Xu hướng công nghệ trong mùa tuyển sinh 2024
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐHCĐ) năm 2024 dự báo tiếp tục có sự chuyển dịch trong lựa chọn các ngành nghề, trong đó công nghệ sẽ là ưu tiên của thí sinh. Nhiều trường ĐHCĐ cũng đã dự báo được xu thế phát triển của công nghệ trong tương lai để lên kế hoạch mở ngành nghề đào tạo, thay vì đào tạo những gì sẵn có.
Mùa tuyển sinh ĐHCĐ năm 2024 đang thực sự nóng dần lên với nhiều ngành mới như: thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, công nghệ logistics, công nghệ tài chính, thương mại điện tử…
Niềm tin đặt vào tương lai công nghệ
Chưa mùa tuyển sinh ĐHCĐ nào mà những ngành như: thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn, thiết kế chíp lại được thí sinh quan tâm nhiều như năm 2024 này. Một trong những lý do khiến những ngành này “hot” là bởi công nghệ sản xuất vi mạch và chất bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng. Năm 2023 và đầu năm 2024 này, Việt Nam tiếp tục được giới công nghệ thế giới với những tên tuổi lớn quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ngoài những lợi thế về chính sách thu hút đầu tư, Việt Nam còn được biết đến là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới, nguyên liệu chính trong ngành sản xuất chất bán dẫn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng:
Chuẩn bị sớm nguồn nhân lực công nghệ cao
Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp từ rất sớm. Ngày nay, Đồng Nai càng phải quyết liệt hơn để thu hút các dòng vốn công nghệ cao, mà trước tiên là phải chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực công nghệ của thế giới để gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Trong tương lai, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động sẽ mở ra nhiều kỳ vọng đón làn sóng đầu tư công nghệ và cần có sự chuẩn bị sớm về nhân lực chất lượng cao.
Cuối năm 2023, Việt Nam tiếp tục nổi lên như miền đất hứa về đầu tư công nghệ. Điểm nhấn là người đứng đầu tập đoàn công nghệ sản xuất chíp lớn nhất thế giới NVIDIA đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư và có những cam kết đầu tư mạnh mẽ. Người đứng đầu NVIDIA đã cam kết sẽ đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất chíp lớn thứ 2 của hãng này trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều tên tuổi lớn như các đối tác của Apple hay Samsung tiếp tục chuyển hướng mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Muốn phát triển ngành sản xuất vi mạch và chất bán dẫn thì cần có nhân lực, trong khi Việt Nam mới chỉ được xem là khởi động trong đào tạo nhân lực các ngành này. Trong báo cáo về đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025), Nghị quyết số 31/2021/QH15 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đã đề cập 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trong 12 nhiệm vụ và giải pháp này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao như chíp, bán dẫn. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo tập trung đào tạo 50-100 ngàn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp điện tử đến năm 2025 và năm 2030. Tập trung nghiên cứu, xây dựng cơ chế để phát huy vai trò chủ đạo, động lực của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài những ngành công nghệ cao như: sản xuất chất bán dẫn, vi mạch, sản xuất chíp thì công nghệ logistics, đồ họa mỹ thuật, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo sẽ tiếp tục xu hướng là lựa chọn của thí sinh trong thời gian tới.
Cần thông tin về ngành công nghệ
Em Lê Ngọc Nam, học sinh Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Gần đây, những từ như: chíp, chất bán dẫn, vi mạch liên tục xuất hiện trong suy nghĩ của em. Em bắt đầu tìm hiểu về ngành sản xuất chíp và thấy được nó thực sự thông dụng khi rất nhiều thiết bị điện tử, xe hơi, đồ gia dụng… đều cần đến những con chíp và vi mạch. Em dự định sẽ theo học ngành này nhưng trước mắt em sẽ tìm hiểu kỹ hơn, nhất là trường nào đào tạo tốt nhất”.
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường đại học Đồng Nai vào cuối tháng 1-2024, rất nhiều thí sinh quan tâm đến các lĩnh vực đào tạo như chất bán dẫn, vi mạch, chíp… Thế nhưng, chưa có nhiều trường đại học ở Việt Nam có nhiều kinh nghiệm đào tạo các chuyên ngành này. Năm 2024, dự kiến sẽ có nhiều trường đại học bắt đầu “chạy đua” mở ngành đào tạo sản xuất vi mạch và chất bán dẫn.
Em Nguyễn Thị Thành Giang, học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (thành phố Biên Hòa) cho biết: “Em là học sinh nữ nhưng cũng tò mò về công nghệ, nhất là những công nghệ mới như: sản xuất chíp, vi mạch, đồ họa mỹ thuật… Tuy nhiên, em không biết ngành này cần những tố chất gì, là nữ thì có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, em cũng muốn biết trường nào đã đào tạo những ngành này để đến tìm hiểu nhưng lại quá ít thông tin”.
Không chỉ thí sinh chuẩn bị bước vào mùa xét tuyển ĐHCĐ năm 2024 đang thiếu thông tin về những ngành đào tạo công nghệ mới mà chính giáo viên ở các trường phổ thông cũng đang thiếu thông tin cụ thể về các ngành này để tư vấn cho học sinh trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) Hoàng Nguyễn Quỳnh Quyên chia sẻ: “Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp thay đổi liên tục, nhất là những ngành công nghệ mới. Đây thực sự là thách thức với thầy cô giáo để có thể giúp học sinh và phụ huynh hiểu đúng, đầy đủ về các ngành công nghệ mới, từ đó định hướng cho các em có sự lựa chọn”.
Anh Đỗ Quốc Huy (ở phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) cho hay: “Con trai tôi khá mê game, khiến tôi rất lo lắng. Tôi càng bối rối hơn khi con tôi nói sẽ học nghề thiết kế game ở một trường đại học công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không biết lựa chọn này có tương lai không, cho đến khi tìm hiểu qua các kênh tư vấn nghề nghiệp thì thấy đây là ngành mới và “hot” tại Việt Nam. Tôi hy vọng con sẽ cố gắng trúng tuyển và học hành nghiêm túc để theo đuổi đam mê của mình”.
Công Nghĩa
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng:
Trường sẽ tiếp tục chuyển hướng đào tạo các ngành công nghệ mới
Công nghệ đang dẫn dắt tương lai, vì thế nhà trường phải sẵn sàng tâm thế giành lấy cơ hội đào tạo theo xu thế. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử, logistics được xác định là thế mạnh của Trường đại học Lạc Hồng những năm tới. Đặc biệt, nhà trường đang phối hợp với Công ty CP Giáo dục quốc tế Sun Edu (Thành phố Hồ Chí Minh) xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch đầu tiên tại Đồng Nai.
Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn anh Thi:
Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được xác định là yếu tố then chốt
Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn. Qua đó, nâng cao sức mạnh nội sinh của hệ sinh thái vi mạch bán dẫn tại khu công nghệ cao của thành phố. Nhân lực ngành vi mạch bán dẫn được xác định là yếu tố then chốt đảm bảo cho sự thành công của chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn quốc gia.
Thành Nam (ghi)