhưng cũng có tác động mạnh mẽ của chính sách công nghiệp, khi các nền kinh tế lớn cạnh tranh để giành lợi thế trong chuỗi cung ứng năng lượng mới”.
“Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng nguồn vốn đầu tư sẽ đến được những nơi cần thiết, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, nơi ngày nay việc tiếp cận năng lượng an toàn, bền vững và giá cả phải chăng vẫn là một thách thức lớn”.