Xu hướng của mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động

Xu hướng trong tình hình mới về ATVSLĐ là mở rộng các hình thức truyền thông như mạng xã hội; tăng cường sự phối hợp với các kênh truyền thông báo chí, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Sáng 7/12, tại tỉnh Hà Giang, Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên mạng thông tin quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023.

Ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang.

Ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang.

Ông Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang cho biết

“Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Giang đã chủ động phối hợp cùng các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách và quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến, đem lại hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững”.

Hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ là cơ hội để giúp các doanh nghiệp Hà Giang nói riêng tiếp cận đầy đủ hơn các chính sách, quy định của pháp luật về ATVSLĐ từ đó có thể nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động đối với việc thực hiện công tác ATVSLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định góp phần cải thiện và nâng cao môi trường làm việc.

Hà Giang hiện có một Khu kinh tế, nhưng số doanh nghiệp hoạt động với số lao động rất ít (trên 500 lao động). Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tập trung ở lĩnh vực xây dựng và hoạt động dịch vụ nên khả năng thu hút và sử dụng lao động không nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin an toàn lao động (Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin an toàn lao động (Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chia sẻ về xu hướng của mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin an toàn lao động (Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cung cấp thông tin về tiếp tục đổi mới nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về công tác ATVSLĐ và xu hướng hoạt động hoạt động mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ trong tình hình mới. Đồng thời, việc đổi mới nội dung xác định nhu cầu và xây dựng các tài liệu huấn luyện, hướng dẫn cần thiết, phù hợp với thực tiễn như: giảm căng thẳng tại nơi làm việc, ngư dân, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, tòa nhà…

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Xu hướng trong tình hình mới về ATVSLĐ cũng là mở rộng các hình thức truyền thông như mạng xã hội; tăng cường sự phối hợp với các kênh truyền thông báo chí, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Kết nối, cung cấp, hỗ trợ thông tin cho các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện; phát động và duy trì phong trào về ATVSLĐ, phong trào xanh – sạch – đẹp và đảm bảo an toàn lao động. “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động 2024 có chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, bà Nguyễn Thị Thu Hường, cho biết thêm.

Ông Phạm Xuân Thành, đại diện Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế)

Ông Phạm Xuân Thành, đại diện Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế)

Ông Phạm Xuân Thành, đại diện Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, “Xu hướng của mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động, đánh giá nguy cơ và quản lý ATVSLĐ trong ngành y tế. Cùng với đó là rà soát, tăng cường tổ chức y tế tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện cho khu vực không có hợp đồng lao động; nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm… cho người lao động. Đặc biệt là phòng chống bệnh nghề nghiệp tại một số ngành nghề có nguy cơ cao và bệnh liên quan đén amiăng”.

Quá trình phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, cách mạng Công nghiệp 4.0, vấn đề biến đổi khí hậu, các dịch bệnh mới diễn biến phức tạp… làm tăng số lượng người lao động bị tổn thương và gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động, thích ứng linh hoạt an toàn cần được tăng cường và quan tâm hơn nữa.

Ông Nguyễn Duy Thành, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ về kết quả nghiên cứu và định hướng nghiên cứu an toàn vệ sinh lao động.

Ông Nguyễn Duy Thành, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ về kết quả nghiên cứu và định hướng nghiên cứu an toàn vệ sinh lao động.

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ an toàn vệ sinh lao động đến năm 2030 là "Tiếp tục đẩy mạnh một số nghiên cứu tiên tiến, cơ bản, liên ngành giữa các lĩnh vực KHCN: KHTN, KHXH&NV để phát triển lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chương trình quốc gia, xây dựng chính sách về ATVSLĐ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động. Đổi mới, ứng dụng công nghệ số và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, đào tạo cho đoàn viên, người lao động về ATVSLĐ và chính sách, pháp luật".

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ, trao đổi thông tin về kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ATVSLĐ, những định hướng và kiến nghị trong thời gian tới; công tác thanh tra lao động trong tình hình mới; những sáng kiến về ATVSLĐ; kinh nghiệm về cải thiện điều kiện ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phi kết cấu; thông tin về các Công ước quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế mới về lĩnh vực ATVSLĐ…

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về các hình thức, công cụ thông tin hiệu quả để thúc đây thực thi chính sách pháp luật về ATVSLĐ đi vào cuộc sống (công cụ truyền thống, công cụ số, mạng xã hội, hệ thống phát thanh…); chia sẻ các mô hình, điển hình tốt về ATVSLĐ; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo về ATVSLĐ…

Tham dự hội nghị có gần 150 đại biểu đến từ một số Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); lãnh đạo một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh; cán bộ làm công tác ATVSLĐ của một số Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Ng. Huyền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-cua-mang-thong-tin-quoc-gia-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong/317383.html