Xu hướng đấu thầu cung ứng dịch vụ thủy lợi
Quản lý, khai thác là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả đầu tư công trình thủy lợi. Trong đó, phương thức đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi giúp lựa chọn được doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi... là xu thế tất yếu cần được đẩy mạnh áp dụng.
Hiện, cả nước có tổng số 100 đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi vừa và lớn; 16.800 đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng... Về phương thức hoạt động, 18 tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam… thực hiện phương thức đặt hàng các doanh nghiệp trực thuộc cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Các tỉnh, thành phố còn lại thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ…
Đối với Hà Nội, từ năm 2011 thành phố thực hiện đặt hàng doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi thay cho phương thức giao nhiệm vụ như trước đây. Đánh giá về công tác này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho rằng, so với giao nhiệm vụ, phương thức đặt hàng đã tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát, thanh, quyết toán nguồn kinh phí dành cho lĩnh vực thủy lợi… Các doanh nghiệp thủy lợi chủ động triển khai thực hiện khối lượng công việc theo hợp đồng đã ký kết; chủ động sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được Nhà nước đặt hàng. Mặt khác, các doanh nghiệp thủy lợi chủ động hơn trong công tác duy tu, duy trì, tu sửa sụt sạt bờ kênh, mái kênh…
Bên cạnh những mặt tích cực, thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước cũng đã nhận ra những hạn chế khi thực hiện phương thức đặt hàng. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Văn Long, việc đặt hàng hiện nay chưa tạo ra động lực cho các doanh nghiệp thủy lợi tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành; chưa chủ động mở rộng lĩnh vực kinh doanh, khai thác nguồn lực sẵn có để tăng thu nhập chính đáng cho người lao động… Đặc biệt, quy trình đặt hàng tương tự hình thức đấu thầu hạn chế, không phải là đấu thầu rộng rãi. Vì vậy, các địa phương áp dụng phương thức đặt hàng khó lựa chọn được doanh nghiệp thủy lợi vượt trội về năng lực...
Đồng tình với các quan điểm trên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, xét trên yếu tố minh bạch mối quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và doanh nghiệp cung ứng, người thụ hưởng dịch vụ thủy lợi và tính cạnh tranh của thị trường thì cả hai phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng chưa đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục hạn chế này, ngày 10-4-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. “Nói cách khác, đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi là giải pháp giúp các tỉnh, thành phố lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi; đồng thời, loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, chậm đổi mới, thích ứng với nền kinh tế thị trường…”, ông Nguyễn Văn Tỉnh giải thích.
“Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai các bước để trong năm 2020 sẽ tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ thủy lợi theo phương thức đấu thầu, thay phương thức đặt hàng…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin thêm.